Báo tài chính hàng đầu của Mỹ viết gì về tỷ phú Phạm Nhật Vượng ?

Thứ ba, 09/06/2020, 15:58
“Có rất ít công ty trên thế giới như vậy! Khát vọng của Vingroup thật đáng kinh ngạc. Đó sẽ là chiến thắng rất lớn để biến Việt Nam thành một ‘người chơi’ toàn cầu”.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng

Mark Mobius, người sáng lập Mobius Capital Partners LLP, người đã đầu tư vào Việt Nam trong thập kỷ qua và có các khoản đầu tư cổ phần tư nhân trong nước khẳng định.

Hợp tác với Chính phủ giải quyết một phần vấn đề đại dịch.

Ông Phạm Nhật Vượng nói về việc sản xuất máy thở của Vingroup như vậy, khi đại dịch Corona chủng mới đã gần như “bỏ qua” Việt Nam, quốc gia ghi nhận 331 ca nhiễm và không ca tử vong. Thế nhưng từ trụ sở Tập đoàn tại Hà Nội, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã nhận thấy có những nhu cầu vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Vào tháng 4, ông đã đưa ra quyết định quan trọng: sản xuất máy thở.

Khi nhiễm virus Covid-19, bệnh nhân bị virus tấn công phổi, khiến cơ thể trở nên vô cùng khó khăn để nhận oxy và bơm vào máu. Một chiếc máy thở tạo nên khác biệt giữa sự sống và cái chết, thế nhưng thế giới lại không có đủ máy thở cho tất cả. Theo tính toán, các bệnh viện trên thế giới cần sử dụng khoảng 800.000 máy thở.

Sự thiếu hụt về thiết bị y tế này trở nên nặng nề tại các đất nước đang phát triển, ví dụ như Nam Sudan chỉ có 4 máy thở với 12 triệu người dân, tuy nhiên đất nước giàu nhất thế giới cũng đang trải qua trường hợp tương tự. Sau khi một số bệnh viện tại thành phố New York đã phải chịu sự tấn công của dịch bệnh và phải dùng một máy thở để phục vụ hai bệnh nhân cùng một lúc, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu, buộc các nhà sản xuất ôtô và một số công ty khác của Mỹ lên kế hoạch sản xuất máy thở với những hợp đồng với Chính phủ có trị giá lên tới 336 triệu USD.

Ông Vượng tin rằng Tập đoàn Vingroup có thể chế tạo máy thở nhanh và tiết kiệm hơn rất nhiều. Sử dụng nguồn thiết kế mở từ công ty thiết bị Medtronic PLC, Vingroup đã hoàn thành bản mẫu và xin giấy phép vào giữa tháng 4. Trong lúc Tập đoàn đang chờ được cấp phép, các máy thở đã bắt đầu được đưa ra khỏi dây chuyền lắp ráp.

Máy thở của Vingroup có giá khoảng 7.000 USD tại Việt Nam, thấp hơn 30% so với mẫu của Medtronic. Công ty cũng cho biết, có thể sản xuất tới 55.000 máy mỗi tháng ngay khi chính phủ phê duyệt và có kế hoạch xuất khẩu ở bất cứ nơi nào có nhu cầu. Vingroup cho biết, họ sẽ quyên góp vài nghìn máy thở cho Ukraine và Nga, nơi ông Vượng từng có thời gian dài gắn bó.

“Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc sản xuất nhiều máy thở và làm việc đó thật tốt”, ông Vượng chia sẻ kế hoạch trong một vài tháng tới trong bài phỏng vấn hiếm hoi tại trụ sở chính của Tập đoàn Vingroup và trong một loạt email, “Chúng tôi muốn hợp tác với chính phủ Việt Nam để giải quyết một phần của vấn đề đại dịch”.

Dù Vingroup có điều hành một số bệnh viện và phòng khám, nhưng việc trở thành một nhà sản xuất thiết bị y tế có lẽ chưa có trong lịch trình trước đây. Tuy nhiên, ông Vượng, người đầu tiên làm giàu bằng cách bán mì gói ở Ukraine, đã quyết định làm máy thở. Ông Vượng luôn được biết đến là người có khát vọng nâng tầm Việt Nam, cho nên khi Việt Nam thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, thì Vingroup bắt đầu sản xuất ôtô và điện thoại thông minh.

VinFast có nhiều chính sách đột phá cho dòng xe Lux (Ảnh: VinFast)

Sẽ xuất khẩu ôtô Việt Nam sang Mỹ

Vào tháng 12.2019, ông Vượng tuyên bố VinFast, công ty ôtô của Tập đoàn, sẽ phát triển xe điện và xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2021. Ông quyết tâm biến điều đó thành hiện thực.

Liệu người Mỹ có cân nhắc mua chiếc ôtô của Việt Nam hay không vẫn là một câu hỏi mở. Mặt khác, máy thở là một sản phẩm mà một thế giới đang bị tấn công bởi virus không thể từ chối. “Bài học mà chúng tôi rút ra được từ một cuộc khủng hoảng, đó là sẽ luôn có rất nhiều cơ hội”, ông Vượng cho hay, “Chúng tôi phải đưa ra những lựa chọn đúng đắn và hành động một cách nhanh chóng”.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Thu nhập trung bình hằng năm đã tăng hơn sáu lần, và thậm chí trước đại dịch, ông Vượng đã xây dựng Tập đoàn đủ nhanh để theo kịp tầng lớp trung lưu đang phát triển. Ngày nay, hệ sinh thái Vingroup bao trùm hàng chục lĩnh vực kinh doanh đáp ứng đủ mọi nhu cầu của người Việt từ khi còn là trẻ nhỏ cho đến khi về già.

