Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay, “Người lao động và các doanh nghiệp Mỹ đang bị đối xử không công bằng”. Theo ông, chính sách của Trung Quốc khiến các công ty Mỹ, châu Âu, Nhật phải mua đất hiếm giá cao ngất.
Do đó, các sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ, Âu và Nhật mất lợi thế cạnh tranh về giá so với sản phẩm Trung Quốc trên trường quốc tế. Theo tờ Wall Street Journal, năm 2011 Bắc Kinh đặt hạn ngạch xuất khẩu 33.353 tấn, song chỉ xuất khẩu 18.586 tấn.
Đất hiếm là một mặt hàng nguyên liệu chiến lược, có vai trò quan trọng đối với các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao như màn hình phẳng, điện thoại thông minh, ổ cứng, các thiết bị chụp ảnh trong y khoa, tấm pin năng lượng mặt trời.
Trung Quốc là quốc gia đang kiểm soát 95% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Nếu Trung Quốc giảm hạn ngạch xuất khẩu thì sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho thế giới, đặc biệt là châu Âu bởi lục địa này gần như lệ thuộc 100% vào thị trường thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ kiểm soát 36% trữ lượng đất hiếm thế giới. Đất hiếm được phân bố đồng đều giữa các đại lục. Cơ quan Khảo sát địa lý của Mỹ hồi 2007 cho hay, nước này chiếm 13% trữ lượng thế giới, Nga 22% và Australia khoảng 5%.
Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu khiến giá đất hiếm tăng vọt và các tập đoàn khoáng sản thế giới tăng cường tìm kiếm đất hiếm. Hãng Molycorp đã bắt đầu khai thác ở Mountain Pass, California và sản lượng của nó có thể cung ứng 40.000 tấn/năm.
Canada, Malaysia và Nam Phi cũng đang gia tăng dự án khai thác đất hiếm. Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản cũng đã phát hiện dưới đáy Thái Bình Dương có trữ lượng đất hiếm khổng lồ, khoảng 80-100 tỉ tấn, gấp hàng ngàn lần trên mặt đất.
Dẫu vậy, khai thác thế nào cho hợp lý, tránh hủy hoại môi trường đang được đặt ra. Báo cáo mới đây của Morgan Stanley cho thấy, hiện thế giới có 11 dự án khai thác đất hiếm khổng lồ bên ngoài Trung Quốc, trong đó có dự án Đông Pao ở Việt Nam.
Theo các báo cáo nghiên cứu, mỏ Đông Pao của Việt Nam được cho là có trữ lượng đất hiếm chứa nhiều khoáng chất lanthanum, cerium và neodymium rất cần thiết để sản xuất màn hình tinh thể lỏng và động cơ cho xe hơi hybrid chạy cả xăng lẫn điện.
Dự án Mountain Pass, Mỹ
Công ty khai thác: Molycorp
Chi phí vốn: 895 triệu USD
Sản lượng: 40 nghìn tấn mỗi năm
Hàm lượng ôxit đất hiếm: 8,2%
Năm bắt đầu sản xuất: 2012
Dự án Mt. Weld, Australia
Công ty khai thác: Lynas Corporation Ltd.
Chi phí vốn: 882 triệu USD
Sản lượng: 22 nghìn tấn mỗi năm
Hàm lượng ôxit đất hiếm: 8,1%
Năm bắt đầu sản xuất: 2012
Dự án Steenkampskraal, Nam Phi
Công ty khai thác: Great Western Minerals Group Ltd.
Chi phí vốn: 60 triệu USD
Sản lượng: 5 nghìn tấn mỗi năm
Hàm lượng ôxit đất hiếm: 11,8%
Năm bắt đầu sản xuất: 2013
Dự án Nolans Bore, Australia
Công ty khai thác: Arafura Resources Ltd.
Chi phí vốn: 1 tỷ USD
Sản lượng: 20 nghìn tấn mỗi năm
Hàm lượng ôxit đất hiếm: 2,8%
Năm bắt đầu sản xuất: 2014
Dubbo Zirconia, Australia
Công ty khai thác: Alkane Resources Ltd.
Chi phí vốn: 584 triệu USD
Sản lượng: 4,2 nghìn tấn mỗi năm
Hàm lượng ôxit đất hiếm: 0,9%
Năm bắt đầu sản xuất: 2014
Dự án Đông Pao, Việt Nam
Công ty khai thác: Toyota Tsusho Corp. và Sojitz Corp.
Chi phí vốn: Không rõ
Sản lượng: 7 nghìn tấn mỗi năm
Hàm lượng ôxit đất hiếm: Không rõ
Năm bắt đầu sản xuất: 2014
Dự án Hoidas Lake, Canada
Công ty khai thác: Great Western Minerals Group Ltd.
Chi phí vốn: Không rõ
Sản lượng: Không rõ
Hàm lượng ôxit đất hiếm: 2,0%
Năm bắt đầu sản xuất: 2015
Dự án Bear Lodge, Mỹ
Công ty khai thác: Rare Element Resources Ltd
Chi phí vốn: 175 triệu USD
Sản lượng: 10,3 nghìn tấn mỗi năm
Hàm lượng ôxit đất hiếm: 3,2%
Năm bắt đầu sản xuất: 2016
Dự án Zandkopsdrift, Nam Phi
Công ty khai thác: Frontier Rare Earths Ltd.
Chi phí vốn: Khoảng 500 triệu USD
Sản lượng: 20 nghìn tấn mỗi năm
Hàm lượng ôxit đất hiếm: 2,2%
Năm bắt đầu sản xuất: 2015
Dự án Nechalacho, Canada
Công ty khai thác: Avalon Rare Metals Inc.
Chi phí vốn: 884 triệu USD
Sản lượng: 10 nghìn tấn mỗi năm
Hàm lượng ôxit đất hiếm: 1,7%
Năm bắt đầu sản xuất: 2016
Dự án Kvanefjeld, Greenland
Công ty khai thác: Greenland Minerals & Energy Ltd.
Chi phí vốn: 2,3 tỷ USD
Sản lượng: 43,7 nghìn tấn mỗi năm
Hàm lượng ôxit đất hiếm: 1,0%
Năm bắt đầu sản xuất: 2016
Theo VnEconomy