|
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dự báo năm 2020 Việt Nam sẽ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (Ảnh: Quochoi.vn) |
Được mời giải trình trước Quốc hội sáng nay 15-6, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh xin hơn 10 phút để giải trình đủ những vấn đề đặt ra, trong đó có chuyện xuất khẩu gạo từng làm "nóng" dư luận.
"Giao dịch gạo hết sức sôi động"
Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết trong 5 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất khẩu 3,06 triệu tấn gạo (tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước), kim ngạch đạt 1,48 tỉ USD (tăng hơn 25% so với cùng kỳ).
"Mặc dù có sự gián đoạn nhất định trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-2020 nhưng xét tổng thể, công tác điều hành xuất khẩu gạo đã bảo đảm được những yêu cầu quan trọng nhất", ông Tuấn Anh nhấn mạnh đã đảm bảo tiêu dùng trong nước, an ninh lương thực, tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá tốt (tăng hơn 25% so với năm 2019).
Giải thích việc điều hành xuất khẩu trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, bộ trưởng cho biết trong 2 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu tăng rất lớn (tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước), đến tháng 3 lượng xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh.
"Thời điểm này do tác động của dịch COVID-19, nhu cầu tăng dự trữ chiến lược tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo hết sức sôi động, gạo bị hút rất mạnh ra khỏi Việt Nam, giá gạo trong nước và thế giới liên tục tăng", bộ trưởng nói.
Cũng thời điểm này, đặc biệt là ngày 22-3, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tâm lý người dân có dấu hiệu không ổn định, nguy cơ thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thực.
"Nếu xảy ra biến cố thì lượng gạo tại vùng ĐBSCL dù được mùa cũng sẽ không đủ dùng cho nhu cầu trong nước nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu với tốc độ lên tới 25 nghìn tấn/ngày như 15 ngày đầu tháng 3", ông Tuấn Anh dẫn chứng.
Trước tình hình đó, Thủ tướng đã triệu tập cuộc họp xem xét, cân nhắc các phương án được cơ quan tham mưu trình, kết luận tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5-2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.
Khẩn trương điều chỉnh sau khi địa phương kiến nghị
Vẫn theo giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sau khi có quyết định này, nhiều địa phương đã có ý kiến, kiến nghị, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan xem xét thấu đáo. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã đồng ý cho xuất khẩu có kiểm soát với hạn ngạch trong tháng 4 là 400.000 tấn.
Đến tháng 4 và tháng 5, dịch bệnh trong nước được khống chế, kiểm soát, tâm lý người dân đã ổn định trở lại, không còn hiện tượng mua gom, tích trữ nhu yếu phẩm như thời điểm cuối tháng 3.
Theo đó, các cơ quan liên quan đánh giá lại về tình hình sản xuất, nhận định nguồn cung đã ổn định, được mùa, nên dự tính lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (thời điểm vụ hè thu thu hoạch rộ) là khoảng 1,3 triệu tấn", ông Tuấn Anh cung cấp thông tin.
Sau khi cân nhắc các điều kiện và nghe báo cáo của Bộ Công thương và ý kiến của các bên liên quan, Thường trực Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương về việc từ ngày 1-5 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường.
"Như vậy có thể khẳng định ta đã đạt được mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn dịch bệnh COVID19 diễn biến phức tạp nhất. Dự báo năm 2020 Việt Nam sẽ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Điều hành xuất khẩu gạo thiếu nhất quán Vấn đề điều hành xuất khẩu gạo được nhiều đại biểu "truy" trách nhiệm Bộ Công thương trong cả hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cho rằng đang có sự lúng túng, thiếu nhất quán trong đề xuất ngừng xuất khẩu gạo. "Tôi cho rằng các bộ có chức năng giúp Chính phủ, giúp Thủ tướng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế như nông nghiệp, công thương phải chịu trách nhiệm về việc này", bà Thu nói. Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) và đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cùng nêu vấn đề là bối cảnh dịch bệnh khiến giá gạo thế giới tăng, là cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, việc điều hành thiếu tính đồng bộ, nhất quán, lúng túng, đơn cử như việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động vào lúc 0h cho doanh nghiệp mở tờ khai, gây làn sóng phản đối mạnh mẽ, Thủ tướng phải tiến hành thanh tra để có biện pháp xử nghiêm. "Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện, nếu cần thiết thì thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, đánh giá, cân đối nhu cầu dự trữ gạo, tranh thủ cơ hội cạnh tranh xuất khẩu khi nhu cầu và giá xuất khẩu gạo tăng cao nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực và lượng dự trữ quốc gia", đại biểu nêu. |
Theo TTO