Triều Tiên có thể đang kiếm hàng triệu USD từ bán cát

Thứ tư, 10/06/2020, 16:24
Các tổ chức quốc tế cho rằng Triều Tiên có thể đang lách lệnh trừng phạt để khai thác và xuất khẩu cát, thu về cả triệu USD.

Một ngày tháng 5/2019, Lucas Kuo and Lauren Sung nhận thấy một điều lạ: Hơn 100 tàu tập trung quanh vùng biển gần Haeju, Triều Tiên. Cả hai đang làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng (C4ADS) - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra và phân tích các vấn đề an ninh bằng cách sử dụng dữ liệu lớn. Họ sau đó theo dõi sát giao thông đường thủy Triều Tiên và quanh vùng Bắc Á trong nhiều tuần.

Kuo và Sung chú ý đến việc này do Bình Nhưỡng luôn bị cáo buộc bán than đá và nhiều hàng hóa giá trị khác, thi thoảng với số lượng rất lớn, trên vùng biển chung để tránh sự kiểm soát của hải quan các nước. Hải quan sẽ phải tuân thủ các lệnh cấm vận của Liên hợp Quốc (UN) lên Triều Tiên. Vì thế, thay vì dỡ hàng hóa tại các cảng, Triều Tiên được cho là trao đổi hàng giữa các tàu trên biển và che giấu về nguồn gốc của chúng.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các con tàu ở ngoài khơi thành phố Haeju. (Ảnh: C4ADS)

Sau đó, Kuo và Sung phát hiện ra một mạng lưới khổng lồ, quy mô hàng triệu USD liên quan đến gần 280 chiếc tàu mà họ cho cho là lách lệnh trừng phạt quốc tế lên Triều Tiên. Những con tàu này không chở vũ khí, động vật quý hiếm hay than đá, mà dùng để nạo vét và chở cát. Theo lệnh trừng phạt được Liên hợp Quốc thông qua tháng 12/2017, Triều Tiên bị cấm xuất khẩu đất và đá. Vì thế, việc buôn bán cát được cho là vi phạm lệnh cấm vận này.

Trong một báo cáo hồi tháng 4, các nhà điều tra tại UN cũng cho biết bất chấp các lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn thu về ít nhất 22 triệu USD năm ngoái "từ hoạt động xuất khẩu cát quy mô lớn". Họ khẳng định Bình Nhưỡng đã chuyển một triệu tấn cát ra nước ngoài giai đoạn tháng 5 - 12/2019.

Báo cáo của UN không sử dụng dữ liệu của C4ADS. Tài liệu này công bố tháng 2, một tháng trước khi Kuo và Sung đưa ra nghiên cứu của mình.

Hai nhà phân tích cho biết tất cả con tàu xuất hiện tại Triều Tiên đều có liên quan đến Trung Quốc. Một số treo cờ Trung Quốc. Số khác có tên bằng tiếng Trung. "Chúng tôi tìm được nhiều báo cáo từ đầu những năm 90 đến nay ám chỉ Triều Tiên vẫn luôn xuất khẩu cát cho các nước lân cận", Sung cho biết.

Nhiều năm trước, khi Hàn Quốc và Triều Tiên còn có hoạt động trao đổi thương mại lớn, cát là sản phẩm xuất khẩu giá trị nhất của Bình Nhưỡng. Năm 2008, Triều Tiên từng bán 73,35 triệu USD cát cho Hàn Quốc. Dù vậy, Hàn Quốc sau đó đã ngừng mua mặt hàng này từ nước láng giềng.

Dù vậy, Triều Tiên còn vị khách khác quan trọng hơn - Trung Quốc - nước tiêu thụ cát lớn nhất thế giới. Thập kỷ trước, Trung Quốc trải qua cuộc bùng nổ xây dựng chưa từng có. Giai đoạn 2011 - 2013, Bắc Kinh tiêu thụ số bê tông lớn hơn cả Mỹ trong suốt thế kỷ 20. Dù hoạt động xây dựng hiện đã chậm lại, Trung Quốc vẫn dùng đến số bê tông lớn hơn cả thế giới cộng lại.

Cả Sung và Kuo đều không biết chuyện gì xảy ra với hàng triệu tấn cát sau khi được chuyển đến các cảng biển Trung Quốc. Vì buôn lậu cát cũng là vấn đề lớn của Bắc Kinh.

Bắc Kinh đến nay vẫn phủ nhận cáo buộc về các hoạt động sai phạm liên quan đến Triều Tiên. Trả lời CNN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này "vẫn luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế" và tuân thủ lệnh trừng phạt của UN. Trong báo cáo của UN, giới chức Trung Quốc cũng cho biết "không thể xác minh việc số cát này được chuyển đến Trung Quốc".

Sung và Kuo cho rằng cũng có khả năng Bình Nhưỡng chỉ muốn đào sâu hoặc mở rộng cảng Haeju. Họ thuê một công ty có đội tàu đặt tại Trung Quốc để nạo vét và sau đó trả công bằng chính số cát này.

Dù vậy, Kuo vẫn ngạc nhiên vì hoạt động này có thể tồn tại lâu đến vậy, bất chấp sự tham gia của rất nhiều tàu và nhân lực. "Đây là một trong những trường hợp lách trừng phạt lạ lùng nhất mà chúng tôi từng chứng kiến tại Triều Tiên", Kuo nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích