"Nhiều khách hàng của chúng tôi đã hoãn lại kế hoạch làm IPO tại Mỹ", Stephen Chan - luật sư tại hãng luật Dechert ở Hong Kong cho biết, "Lý do chủ yếu là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xuống cấp. Nếu căng thẳng tiếp diễn, chúng tôi dự báo xu hướng này còn tiếp tục".
Một kiểm toán viên cấp cao tại một trong 4 công ty kiểm toán lớn ở Trung Quốc cho biết so với năm 2019, số khách hàng hỏi về niêm yết tại Mỹ đã giảm nửa năm nay.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vài tháng gần đây đi xuống. Vốn đã xung đột quanh vấn đề thương mại, hai nước giờ lại đối đầu vì đại dịch và luật an ninh mà Trung Quốc dự định áp lên Hong Kong.
Bảng điện tử hiện thông tin của Alibaba tại sàn chứng khoán New York. (Ảnh:Bloomberg) |
Một dự luật gần đây của Mỹ cũng được dự báo khiến các công ty Trung Quốc khó niêm yết tại Mỹ hơn. Họ cũng ngần ngại sẽ bị kiểm soát chặt hơn sau scandal gian lận kế toán của chuỗi cà phê Trung Quốc Luckin Coffee đang niêm yết trên sàn Nasdaq.
Dữ liệu của Dealogic cho biết các công ty Trung Quốc đã huy động 1,67 tỷ USD thông qua IPO tại New York năm nay. Họ đang lên kế hoạch thu về thêm nửa tỷ USD nữa từ các sàn chứng khoán Mỹ. Năm ngoái, các doanh nghiệp này huy động được 3,5 tỷ USD.
Nhiều công ty đã báo kế hoạch niêm yết tại Mỹ lên giới chức chứng khoán Trung Quốc và đang chuẩn bị giai đoạn đầu. Tuy nhiên, họ giờ lại đang nhắm đến các sàn gần quê hương hơn, một nguồn tin thân cận cho biết.
Việc niêm yết mất tối thiểu vài tháng để sắp xếp, như chỉ định cố vấn, chuẩn bị bản cáo bạch và xin giấy phép của giới chức. Công ty càng hoàn thành được nhiều việc thì càng khó thay đổi kế hoạch.
Công ty Trung Quốc đóng góp một phần ba, tương đương 279 tỷ USD, số tiền huy động được trên toàn cầu thông qua IPO trong 5 năm qua. Khoảng một nửa số đó là ở nước ngoài, chủ yếu tại New York và Hong Kong.
Hiện tại, hơn 550 công ty Trung Quốc đang niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ. Các công ty Trung Quốc thường chọn New York do nơi này có danh tiếng và lượng nhà đầu tư nước ngoài lớn, bất chấp việc Bắc Kinh vẫn đang khuyến khích niêm yết tại Trung Quốc để giúp nhà đầu tư trong nước hưởng lợi và hạn chế sự kiểm soát của nước ngoài.
Giới chức Trung Quốc từ lâu đã ngăn tài liệu kiểm toán rời nước này, khiến Mỹ khó kiểm tra chất lượng kiểm toán các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, dự luật mới được thông qua tại Thượng viện Mỹ yêu cầu các công ty nước ngoài niêm yết tại Mỹ công khai mức độ kiểm soát của chính phủ. Họ cũng đòi hỏi các công ty Trung Quốc tuân thủ quy định giám sát kiểm toán nếu không muốn bị rút niêm yết.
"Với nhà đầu tư Mỹ, việc này đồng nghĩa sẽ có ít công ty Trung Quốc niêm yết hơn và họ cũng sẽ khó hưởng lợi từ đà phát triển của Trung Quốc hơn", John Ott tại hãng dịch vụ tài chính Bain & Company cho biết.
Các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng đã lên tiếng về rủi ro này. Kingsoft Cloud Holdings cảnh báo việc Mỹ tăng giám sát thông tin kiểm toán "có thể khiến nhà đầu tư cảm thấy bất ổn". Netease và JD.com cũng cảnh báo rủi ro tương tự trong hồ sơ niêm yết lần hai trên sàn chứng khoán Hong Kong.
Theo VNE