Người Trung Quốc chi phối kinh tế vùng Amazon thế nào

Thứ ba, 16/06/2020, 11:23
Nhu cầu đậu tương, thịt bò biến Trung Quốc thành thương lái, người mua, ngân hàng và cả công ty xây dựng hạ tầng nông nghiệp tại khu vực Amazon.

Khu vực Amazon (Brazil) đã được người Mỹ để mắt đến cách đây gần 100 năm. Cuối thập niên 20, nhà sáng lập Ford Motor Henry Ford cần một nguồn cao su rẻ và đáng tin cậy cho hàng triệu lốp xe được sản xuất gần Detroit (Mỹ). Và Nam Mỹ là địa điểm đầy hứa hẹn.

Cùng các lao động địa phương, người Mỹ do Ford phái đến khai khẩn đất dọc theo một nhánh của sông Amazon, lập ra một khu vực có tên Fordlândia, với kỳ vọng quy tụ 10.000 công nhân. Tuy nhiên, cây cao su không phát triển được ở Fordlândia. Địa điểm hẻo lánh trong rừng Amazon khiến việc xuất khẩu sang Mỹ cũng khó khăn. Cùng việc phải đối mặt với bệnh tật, thú hoang, người Mỹ quyết định rút khỏi đây năm 1934.

Gần một thế kỷ sau, lưu vực sông Amazon lại trở thành tâm điểm. Lần này, sản phẩm được ưa chuộng là đậu tương và thịt bò, chủ yếu phục vụ khách hàng Trung Quốc. Bắc Kinh hỗ trợ các nhà thám hiểm Brazil mở mang Amazon để có đất canh tác và chăn thả gia súc. Họ thậm chí muốn giúp xây một tuyến đường sắt để vận chuyển hai mặt hàng này khỏi nông trường thuận lợi hơn.

Một nông trường tại lưu vực sông Amazon thuộc địa phận Brazil. (Ảnh: SCMP)

Trung Quốc sản xuất và tiêu thụ một nửa thịt lợn thế giới. Lợn được nuôi bằng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ và Brazil. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại với Mỹ gần 2 năm qua đã đẩy họ đến gần Brazil hơn. Trung Quốc mua tới 80% đậu tương xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này.

Thịt bò Brazil cũng được Bắc Kinh ưa chuộng. Tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển tại đây khiến nhu cầu thịt bò cũng tăng 30% so với một thập kỷ trước. Dịch tả lợn châu Phi 2018 tàn phá đàn trong nước cũng khiến nhiều người chuyển sang ăn thịt bò. Cũng như các hoạt động kinh tế khác trên thế giới, Covid-19 đe dọa gây gián đoạn xu hướng này. Tuy nhiên, đến nay, xuất khẩu đậu tương của Brazil sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Phần lớn đậu tương và thịt bò Brazil sản xuất ở các bang Mato Grosso và Pará của khu vực Amazon. Là đối tác thương mại hàng đầu, tương lai của Amazon phụ thuộc vào Trung Quốc xa xôi, và sự mơ hồ của nền chính trị Brazil. Theo SCMP, chính phủ liên bang, các thống đốc địa phương cũng như nông dân đều đang ưu tiên lợi ích kinh tế từ khu rừng hơn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất được Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro coi trọng. Nhà lãnh đạo này có quan điểm xem Amazon là một động lực kinh tế cho đất nước, một phần của vận mệnh của quốc gia. "Tôi đang hoàn thành một sứ mệnh từ Chúa", ông Bolsonaro nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tháng 11/2019. (Ảnh: AFP)

Nhiều công ty nông nghiệp Trung Quốc là doanh nghiệp nhà nước và đậu tương là một thành phần của chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Điều đó có nghĩa là những "đại gia" như Tập đoàn Dầu khí và Thực phẩm Trung Quốc (Cofco) đang có mặt tại Brazil cũng phải hoạt động phù hợp với các mục tiêu của chính phủ.

Kế hoạch 5 năm gần đây nhất của Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được mức độ tự cung cấp cơ bản. Nhưng họ không thể làm như vậy với đậu tương vì không đủ đất và nước để thâm canh. Do đó, để đảm bảo nguồn cung ổn định, họ phải làm theo cách mà Mỹ không thể, đó là đến Brazil với tư cách thương nhân, người cho vay và người xây dựng, ngoài vai trò người mua.

