Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 khiến xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng với việc quả vải tươi được cấp phép vào thị trường Nhật Bản, cùng quả thành long vào thị trường Ấn Độ đang thắp kỳ vọng mới.
Xuất khẩu rau quả 5 tháng giảm mạnh
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả tháng 5/2020 đạt 350 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng 4/2020, nhưng giảm 1,4% so với tháng 5/2019. Lũy kế, 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả ước đạt 1,58 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù diễn biến tình hình dịch bệnh trong các tháng đầu năm diễn biến rất phức tạp, nhưng xuất khẩu rau quả sang một số thị trường chính vẫn tăng khá, trừ thị trường Trung Quốc.
Dữ liệu cụ thể trong 4 tháng đầu năm 2020 đầu năm cho thấy, xuất khẩu các loại quả tươi đạt 865 triệu USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu thanh long trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 416,27 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Quả thanh long xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc đạt 384,95 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 92,5% tổng trị giá xuất khẩu thanh long.
Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả sang thị trường Thái Lan 4 tháng đầu năm 2020 đạt 57,8 triệu USD, tăng 244,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan tăng từ 1,2% (năm 2019) lên 4,7% trong 4 tháng đầu năm 2020 chiếm 4,7%, tăng 3,5 % so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 4 đạt 7,29 triệu USD tăng 64% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường lớn thứ 3 là Hàn Quốc, chiếm 3,1% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước. Tháng 4 đạt 13,02 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4/2020 kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Hàn Quốc đạt 54,59 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2019.
Sang tháng 5, cũng như lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả vẫn tiếp tục sụt giảm. Tuy nhiên, xu hướng này được kỳ vọng sẽ được bù đắp bằng việc tăng xuất khẩu trái vải vào thị trường Nhật Bản, cũng như trái thanh long sang Ấn Độ.
Nhật Bản, Ấn Độ - thị trường đầy tiềm năng
Sau 5 năm đàm phán, vào cuối năm 2019, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam vào thị trường nước này kể từ vụ vải 2020.
Cuối tháng 12/2019, tỉnh Hải Dương đã tích cực chuẩn bị vùng nguyên liệu cho việc sản xuất vải xuất khẩu. Sau quá trình chăm sóc kỹ càng thì những lô vải đạt chuẩn tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang vào chính vụ thu hoạch để chuẩn bị xuất sang thị trường Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà cho biết: “Năm đầu tiên hơn 40 gốc vải của gia đình đã đủ điều kiện được cấp mã OTAS tức là mã số vùng trồng sang thị trường Nhật, quả vải đã được chăm sóc kỹ càng từ lúc mới ra hoa. Cho đến giờ phút này chúng tôi vẫn chăm sóc vườn vải theo đúng quy trình hướng dẫn của ngành nông nghiệp nên đạt chất lượng xuất khẩu vào Nhật Bản”.
Tại xã Thanh Thủy hiện có 240 hộ được cấp mã OTAS. Quả vải được cấp mã này sẽ có giá bán cao hơn từ 30 đến 40% so với quả vải trồng thông thường bán trong nước. Sau thu hoạch quá phải sẽ được xử lý nhiều công đoạn, trong đó quan trọng nhất là khâu sục rửa trái trong nước lạnh 4 độ và trừ nấm mốc.
Sau hai khâu tuyển chọn những quả tươi ngon nhất không bị thâm đen và sâu đầu sẽ được đóng hộp và đưa vào kho bảo quản. Nhờ có dây chuyền này mà quả vải vẫn giữ được độ tươi ngon trong ít nhất 3 tháng so với một tuần như thông thường. Trong vài ngày tới những quả vải tươi ngon, đạt chuẩn sẽ lên đường sang Nhật Bản bằng đường biển.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Điều hành Công ty Ameil Việt Nam cho biết, thông qua cách xử lý này sẽ tôn được màu sắc của quả vải lên, và quả vải cũng được bảo quản lâu hơn. Sau hơn 1 tháng thu hoạch, cả vải thu hoạch sớm và chính vụ 3.800ha ở huyện Thanh Hà đạt sản lượng 45.000 tấn, doanh thu của bà con đạt ít nhất gần 1.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tấn Tuấn, Bí thư huyện Thanh Hà cho biết, quả vải tươi xuất đi Nhật Bản phải đáp ứng điều kiện có đủ từ 25 đến 30 trái/kg, và độ ngọt phải trên 18 độ. Ngoài ra, vườn vải phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, lập và lưu hồ sơ, nhật ký sản xuất và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Bù lại, vải bán ở Nhật Bản với giá bán rất cao, hiện nông dân trồng vải đã vượt qua được các tiêu chuẩn khắt khe tiến vào thị trường khó tính này.
Sản lượng vải trồng ở Nhật Bản chỉ đáp ứng được khoảng 5% thị phần tiêu thụ tại Nhật Bản. Đây là cơ hội mở ra đối với các vùng trồng vải lớn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thanh long là trái cây duy nhất của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào Ấn Độ, cũng là tín hiệu vui cho xuất khẩu rau quả thời gian tới.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, thanh long Việt Nam ngon hơn thanh long của nhiều nước nên đã có mặt tại nhiều siêu thị, chợ đầu mối, nhà hàng - khách sạn tại Ấn Độ. Dù vậy, nhiều loại sản phẩm khác của Việt Nam như vải, chôm chôm… thuộc danh mục các loại quả ngon được nhiều người Ấn Độ biết đến và yêu thích vẫn chưa được mở đường vào Ấn Độ.
“Ấn Độ có dung lượng thị trường lớn với gần 1,4 tỷ người tiêu dùng, thị trường còn khá sơ khai, dễ tính, yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật chưa cao… nhưng cũng là nước áp dùng nhiều biện pháp bảo hộ. Doanh nghiệp cần nhìn nhận theo hướng tính cực ‘do nhu cầu trong nước cao, khách hàng dễ tính, hàng hóa nước ngoài dễ thâm nhập nên nhà nước mới áp dụng biện pháp bảo hộ’, và coi đây là cơ hội mạnh dạn đầu tư kinh doanh tại Ấn Độ. Bộ nông nghiệp hai nước cần nhanh chóng hoàn thiện thủ tục mở cửa đối với một số quả. Với Việt Nam, xem xét mở cửa cho Ấn Độ các loại quả như lựu, nho. Với Ấn Độ, đề nghị mở cửa cho 4 trái cây của Việt Nam gồm vải, nhãn, bưởi, sầu riêng và chôm chôm….”, ông Phạm Sanh Châu kiến nghị.