Thêm những thương vụ trái phiếu khủng của gia tộc Chu - Trương?

Thứ hai, 18/05/2020, 12:40
Sau những Norah, Bông Sen Corp, Phú Châu, An Đông, danh sách doanh nghiệp phát hành trái phiếu “khủng” tiếp tục phát lộ thêm nhiều cái tên - cũng được cho là có liên quan đến hệ sinh thái doanh nghiệp của gia tộc Chu - Trương nức tiếng giới tài phiệt Sài thành.

Nhóm doanh nghiệp được cho là "họ" Vạn Thịnh Phát đã huy động thành công hàng tỷ USD trái phiếu, chỉ trong ít tháng cuối năm 2018. (Ảnh: Internet)

Đó là các cái tên: CTCP Đầu tư và Phát triển Sunny World (Sunny World), CTCP Đầu tư Quang Thuận (Quang Thuận).

Theo thống kê – nhấn mạnh là chưa đầy đủ - chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, quy mô phát hành trái phiếu của nhóm 6 doanh nghiệp này đã lên tới hơn 2 tỷ USD (tương đương khoảng 46.000 tỷ đồng).

Các tài liệu mới được công bố cho thấy, từ ngày 24 - 27/12/2018, Quang Thuận đã liên tiếp phát hành 2 lô trái phiếu với tổng khối lượng 4.500 tỷ đồng, trong đó lô QT-2018.12 có kỳ hạn 3 năm, trị giá 3.000 tỷ đồng và lô QT-2018.12.1 kỳ hạn 5 năm với giá trị 1.500 tỷ đồng.

Sunny World, cũng trong khoảng thời gian trên, đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 5 năm với tổng khối lượng 3.100 tỷ đồng, gồm lô SNW-2018.10 (2.400 tỷ đồng) và SNW-2018.12 (700 tỷ đồng).

Sunny Word đã phát hành thành công liên tiếp hai lô trái phiếu với tổng quy mô 3.100 tỷ đồng trong những ngày cuối năm 2018. (Ảnh: SW)

Theo thông tin trong ĐKKD, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Sunny World là doanh nhân Truong Vicent Kinh (Trương Tôn Vinh). Còn với Quang Thuận, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Vũ Anh Thi - Tổng giám đốc. Cả hai người đều là những nhân sự quen tên trong hệ sinh thái doanh nghiệp của bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan (Trương Muội, phu nhân của nhà tài phiệt Hong Kong – ông Eric Chu Nap Kee (Chu Lập Cơ)).

Ông chủ thực sự của Alpha King là ai?

Nguồn tin của PV cho thấy, ông Trương Tôn Vinh đã không ít lần cùng bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông Chu Lập Cơ – Chủ tịch Tập đoàn Times Square, ông Vương Vĩ Hiền – Chủ tịch Tập đoàn Alpha King trở về Trung Quốc và Hong Kong để xúc tiến các cơ hội kinh doanh.

Đoàn doanh nghiệp Việt gốc Hoa dẫn đầu bởi vợ chồng doanh nhân Chu Lập Cơ - Trương Mỹ Lan sang thăm và làm việc với Tập đoàn CIMG cuối tháng 10/2016. (Nguồn ảnh: CIMG)

Trong buổi làm việc với Tập đoàn đầu tư dân sinh Trung Quốc (China Minsheng Investment Group, viết tắt: CMIG) tại Thượng Hải vào hạ tuần tháng 10/2016, vợ chồng doanh nhân Chu Lập Cơ – Trương Mỹ Lan đã nói rằng “là người Hoa ở hải ngoại nên chúng tôi rất mong có thể giới thiệu những công ty Trung Quốc có chất lượng và mô hình kinh doanh đặc sắc như CMIG đến với Việt Nam, làm cầu nối cho “Vành đai và Con đường” (Belt and Road Initiative - BRI)) tại các nước Asean trên cơ sở mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi”.

