Giá sắn lát xuất khẩu bắt đầu tăng do Trung Quốc tăng mua

Thứ hai, 18/05/2020, 09:31
Những ngày giữa tháng 5/2020, chào giá xuất khẩu sắn lát của Việt Nam và Thái Lan sang Trung Quốc tăng từ 12 - 15 USD/tấn, do nhu cầu Trung Quốc tăng mạnh trong khi tồn kho trong nước đang ở mức thấp.

Tính đến giữa tháng 5/2020, tồn kho sắn lát của Việt Nam còn dưới 300 ngàn tấn, nhưng phần lớn là hàng đã có hợp đồng.

Trong khi đó, thị trường tinh bột sắn xuất khẩu vẫn chưa khởi sắc.

Giá sắn nguyên liệu tại các vùng trên cả nước trong 15 ngày đầu tháng 5/2020, có xu hướng tăng trở lại do nguồn cung thấp. Do thời tiết nắng nóng và do chưa đến vụ thu hoạch nên lượng sắn về các nhà máy không nhiều, giá sắn tươi tại Tây Ninh, Đắk Lắk vẫn ổn định.

Trung Quốc vẫn là thị trường chủ đạo

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, tháng 4/2020, xuất khẩu sắn và tinh bột sắn của Việt Nam ước đạt 250 nghìn tấn, trị giá 100 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với tháng 3/2020, nhưng tăng 4,3% về lượng và tăng 4,9% về trị giá so với tháng 4/2019; giá xuất khẩu bình quân tăng 0,5% so với tháng 4/2019, lên mức 400 USD/tấn.

Cộng dồn 4 tháng, xuất khẩu sắn và tinh bột sắn ước đạt 1,02 triệu tấn, trị giá 359 triệu USD, tăng 11,1% về lượng và tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng 4/2020, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Khối lượng sắn lát xuất khẩu vào thị trường này ước đạt 52 nghìn tấn, trị giá 13 triệu USD, giảm 38,5% về lượng và giảm 33,3% về trị giá so với tháng 3/2020; so với tháng 4/2019 tăng 18,5% về lượng và tăng 21,6% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân tăng 8,5% so với tháng 4/2019, lên mức 252 USD/tấn.

Xuất khẩu giảm do nhu cầu mua sắn lát từ Trung Quốc chậm lại và do giá cồn ở Trung Quốc chịu áp lực giảm từ sự suy giảm giá dầu và giá cồn thế giới.

Cộng dồn 4 tháng, xuất khẩu sắn lát ước đạt 293 nghìn tấn, trị giá 65 triệu USD, tăng 47,5% về lượng và tăng 64,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Còn theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tinh bột sắn của cả nước đạt 526,13 nghìn tấn, trị giá 206,37 triệu USD, tăng 1,5% về lượng, giảm 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia và Đài Loan. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm 92,4% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu, với 485,95 nghìn tấn, trị giá 189,63 triệu USD, tăng 3% về lượng, nhưng giảm 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu tinh bột sắn chưa có tín hiệu tích cực

Ông Nguyễn Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh - tỉnh có diện tích trồng và xuất khẩu tinh bột sắn lớn nhất nước cho biết, dù Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn đều xuất chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế, và dù Trung Quốc đã khống chế được dịch bệnh nhưng nhu cầu tinh bột sắn ở thị trường này vẫn không lớn như trước khi có dịch, nên giá bán đã giảm hơn so với trước. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Giá sắn tươi ở Tây Ninh không tăng và dao động trong biên độ từ 2.400 đến 2.600 đồng/kg, loại 30% bột. Mức giá này doanh nghiệp mua vào không có lời do giá xuất khẩu tinh bột sắn đang giảm, bây giờ mùa vụ cũng chưa tới nên năng suất và hàm lượng tinh bột trong sắn thấp. Mùa thu hoạch chính của sắn thường vào giữa mùa mưa đến cuối mùa mưa, tầm tháng 9, tháng 10 cho đến cuối năm”, ông Trong cho biết.

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột ở Tây Ninh, giá xuất khẩu tinh bột sắn đang giảm khoảng từ 10 đến 15% so với trước khi có dịch. Hiện nhu cầu tinh bột sắn ở thị trường Trung Quốc vẫn chưa nhiều nên giá xuất lại giảm, trong khi đó, do chưa tới vụ thu hoạch nên giá nguyên liệu đầu vào tăng, đẩy giá thành tinh bột lên cao cùng các loại chi phí khác đều tăng, nên các doanh nghiệp không mua nhiều nguyên liệu vì sản xuất nhiều sẽ khó bán. Nhìn chung, xuất khẩu tinh bột sắn hiện vẫn trong tình trạng khó khăn.

“Hiện nay lượng nguyên liệu sắn trên thị trường không nhiều, giá tinh bột sắn cũng không cao thậm chí còn thấp hơn so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. Cụ thể, trước đây giá xuất khẩu tinh bột sắn trên dưới 3,91 USD/kg, hiện nay chỉ còn khoảng 3,8 - 3,85 USD/kg. Nhìn chung đến thời điểm này thị trường xuất khẩu tinh bột sắn vẫn chưa khởi sắc, tuy vẫn bán ra được nhưng mãi lực khá chậm”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, mặt hàng sắn lát đang có nhiều cơ hội khi Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi ngành chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn châu Phi dẫn đến nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Hiện giá xuất khẩu sắn lát vẫn tiếp tục tăng do khan hiếm nguồn cung trước bối cảnh nhiều diện tích sắn Trung Quốc đang bị dịch bệnh khảm lá sắn tiếp tục bùng phát và lây lan trên diện rộng, nguy cơ sản lượng sắn năm nay có thể giảm khi nhiều diện tích bị mất trắng.

Dự báo, trong ngắn hạn xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam sẽ ổn định hơn so với đầu năm 2020 do tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt. Tại Trung Quốc, công suất sản xuất của các nhà máy thức ăn chăn nuôi đã đạt gần 80% so với mức bình thường vào cuối tháng 2/2020.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích