Bán lẻ Việt Nam sẽ thu hút thêm các ông lớn EU

Thứ ba, 16/06/2020, 15:11
Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị giảm thị phần, đặc biệt ở phân khúc cao cấp thiếu vắng thương hiệu Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) thực thi, Bộ đã hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong nước từng bước xây dựng được thương hiệu, tạo vị thế trong lĩnh vực bán lẻ ở thị trường trong nước.

Thị trường phân phối Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ cấu dân số trẻ từ 18-50 tuổi chiếm đến 60%; chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ tăng lên 714 USD/ tháng vào năm 2020.

Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn một số nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Singapore là 90%....

Người dân đang chọn mua hàng tại siêu thị Emart quận Gò Vấp TP.HCM

Thời gian qua làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trong nước khng ngừng đổ vào ngành bán lẻ Việt Nam. Các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, …liên tục đẩy mạnh thâm nhập, mở rộng vào thị trường Việt Nam. Qua đó, cho thấy cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng gay gắt.

Tương lai gần, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi, việc cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân các DN lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam.

Người dân chọn mua thịt bò tại siêu thị MM Mega Market quận 2 TP.HCM

Trong khi đó, phần lớn DN Việt Nam là nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế; chỉ có một số ít DN lớn như Saigon Co.op, VinCommerce, Satra,… mới đủ năng lực để cạnh tranh.

Chưa kể, tốc độ thâm nhập, mở rộng ngày một tăng của các hãng bán lẻ nước ngoài gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị giảm thị phần, đặc biệt ở phân khúc cao cấp thiếu vắng thương hiệu Việt Nam.

Trước sức ép của hội nhập kinh tế, phải thực hiện cam kết mở cửa thị trường nội địa theo các cam kết của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và sắp tới là EVFTA... đang đặt ra những thách thức lớn. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra quyết định kịp thời để phát triển thị trường bán lẻ nói riêng và thị trường trong nước nói chung trong bối cảnh mới.

Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1-1-2018 là khung pháp lý nhằm tạo ra những động lực và điều kiện thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối bản lẻ tham gia thị trường và đạt hiệu quả cao hơn trong bối cảnh mới.

Theo PLO

Các tin cũ hơn