Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản vừa cho biết, tháng 5, xuất khẩu gạo đạt 789.000 tấn với giá trị khoảng 415 triệu USD. Theo đó, tính chung 5 tháng, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt lần lượt gần 2,9 triệu tấn và 1,41 tỷ USD, tăng 5,1% về khối lượng và 18,9% về giá trị so với cùng kỳ 2019.
Tính trong 4 tháng đầu năm, Philippines dẫn đầu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40,5% thị phần, khối lượng đạt 902,1 nghìn tấn tương đương 401,3 triệu USD.
Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh khác là Trung Quốc và Indonesia (gấp 2,7 lần), Đài Loan (tăng 67,9%) và Ghana (tăng 39,3%).
Thu hoạch lúa gạo ở Cần Thơ. Ảnh: Thanh Trần. |
Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm nay đạt 470,2 USD một tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá bình quân cao nhất trong vòng hai năm qua.
Trước đó, giá gạo Việt Nam năm 2019 dao động 376-420 USD một tấn. Còn giá gạo năm 2018 quanh mức 380-502 USD một tấn.
Hiện trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đạt mức cao nhất trong một năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ mạnh từ các nước châu Phi và châu Á. Còn giá gạo Thái Lan giảm trong tháng qua do nguồn cung mới được bổ sung, đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp giá rẻ hơn của Ấn Độ và Việt Nam.
Cục chế biến dự báo, nhu cầu gạo trên thế giới vẫn còn tăng mạnh. Philippines đang tìm nguồn nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo để tăng cường kho dự trữ Chính phủ và chuẩn bị cho mùa có nguồn cung thấp điểm vào quý III.
Bangladesh cũng đang thu mua thêm 200.000 tấn lúa từ vụ thu hoạch đang diễn ra để đảm bảo nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ nội địa trong bối cảnh đại dịch lây lan ở nước này.
Còn Trung Quốc hiện đã thực hiện 95% mục tiêu tự túc lương thực (gạo, ngô, lúa mì) nhưng vẫn cho phép nhập khẩu một lượng nhất định thông qua hệ thống hạn ngạch phi thuế quan (TRQ). Theo đó, nước này cho phép các thương nhân trong nước nhập khẩu với mức thuế suất chỉ còn 1% so với mức ngoài hạn ngạch 65%.
Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho thấy, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 493,8 triệu tấn, giảm khoảng 0,5% so với năm ngoái. Trong khi tiêu dùng gạo thế giới năm nay dự kiến đạt 490,2 triệu tấn, tăng khoảng 0,9% so với năm 2019.
Theo VNE