Tự định giá cũng phải có khuôn khổ
Thưa ông, liên tiếp chỉ trong hơn một tháng, giá gas đã tăng 20%, xăng tăng 10% và tới đây giá điện cũng đòi tăng giá. Liệu đời sống nền kinh tế có chịu đựng thêm được cú sốc này?
Phải nhìn nhận rằng việc quản lý nhà nước của ta chưa linh hoạt, chưa có sự nhạy bén để đối phó với biến động về kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới. Khi có tác động khách quan từ bên ngoài thì lập tức bên trong của ta có vấn đề. Nhớ lại thời điểm năm 1986, 1987, 1988, khi chúng ta bỏ bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường, lúc đó giá cả tăng rất cao từ 400 đến 500%/năm, tức khả năng quản lý, kiểm soát giá của chúng ta rất yếu trước sự thay đổi. Phải mất khoảng năm năm chúng ta mới đưa chỉ số giá cả về một con số và ổn định.
Năm 2012 có khác với những năm trước vì chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm. Có rất nhiều nguyên nhân gây lạm phát cao như tổng cầu tăng, chi phí đẩy, nhập khẩu lạm phát, quản lý giá, kiểm soát giá, lạm phát tâm lý... Chúng ta đang thắt chặt chi ngân sách, chính sách tiền tệ, thắt hạn mức tín dụng nhưng hiện khâu yếu nhất là quản lý giá. Điển hình thời gian vừa qua là giá xăng dầu tăng đã kéo theo giá vận tải, lương thực thực phẩm lên cao, thậm chí lên nhiều hơn so với tốc độ điều chỉnh giá xăng.
Giờ lại thêm anh giá điện đòi tăng đã tạo cú sốc về tâm lý. Lẽ ra với những thông tin này, người quản lý phải đắn đo, suy nghĩ trước khi nói, bởi những tuyên bố đó cũng có thể gây lạm phát về tâm lý. Nếu giá cứ sốc như thế này mãi thì rất nguy hiểm.
Nhưng các DN luôn nói chúng ta phải điều tiết giá các mặt hàng theo yếu tố thị trường, giá thế giới tăng thì DN đề xuất tăng giá ngay?
+ Về nguyên tắc, giá cả được điều hành, quản lý giá theo cơ chế thị trường, cần tôn trọng quyền định giá, cạnh tranh về giá của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhà nước thực hiện việc điều tiết giá đó thông qua các biện pháp kinh tế, tài chính, tiền tệ và kể cả biện pháp hành chính để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hợp lý của nhà sản xuất, người tiêu dùng và Nhà nước.
Nếu tăng giá điện trong thời điểm này sẽ tạo cú sốc tâm lý với người dân khi đóng tiền điện. |
Tuy tôn trọng sự tự do định giá của các DN nhưng sự định giá đó phải nằm trong khuôn khổ. Do đó, Nhà nước phải thẩm định, kiểm tra các yếu tố hình thành nên giá, nhất là những mặt hàng ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đã đến lúc phải có bộ phận thanh tra chuyên ngành về giá, thẩm định, kiểm tra yếu tố đầu vào của DN. Hiện nay bộ phận này còn kiêm nhiệm.
Điều tôi muốn nói đó chính là vấn đề minh bạch và công khai. Trước đây DN hay đổ thừa do tỉ giá nhưng giờ tỉ giá ổn định rồi, chỉ còn đầu vào thế giới do bất ổn chính trị ở Trung Đông khiến giá dầu tăng, tới đây bất ổn ấy sẽ được giải quyết. Cú sốc dầu nếu có chỉ trong ngắn hạn.
Đã độc quyền lại được ưu đãi + bù lỗ
Nếu ngành điện vẫn tiếp tục đề xuất tăng thì sao?
+ Không nên điều chỉnh giá điện vào thời điểm này. Đồng ý là chúng ta đang chuyển dần các loại giá cả sang cơ chế thị trường nhưng lưu ý phải tránh tạo ra những cú sốc. Chúng ta vừa điều chỉnh giá xăng, giờ lại thêm giá điện thì người dân chịu không nổi. Mục tiêu quan trọng nhất mà Quốc hội đặt ra cho Chính phủ năm nay là phải ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 10%.
Giá điện chỉ có thể điều chỉnh khi giá xăng dầu trong nước giảm.
Về chuyện các DN kêu lỗ, suy cho cùng cũng là DN nhà nước và là DN độc quyền, có được những ưu đãi nhất định. Trong trường hợp họ lỗ, thuế, ngân sách nhà nước cấp bù thì cũng là tiền của dân thôi. Vừa rồi, các DN hô hào sẽ tiết kiệm, cắt giảm chi phí nhưng không thể vì sự hô hào đó rồi lại đòi tăng giá. DN nhà nước phải cùng Nhà nước bình ổn thị trường, cùng với Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhưng họ luôn có cái lý rằng đã là DN thì phải gắn với lợi nhuận?
+ DN phải gắn với lợi nhuận là đúng nhưng không có nghĩa là thời điểm nào họ cũng gắn với lợi nhuận. DN ngoài những mục tiêu hiệu quả về kinh tế cũng phải có mục tiêu hiệu quả về xã hội. Trí tuệ của điều hành là phải biết điều chỉnh vào thời điểm nào.
Hiện do giá xăng dầu tác động, dự đoán chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 sẽ dao động từ 0,7% đến 1%. Giải pháp căn cơ nhất lúc này là cơ quan quản lý giá phải phối hợp ban ngành để kiểm tra, thanh tra, ra tay tránh trường hợp tát nước theo mưa - mưa thì ít mà tát nước thì nhiều! Nhất định đừng để tăng giá điện thời điểm này!
Xin cảm ơn ông.
Điện mới tăng giá giờ lại tăng tiếp thì khó dân quá! Tôi đã phải đi đăng ký ở quận để người thuê nhà được hưởng mức giá điện của Nhà nước, giá bình ổn. Mỗi đợt điều chỉnh tăng giá điện, tôi vẫn rất đắn đo khi phải nói tăng giá, vì người thuê trọ nhà tôi đều là sinh viên đi học, tiền đâu mà cứ chi trả cho các mức tăng liên tục. Nhưng tôi không tăng thì không được vì tôi cũng không thể chịu lỗ thay. Bà TRẦN THỊ BÍCH THỦY, đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận Trước đây giá điện chúng tôi phải trả khi ở thuê là 2.200 đồng/kWh. Sau khi ngành điện tăng giá thêm 5%, chủ nhà đã đòi tăng giá ngay lên thành 3.800 đồng/kWh. Hai vợ chồng chúng tôi thu nhập cả tháng chỉ hơn 7 triệu đồng, nhà có con nhỏ, tất cả thiết bị điện như máy lạnh, quạt chúng tôi đều phải cắt giảm. Chúng tôi chỉ dám mở tivi khi có thời sự, không dám xem phim, vậy mà bình quân tiền điện phải trả cũng hết 300.000 đồng/tháng. Hôm qua, bà chủ nhà cũng đã thông báo nếu giá điện tiếp tục điều chỉnh thì buộc sẽ tăng tiền điện tiếp, mức tăng có thể lên 5.000 đồng/kWh. Nếu tiếp tục tăng như vậy, thu nhập của chúng tôi không thể chi trả nổi. Anh PHẠM VĂN THÁI, phường Bình An, quận 2 |
Theo PL TPHCM