Những thương vụ trái phiếu "của hiếm"

SRE Group đầu tư dự án 100 triệu USD ở Phnom Penh và tham vọng của CIMG ở Đông Nam Á

Nguồn dữ liệu được công bố trước đó cho thấy, cũng vào những ngày cuối năm 2018, CTCP Thiết kế và Trang trí Nội thất Norah (Norah), doanh nghiệp do bà Trương Huệ Vân – cháu gái nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan – đứng cổ phần đã hoàn tất thương vụ huy động 3.500 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu.

Hay gần đây hơn, ngày 26/7/2019, CTCP Đầu tư Phát triển Phú Châu đã phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với sự tư vấn phát hành của CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và cam kết bảo lãnh thanh toán toàn bộ gốc và lãi bởi một ngân hàng.

Huy động thành công tới cả chục nghìn tỷ đồng trong một đợt phát hành, thương vụ trái phiếu của Tập đoàn đầu tư An Đông là "của hiếm" trên thị trường tài chính Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Đáng chú ý nhất phải kể đến trường hợp CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông (An Đông) - khi thành viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hồi tháng 9/2018 đã chào bán 17.000 tỷ đồng trái phiếu trái phiếu “4 không”: Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh thanh toán. Kết quả, theo dữ liệu của VietTimes, An Đông đã huy động được 14.969 tỷ đồng trái phiếu từ đợt phát hành này.

Tiếp đến vào cuối tháng 1/2019, An Đông bán thành công lô 10.000 tỷ đồng (mã ADC-2019.01), đẩy dư nợ trái phiếu (đều có kỳ hạn 5 năm) lên tới gần 25.000 tỷ đồng.

Thương vụ trái phiếu 6.000 tỷ đồng của “ông chủ” khách sạn Daewoo

Ngoài ra, CTCP Bông Sen - chủ sở hữu tổ hợp Daeha Center tại Hà Nội và dự án tháp Saigon One ở TP.HCM - vừa qua cũng được ghi nhận đã phát hành thành công 400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm, lãi suất 12%/năm. Trước đó, tháng 8/2017, doanh nghiệp có vốn lên tới 4.777 tỷ đồng cũng chào bán lô trái phiếu 6.000 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm.

Trong bối cảnh tín dụng bất động sản đang ngày càng bị siết chặt, việc đẩy mạnh đòn bẩy thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các cái tên được cho là có liên hệ với hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát -–đế chế địa ốc Tp. HCM – có lẽ cũng không quá khó hiểu.

Sẽ không ít người băn khoăn, rằng dòng tiền hàng tỷ USD mà nhóm doanh nghiệp trên huy động đã được giải ngân hay sử dụng ra sao. Nhưng có một câu hỏi còn gây tò hơn, đó là dòng vốn khổng lồ đổ vào các trái phiếu “họ” Vạn Thịnh Phát đến từ các trái chủ nào và đã được thu xếp ra sao (?). Nhắc lại rằng, mới thống kê chưa đầy đủ, dòng vốn ấy đã là khoảng 2 tỷ USD – tức là tương đương với quy mô tài sản của một ngân hàng cỡ nhỏ!

Đặc biệt, quy mô trái phiếu phát hành của các công ty vừa nêu đều cao hơn nhiều so với số vốn điều lệ mà họ đang có. Cụ thể: Norah (3.500/1.200 tỷ đồng), Bông Sen Corp (6.400/4.777 tỷ đồng), Phú Châu (800/578 tỷ đồng), An Đông (25.000/9.000 tỷ đồng, Quang Thuận (4.500/2.610 tỷ đồng), Sunny World (3.100/1.500 tỷ đồng).

Với thời hạn dài (phần lớn là 5 năm), các trái chủ hẳn phải là những tay chơi “số má” trên thị trường tài chính, trong nước và cũng có thể là cả ngoài nước. Họ hẳn cũng rất hiểu và có niềm tin lớn vào các đơn vị phát hành.

Theo Viettimes

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích