Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo muốn giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc
năm 2012 xuống còn 7,5%. Ảnh minh hoa: China Daily.
Trong báo cáo công tác với nội dung chính là “các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc năm 2012’’ tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lên tiếng kêu gọi giảm tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay. Giới phân tích bình luận động thái này của ông như một dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh dường như bắt đầu thực sự để tâm đến sự nguy hiểm của việc tăng trưởng quá nhanh và tình trạng bất bình đẳng.
Cụ thể, Thủ tướng Ôn đặt mục tiêu tăng trưởng mới cho Trung Quốc trong năm 2012 chỉ là 7,5% so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 8% mỗi năm trước đó.
Trong những năm qua, Trung Quốc đang tăng trưởng theo xu hướng vượt mục tiêu mà chính họ đề ra và thường là xấp xỉ 10%. Tuy nhiên, không phải bao giờ tăng trưởng cũng là điều hoàn toàn đáng mừng. Tốc độ tăng trưởng quá nhanh khiến một số người phất lên nhanh chóng, tầng lớp trung lưu khá giả ngày càng phình ra nhưng cũng khiến khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc tăng chóng mặt. Đồng thời, phân cách nông thôn thành thị của nước này cũng giãn ra đáng kể.
Năm 2012 – năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Ôn Gia Bảo – có thể là mốc đánh dấu tốc độ tăng trưởng kinh tế ở dưới ngưỡng 8% của Trung Quốc.
Động thái kêu gọi giảm tốc tăng trưởng GDP của Thủ tướng Ôn Gia Bảo được xem là dấu hiệu chứng tỏ thời kỳ “sùng bái” tăng trưởng thần tốc trong tư tưởng giới lãnh đạo Trung Quốc đến lúc kết thúc và đây là thời điểm thích hợp để nước này khởi động quá trình tái cấu trúc nền kinh tế vốn bị trì hoãn đã lâu.
Việc đặt mục tiêu thấp hơn “sẽ giúp giảm bớt khả năng tung ra gói kích thích kinh tế bởi các nhà chức trách nhận thấy tiềm năng tăng trưởng đang giảm sút. Ngoài ra, trong dài hạn, nó sẽ giúp giảm rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc và giúp tăng trưởng kinh tế bền vững hơn”, Zhang Zhiwei, trưởng nhóm phân tích kinh tế của Nomura Holdings Plc tại Hong Kong phát biểu.
Trong khi đó, AFP cũng dẫn phân tích của hãng Goldman Sachs cho hay: "Hạ thấp mục tiêu tăng trưởng GDP là một sự lựa chọn đúng đắn cho thấy động thái từ trung ương cảnh báo các chính quyền địa phương không nên chạy theo thành tích tăng trưởng GDP".
Rõ ràng, đến giờ phút này, Chính phủ Trung Quốc nhận ra thực tế muốn tái cấu trúc lại nền kinh tế nhất thiết cần giảm tốc tăng trưởng.
Hơn nữa, thay vì tăng trưởng kinh tế, ngày nay những mối bận tâm hàng đầu của Trung Quốc là tìm cách hữu hiệu để đối phó với tình trạng căng thẳng của đời sống chính trị - xã hội và giải quyết các hậu quả liên quan đến tình trạng bất bình đẳng xã hội.
Sự chuyển đổi này diễn ra trong bối cảnh gần đây, hàng loạt các chỉ trích vô cùng gay gắt giáng xuống đầu giới lãnh đạo Trung Quốc liên quan đến vấn đề vô cùng phức tạp, nhạy cảm và không dễ giải quyết này.
Sau 35 năm mở rộng quy mô của nền kinh tế, câu chuyện tăng trưởng rõ ràng ngày càng trở nên ít hấp dẫn hơn đối với người Trung Quốc.
Hệ số Gini tăng từ 0, 25 giữa những năm 1980 lên đến 0,47 vào thời điểm hiện nay cho thấy sự bất bình đẳng trong xã hội Trung Quốc ngày càng tăng và làm dấy lên cảm giác Chính phủ chỉ mải chạy theo tốc độ tăng trưởng mà bỏ bê, thiếu quan tâm đến đời sống và chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu Trung Quốc trong tất cả các cuộc thảo luận về sự kỳ diệu của nền kinh tế Trung Quốc, kêu ca tài sản của họ thực ra chẳng tăng lên một cách kỳ diệu tương ứng. Một bộ phận khác, nhóm người phất lên nhanh chóng đang khiến nhiều công dân Trung Quốc bất mãn bởi cho rằng Chính phủ chỉ đang quan tâm và ưu tiên cho một nhóm thiểu số mà bỏ quên đa số.
Đáng quan ngại hơn là nhóm đông lao động di cư. Cuối năm 2009, Trung Quốc có 229,8 triệu lao động nông thôn di cư, trong đó khoảng 149 triệu người làm việc bên ngoài khu vực quê nhà. Và bởi phải đi làm xa quê, mức lương thấp không đủ bù đắp cho những hy sinh cá nhân to lớn, như phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày, điều kiện ăn ở, làm việc tồi tàn và đặc biệt là nhóm lao động này cũng không được hưởng các phúc lợi xã hội thỏa đáng.
Thêm vào đó, giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cũng nhận ra thực tế tăng trưởng kinh tế hoàn toàn không phải là liều thuốc chữa bách bệnh để “chữa lành” các vấn đề liên quan đến cấu trúc hoặc đảm bảo cho tính hợp pháp của chế độ khi mà chính bất bình đẳng mới là yếu tố tác động sâu sắc đến sự ổn định lâu dài trong cấu trúc chính trị.
Song không ít người cho rằng chủ trương giảm tốc tăng trưởng của Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ đặt ra cho Trung Quốc không ít khó khăn.
Tuy nhiên, ông Ôn trấn an họ nhanh chóng với lập luận chỉ tiêu tăng trưởng "thấp hơn một chút" nhằm mục tiêu để Trung Quốc là "phát triển đến một mức độ cao hơn, với chất lượng tốt hơn, trong một thời gian lâu dài".
Theo vinacorp