Một em bé có thể được sinh ra trong bệnh viện Vinmec, lớn lên ở Vinhomes, theo học tại Vinschool và tiếp tục học tại VinUniversity. Một gia đình có thể lái một chiếc xe VinFast qua các khu đô thị được Vingroup thiết kế và thẳng tiến tới các khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl. Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người có thể nói chuyện trên điện thoại Vsmart và mua sắm sản phẩm của các thương hiệu quốc tế tại trung tâm thương mại Vincom.

Đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Vượng và Vingroup là một minh chứng cho sự phát triển của đất nước từ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sang định hướng thị trường. Chính phủ đã hoan nghênh sự phát triển và thành công của Vingroup là một phần của hiện đại hóa đất nước. Khi chiếc xe đầu tiên của VinFast rời khỏi dây chuyền lắp ráp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “Đó là một ngày tuyệt vời đối với Việt Nam”.
Điều mà ông Vượng và các nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam khao khát là sự công nhận quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Vượng thừa nhận, nhiều người Mỹ vẫn coi Việt Nam là một quốc gia “nghèo, lạc hậu, nơi mà không thể có những sản phẩm công nghệ cao và hiện đại”. Việc ra mắt toàn cầu một cách thành công của sản phẩm Vingroup - cho dù đó là một chiếc xe hơi hay máy thở - có thể thay đổi cách thế giới nhìn thấy Việt Nam.
“Chúng tôi muốn làm những điều mà mọi người cho là khó khăn, những điều mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khác chưa thực hiện thành công”, ông nói, “Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của chúng tôi để phát triển một thương hiệu Việt Nam có uy tín thế giới”.
Máy thở có thể chứng minh cho chiến lược ra mắt thị trường toàn cầu. Nếu Vingroup có thể sản xuất ở quy mô lớn, ông Vượng dự đoán, nó sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt trên toàn thế giới, dựa trên việc hợp tác với Medtronic vốn là một nhà sản xuất thiết bị y tế hàng đầu. Và nếu máy thở hoạt động theo cách họ dự định, Vingroup sẽ chứng minh khả năng cung cấp một thiết bị cứu hộ phức tạp, đáng tin cậy. Rõ ràng, đây là một bước tiến tốt cho một nhà sản xuất ôtô đầy khát vọng.
Công ty đã thiết lập dây chuyền lắp ráp máy thở đầu tiên trong vòng chưa đầy một tháng, tùy chỉnh ba hàng băng chuyền trong nhà máy điện thoại thông minh. Các kỹ sư của công ty ôtô VinFast đã đảm nhiệm phần thiết kế, và đại diện của Medtronic đang tư vấn đào tạo cho các công nhân VinSmart - những người từng chế tạo điện thoại thông minh và TV.
VinSmart hiện có tốc độ phát triển mạnh mẽ, đạt 16,7% thị phần điện thoại thông minh trong nước

Biến Việt Nam thành "người chơi" toàn cầu

“Có rất ít công ty trên thế giới như vậy! Khát vọng của Vingroup thật đáng kinh ngạc. Đó sẽ là chiến thắng rất lớn để biến Việt Nam thành một ‘người chơi’ toàn cầu”. Mark Mobius, người sáng lập Mobius Capital Partners LLP, người đã đầu tư vào Việt Nam trong thập kỷ qua và có các khoản đầu tư cổ phần tư nhân trong nước khẳng định.
Ông Vượng nói rằng kế hoạch mở rộng toàn cầu đang được thúc đẩy. Vingroup đang tuyển dụng vài trăm kỹ sư để mở trung tâm nghiên cứu VinFast tại Úc, nơi sẽ phát triển các mẫu xe tiếp theo của VinFast. Công ty cũng được cho là quan tâm đến việc mua lại một số tài sản của nhà sản xuất ôtô Úc sắp bị đóng cửa - Holden.
“Ông ấy có những bước ngoặt thay đổi khi mà các công ty về xe điện cũng đang vận động đổi hướng”, Michael Dunne, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn ôtô ZoZo Go, tập trung vào thị trường châu Á cho hay, “Ông ấy có khát vọng rất lớn, nhưng những khát vọng ấy đã được chứng minh qua thực tế”.
Ông Vượng cũng tạo được tiếng vang lớn giống như một người khác trong ngành công nghiệp ôtô, Dunne nói "Đó là Li Shu Fu, người đứng đầu nhà sản xuất ôtô tư nhân lớn nhất Trung Quốc Geely Cars Holdings Ltd. Nổi tiếng với việc mua lại Volvo từ Ford năm 2010, Li đã trở thành thế lực thống trị thị trường xe hơi Trung Quốc. Và giống như ông Vượng, ông ấy tuyên bố khát vọng của mình ở Mỹ. Năm 2006, Li Shu Fu tuyên bố kế hoạch cho Geely xuất khẩu ôtô sang Mỹ. Hơn một thập kỷ sau, cả Geely và bất kỳ thương hiệu xe hơi Trung Quốc nào khác đều đang gặp khó khăn trong việc này”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích