Giải pháp thuế và phí sẽ đánh vào túi tiền của người dân, buộc người dân phải hy sinh lợi ích riêng để bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội
Theo Nghị định 18/2012 vừa được Chính phủ phê duyệt, từ ngày 1-6, người sở hữu ô tô, xe máy sẽ đồng loạt phải nộp thêm một loại phí mới là phí sử dụng đường bộ. Về nguyên tắc, Chính phủ đã đồng ý với phương thức thu phí theo đầu phương tiện, mức thu phí cụ thể được Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng.
“Cần câu cơm” cũng phải nộp phí
Ngoài loại phí trên, Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thành dự thảo đề án thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, áp dụng cho cả ô tô, xe máy. Mức phí này còn “khủng” hơn vì dự kiến mỗi năm, ô tô dưới 9 chỗ ngồi sẽ phải chịu phí lưu hành từ 20 - 50 triệu đồng/xe, xe máy từ 500.000 – 1 triệu đồng/xe.
Loại phí này được đề xuất áp dụng tại 5 TP lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM. Ngoài ra, cơ quan này cũng đang đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm TP giờ cao điểm với mức từ 30.000 – 50.000 đồng/lượt.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhận xét việc ban hành Nghị định 18/2012 cho thấy Chính phủ đã quyết định dùng biện pháp kinh tế để lập lại trật tự an toàn giao thông thay vì dùng giải pháp hành chính như trước đây. Giải pháp này sẽ đánh vào túi tiền của người dân, buộc người dân phải hy sinh lợi ích riêng để bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội.
Tuy nhiên, ông Hùng vẫn rất băn khoăn vì nếu hàng loạt đề xuất của Bộ GTVT được chấp thuận thì người sở hữu ô tô, xe máy sẽ phải “cõng” gần chục loại thuế và phí. Đối với ô tô, tổng hợp các loại phí có thể lên đến ít nhất 70 triệu đồng/năm.
Đối với người sở hữu xe máy thì đây là gánh nặng quá sức vì trong số 31 triệu chiếc xe máy đang lưu hành (tính đến thời điểm cuối năm 2010), có rất nhiều người sử dụng xe máy là chiếc “cần câu cơm” nuôi cả gia đình.
Khả năng thất thu lớn
Theo Bộ GTVT, sau khi Nghị định 18/2012 có hiệu lực thi hành sẽ có nghiên cứu để đưa ra loại thiết bị tính phí sử dụng đường bộ đối với ô tô phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hóa đơn nộp phí sẽ được bán theo tháng tại các trung tâm đăng kiểm.
Trong thời gian chưa có thiết bị chuyên dụng tính phí, người sử dụng ô tô sẽ trả phí theo tháng, theo kỳ kiểm định hoặc mua cả năm. Đối với xe máy sẽ giao cho chính quyền địa phương tổ chức thu để phục vụ trực tiếp quản lý bảo trì đường địa phương.
Trao đổi với báo giới ngày 15-3, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cũng thừa nhận đây là việc khó thực hiện nhưng “nghiên cứu kỹ vẫn chưa tìm được phương án nào tối ưu hơn”. Thủ tướng đã lựa chọn phương án thu phí qua đầu phương tiện để không ảnh hưởng tới các phương tiện không sử dụng đường bộ song phương án này cũng có nhược điểm là không phản ánh đúng việc người sử dụng phương tiện nhiều hay ít.TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, cho biết bản thân ông không tán thành chủ trường thu phí qua đầu phương tiện vì rắc rối, các nước đều thu qua xăng dầu. Nay chưa rõ sẽ áp dụng công nghệ gì nhưng nếu sử dụng công nghệ, chắc chắn chi phí đầu tư rất lớn có thể làm giảm hiệu quả của chính sách do tiền thu không được bao nhiêu.
Ông Hùng cho rằng đối với xe máy có thể có hai hình thức thu theo trước bạ và thu theo bảo hiểm cho người thứ 3.
Ở phương án thu theo trước bạ chỉ có thể thực hiện được một lần đối với xe máy mua mới nên cũng không khả thi. Còn nếu thu theo bảo hiểm cho người thứ 3 thì chưa rõ vai trò của cơ quan cưỡng chế thực hiện. Khả năng người dân tự nguyện nộp phí là khá thấp, cần phải có quy định rõ cơ quan nào kiểm tra chủ xe máy đã nộp phí bảo trì đường bộ hay chưa, nếu chưa nộp thì phạt như thế nào, phạt theo nghị định nào.