Hải sản rớt giá, ngư dân lao đao

Thứ tư, 20/05/2020, 10:01
Đang vào vụ cá nam, giá xăng dầu giảm sâu nhưng ngư dân miền Trung không vui do giá các loại hải sản giảm hơn một nửa so với trước đây, thu không đủ bù chi.

Giá hải sản liên tục sụt giảm khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, hầu hết giá các loại hải sản đều giảm từ 40%-60% so với trước dịch Covid-19. Cụ thể, giá cá bè chỉ còn 30.000 đồng/kg (trước đây 70.000 đồng/kg); cá nục loại 3-4 con/kg còn 12.000 đồng/kg (trước đây 28.000-30.000 đồng/kg); cá ngừ vùng khơi loại trên 1 kg/con còn 15.000-17.000 đồng/kg (trước đây khoảng 30.000 đồng/kg)...

Mùa đi biển nhưng không muốn ra khơi

Ngư dân Nguyễn Danh - ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết lúc này, thời tiết thuận lợi, giá nhiên liệu giảm mạnh, tình hình này đáng mừng với ngư dân nhưng nhiều chủ tàu không mấy mặn mà ra khơi vì giá cá giảm thê thảm.

"Đợt này tàu tôi đánh bắt rất thuận lợi nhưng tính ra với giá hải sản rớt một nửa so với trước, chỉ đủ chia công lao động cho anh em bạn tàu. Bởi vậy, sau chuyến biển này, tàu tôi nghỉ một thời gian, chờ xem giá cả thế nào rồi mới tính đánh bắt trở lại" - ông Danh nói.

Sau Tết Canh Tý 2020 đến nay, tàu cá BĐ 97169-TS của ngư dân Nguyễn Văn Xỉn (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) ra khơi được 2 chuyến. Do giá thủy sản quá thấp, chủ tàu và bạn thuyền kém vui.

"Chuyến biển trước, tàu tôi đánh bắt được 6 tấn mực xà và 2 tạ cá ngừ đại dương, bán được gần 130 triệu đồng, chỉ đủ tổn (chi phí đi biển). Còn chuyến này đánh bắt được 10 tấn mực xà, 3 tạ cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, giá mực bán ra chỉ còn 5.000 đồng/kg, mỗi ký giảm tới 17.000 đồng; cá ngừ đại dương còn 80.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg. Vì vậy, dù sản lượng đánh bắt nhiều hơn chuyến biển trước nhưng thu không đủ bù tổn" - anh Xỉn buồn hiu.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Minh (ngụ phường Đống Đa, TP.Quy Nhơn), chủ tàu cá BĐ 91388-TS, chuyến biển vừa rồi, tàu anh đánh bắt được 8 tấn cá ngừ sọc dưa, bán chỉ được 150.000 - 200.000 đồng/két (10 kg/két), giảm 100.000-120.000 đồng/két so với chuyến biển tháng trước. Thu nhập được gần 100 triệu đồng nhưng chỉ vừa đủ tổn. "Nhờ giá dầu đang giảm nên ngư dân vẫn còn dám ra biển chứ giá dầu ở mức cao như trước thì chắc chắn nhiều tàu sẽ đậu bến, bởi đánh bắt không có lãi" - anh Minh nói.

Nguồn cung thừa do ngừng xuất khẩu

Không chỉ ngư dân lao đao do các loại hải sản rớt giá mà các cơ sở thu mua, doanh nghiệp chế biến sản phẩm này cũng gặp khó. Nhiều dây chuyền đã dừng hoạt động, hải sản dồn ứ, tốn kém chi phí bảo quản, người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp...

Ở TP Đà Nẵng, từ tháng 3 đến nay, giá và sức mua hải sản ở chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang giảm mạnh. Ông Nguyễn Lại, Phó Trưởng Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, cho hay đối với một số loại cá có chất lượng, giá cao như cá mú, cá chim…, trước đây chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn và xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thì nay chủ yếu bán ở chợ, giá giảm từ 15%- 20%. Riêng đối với các loại cá bán ở chợ như ngừ, hố, nục…, giá giảm từ 20%-25%. Một số loại chủ yếu phục vụ cho nhà máy chế biến thủy sản như cá ngừ, cá dũa, cá cờ… không xuất khẩu được nên các doanh nghiệp dừng mua hoặc mua rất ít, giá giảm từ 30%-35%.
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, nhận định từ đầu năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu nên nguồn hải sản khai thác của ngư dân rơi vào cảnh khủng hoảng thừa. "Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa, tạm dừng kinh doanh; người dân hạn chế ra đường dẫn đến sức tiêu thụ các loại thủy hải sản cũng giảm mạnh, nhất là những loại có giá trị cao" - ông Toàn nói.
Bà Trương Thị Nhạn, một chủ cơ sở thu gom hải sản ở TP.Quy Nhơn, cho rằng giá các loại cá, mực quá rẻ là do không xuất khẩu được. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chỉ mua gom thủy sản trữ trong kho đông lạnh nhưng số lượng không nhiều. Giảm giá mạnh nhất là mặt hàng mực xà, bởi lâu nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, giờ họ tạm ngừng mua.
Theo NLĐ

Các tin cũ hơn