Nhà chức trách Ấn Độ thực hiện nghiêm ngặt các quy định duy trì khoảng cách xã hội để chống dịch Covid-19. (Ảnh: The Quint).
Theo South China Morning Post, sau khi dịch Covid-19 bùng lên tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) rồi lan rộng khắp thế giới, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc tỏ dấu hiệu mất niềm tin với nước này và tìm kiếm cơ hội dịch chuyển sang các thị trường mới.
Ấn Độ lập tức mở chiến dịch mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài với những ưu đãi hấp dẫn. Chính quyền New Delhi xác định một số ngành công nghiệp quan trọng - bao gồm sản phẩm điện tử - là những khu vực chủ chốt đề mời gọi đầu tư.
Chính quyền các bang Gujarat, Madhya Pradesh và Uttar Pradesh đã nhanh chóng nới lỏng luật lao động. New Delhi cũng đang phát triển một quỹ đất có diện tích gấp đôi Luxembourg để thu hút giới đầu tư.
Nguồn tin SCMP cho biết các quan chức Ấn Độ tin rằng việc Trung Quốc xử lý không tốt dịch Covid-19 giai đoạn đầu, luật bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ lỏng lẻo và quan hệ căng thẳng với Mỹ, châu Âu hay Australia thời gian qua sẽ khiến dòng đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sụt giảm mạnh.
Do đó, New Delhi quyết đẩy mạnh chương trình "Made in India" để phát triển hệ thống sản xuất trong nước.
Một trong những lợi thế lớn nhất của Ấn Độ là nền kinh tế đang phát triển. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Ấn Độ là một trong số ít các nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19.
Với dân số gần 1,4 tỷ dân, Ấn Độ sở hữu thị trường tiêu dùng khổng lồ và thu nhập của người dân đang tăng nhanh. Chính phủ Ấn Độ liên tục đưa ra các biện pháp kích thích đầu tư kể từ năm 2014. Các chính sách đầu tư nước ngoài được nới lỏng, luật bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ được thắt chặt.
Chính quyền Ấn Độ cũng đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15% cho các công ty mới trong lĩnh vực sản xuất. Thuế thu nhập doanh nghiệp của Ấn Độ hiện thuộc hàng thấp nhất thế giới.