Thành phố Sinop, nơi sinh sống của 140.000 người ở Mato Grosso, phía nam Novo Progresso, được xây dựng dựa trên sự giàu có của nông dân trồng đậu tương. Đây là nơi mà các công ty xây dựng Trung Quốc đến, như các doanh nghiệp quốc doanh China Railway Engineering, Shanghai Pengxin Group và China Communications Construction.

Họ bày tỏ sự quan tâm đến việc đấu thầu dự án đường sắt trị giá 3,1 tỷ USD để vận chuyển nông sản, có tên Ferrogrão. Dù bất kỳ ai trong số họ giành chiến thắng, dự án này cũng sẽ trở thành một phần của sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Các ngân hàng Trung Quốc cũng có thể tham gia hỗ trợ tài chính cho dự án. Các công ty xây dựng nhà nước thường làm việc cùng với các ngân hàng nhà nước. Chính phủ Brazil cho biết họ cũng đã bảo đảm cấp vốn cho Ferrogrão mà không tiết lộ chi tiết. Dù vậy, năm ngoái, Bắc Kinh đã cam kết đầu tư 100 tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp Brazil.

Trong nhiều năm, nông dân Mỹ đã cung cấp một lượng đậu tương ổn định cho Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng phát triển giúp họ trở thành nhà cung cấp được ưa chuộng hơn so với Brazil. Nông dân Mỹ cũng được hưởng lợi từ trợ cấp của chính phủ. Do vậy, dù có giống đậu tương giàu protein hơn các đối thủ Bắc Mỹ, Brazil từng phải cạnh tranh rất vất vả.

Khi phát triển việc kinh doanh trên khắp Amazon, các doanh nghiệp lại gặp khó vì đường đất lầy lội vào mùa mưa. Vì vậy, họ nghĩ đến việc xây dựng Ferrogrão - một tuyến đường sắt xuyên rừng rậm. Bất chấp Covid-19, Bộ trưởng cơ sở hạ tầng Brazil Tarcísio Gomes de Freitas cho biết vẫn duy trì quá trình đấu thầu dự án Ferrogrão, bắt đầu vào đầu năm tới.

"Đây là một dự án hoàn toàn bền vững, giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa", ông nói,"Đường sắt phát ra khoảng một phần ba lượng khí thải so với vận tải đường bộ". Ông cũng cam kết không một cây nào bị đốn trong quá trình này.

Trước khi giành chiến thắng, Tổng thống Bolsonaro tranh cử bằng quan điểm bài Trung Quốc, cảnh báo rằng nước này đang "mua" Brazil. Nhưng cũng như rất nhiều chính trị gia, nội dung hùng biện khi tranh cử không giống như thái độ khi đắc cử.

Ông đối mặt với thực tế rằng Trung Quốc và Brazil có mối quan hệ cộng sinh. Cuối cùng, dưới thời Bolsonaro, quan hệ hai nước chỉ càng phát triển. Ngoài đậu tương và thịt bò, hai nước có thể tiếp tục hợp tác về hàng không, khi thỏa thuận giữa hãng sản xuất máy bay Brazil Embraer với Boeing đổ vỡ.

Đường vào thị trấn Novo Progresso. (Ảnh: Heriberto Araujo)

Hiện tại, dù áp dụng"ngoại giao chiến lang" với nhiều nước, Trung Quốc vẫn rất thân thiện với Brazil. Nước này cung cấp khẩu trang và máy thở cho các bang tại đây. SCMP cũng nhận định dù chính trường Brazil có sự thay đổi rất lớn so với hiện tại, cuối cùng họ vẫn cần Trung Quốc mua hàng hóa của mình.

Người có tầm nhìn xa như Henry Ford hóa ra đã để mắt đến Amazon quá sớm. Ông thậm chí đã thử nghiệm với đậu tương, dành tiền bạc và thời gian tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu của mình để nghiên cứu về chúng. Có thời điểm, ông từng mặc một bộ đồ bằng vải làm từ đậu tương để kiểm tra tính năng của nó. Nhưng đó là khi ông rời Fordlândia. Nếu ông biết đậu tương phát triển tốt như thế nào ở Amazon, mọi chuyện có thể đã rất khác.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích