“… Các anh chị thành lập ngân hàng, vốn tự có chỉ là 1 đồng, pháp luật cho phép huy động 10 đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh của toàn xã hội. Nhưng có những ngân hàng cho vay nội bộ tới một phần tư, một phần ba thậm chí một nửa số vốn huy động từ dân cư. Như vậy còn vốn đâu cho xã hội nữa và an toàn làm sao được. Các anh chị không thể lấy tiền huy động của toàn xã hội để cho nhà mình vay hết, để đầu tư cho các dự án của chính mình…”
Cuộc tổng vệ sinh trong đề án 254 có đạt được mục tiêu dọn dẹp để đưa nợ xấu – nợ bẩn ra bên ngoài hệ thống ngân hàng và hoán chuyển – chuyển trả lại cho xã hội những nguồn vốn và số vốn thật – quý có đạt được hiệu quả cao hay không, như phần nhận định rất chính xác và nghiêm khắc nêu trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị tổng kết ngành ngân hàng ngày 17.12.2011?
Điều này tuỳ thuộc phần lớn, nếu không nói là hoàn toàn vào việc Chính phủ, ngân hàng Nhà nước, bộ Tài chính, các bộ và cơ quan liên quan có thật sự xem cuộc tổng vệ sinh này như một “lối thoát hiểm” trong những lối thoát hiểm chính của cuộc đua trong chặng đường cuối, để vượt thoát con bệnh lạm phát kinh niên mà xã hội và nền kinh tế đang gồng mình gánh chịu. Và sau tổng vệ sinh phải là... tổng sắp xếp.
Đã trễ - đừng trễ lần nữa
Nói một cách khác, đã nhiều năm và nhiều lần trễ rồi, nhóm nợ xấu và nhất là nhóm nợ bẩn mà Thủ tướng đã tìm thấy là những khối u ác tính phải nhanh chóng cắt bỏ không chần chừ và khoan nhượng.
Ngày 15.9.2008, Chính phủ Mỹ thông qua ngân hàng Trung ương, bộ Tài chính và uỷ ban Giao dịch chứng khoán đã không khoan nhượng và cắt bỏ khối u ác tính – ngân hàng đầu tư Lehman Brothers – ra khỏi hệ thống tài chính của nợ bẩn bằng cách để Lehman Brothers phá sản. Đã quá trễ để ngăn chặn cuộc tổn thương kinh tế tài chính lớn nhất lịch sử của Mỹ và lan rộng toàn cầu!
Vấn đề nhức nhối của việc cắt bỏ này là gì? Cũng như Mỹ, Hy Lạp và các nền kinh tế bị sa lầy với mạng lưới nợ bẩn, cái giá trước mắt phải gánh trả cho việc cắt bỏ này sẽ rất lớn và không một định chế tài chính nào có thể một mình hoặc kết hợp nhau gánh trả nổi. Nhà nước – Chính phủ sẽ phải là định chế cung cấp những mạng lưới an toàn tối thiểu hoặc tối đa cho cái giá phải trả của cuộc đại phẫu này (tổng vệ sinh). Đó là cái giá của những lơ đễnh – hững hờ – nhún nhường – thoả hiệp – không minh bạch của giới có thẩm quyền kiểm soát và chế tài. Việt Nam cũng vậy và không thể là ngoại lệ.
Dẫn dắt hoặc bị dẫn dắt
Ngày 12.3.2012, thống đốc Nguyễn Văn Bình nói trong cuộc họp báo về chính sách lãi suất: “Trước đây, chúng ta luôn bị thị trường dẫn dắt, chính sách đưa ra mang tính chất chữa cháy, tình thế. Tuy nhiên, từ tháng 8.2011 trở lại đây chúng ta luôn luôn chủ động, dẫn dắt thị trường đi theo các mục tiêu của Chính phủ…” Những lời này cho thấy một góc cạnh quan trọng khác đáng chú ý của đề án 254, đó là vấn đề: thụ động và chủ động, dẫn dắt và bị dẫn dắt.
Không quá khó và cũng không quá khắt khe để nhận ra rằng hầu hết những hệ quả, lớn nhất là lạm phát kinh niên có sự dự phần của nhóm nợ bẩn, trong và từ chính sách tiền tệ hoặc chính sách tài khoá đều có bóng dáng của cách điều hành – quản lý thụ động. Cơ chế phải xin ý kiến và phải đợi lệnh tập thể là mầm mống của “thụ động”, và thụ động này là tác nhân tạo nên Vinashin hôm nay và những Vinashin khác.
Ngân hàng Nhà nước, mặc dù chưa được giao vai trò của một ngân hàng Trung ương có vai trò độc lập cao, nhưng đã được giao trọng trách chính: “Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án”. Thống đốc và ngân hàng Nhà nước đã được chuẩn bị tâm thế ở mức độ nào để thật sự thể hiện vai trò chủ động của mình?
Từ nay đến năm 2015, theo như mốc thời gian của đề án 254, xã hội và nền kinh tế lạm phát đang và sẽ lắng nghe – trông chờ vào vai trò và tâm thế chủ động dẫn dắt của thống đốc và ngân hàng Nhà nước trong cuộc tổng vệ sinh nợ xấu và nợ bẩn và tổng dàn xếp hệ thống ngân hàng.
Tính chuyên nghiệp và sứ mệnh của tổ chức tín dụng
Phần nhận định chính xác và nghiêm khắc của Thủ tướng: “Các anh chị thành lập ngân hàng… Các anh chị không thể lấy tiền huy động của toàn xã hội để cho nhà mình vay hết…” cũng đã chính thức vạch ra và nói lớn về những hiện trạng méo mó trong hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng nói chung, và các ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng.
Theo tôi, một cách diễn dịch theo kinh điển của ngành nghề, thì nhận định của Thủ tướng có thể được hiểu là đang có một tỷ lệ khá lớn các cổ đông lớn và cổ đông chiến lược (nghiệp chủ) và ban điều hành (chuyên viên – chuyên gia) của nhiều ngân hàng hiện nay không chịu biết và hiểu đúng vai trò đặc biệt và tính chuyên nghiệp của giới nghiệp chủ, cũng như giới điều hành trong những định chế tài chính nhận tiền gởi của xã hội và những định chế tài chính phi ngân hàng khác. Một ngành nghề thiết yếu và đặc biệt của nền kinh tế đang bị kìm hãm và xuống cấp, vì làn sóng “nghiệp dư hoá” (mà đằng sau nó đang có biết bao câu hỏi về sự dẫn dắt của… nhóm lợi ích núp danh thiếu hiểu biết, nhưng dù sao, thì đó cũng là… nghiệp dư).
Chính vì các định chế tài chính – ngân hàng đã được xã hội và nền kinh tế uỷ thác một vai trò rất đặc biệt: đó là được nhận và sử dụng tiền gởi; vì vậy quản lý và điều hành ngân hàng rất khác với các tổ chức kinh tế khác.
Quyền được nhận và sử dụng tiền gởi được tích luỹ từ nền kinh tế là một uỷ thác cao nhất trong giá trị tín thác. Với tâm thế và tính cách nghiệp dư, sẽ dễ dàng xem tiền gởi và nguồn vốn của xã hội là của chính họ. Khi không chịu biết và hiểu đúng vai trò nghiệp chủ và điều hành của mình trong định chế tài chính nhận tiền gởi của xã hội, thì nợ xấu và nợ bẩn sẽ là những hệ quả tất yếu cho xã hội như hiện nay.
Đề án 254, bên cạnh và song song với cuộc tổng vệ sinh nợ bẩn cùng tinh thần chủ động dẫn dắt chính sách tiền tệ và thị trường, cũng là một cuộc tổng sắp xếp trong giới nghiệp chủ và giới điều hành – tìm và trở về lại với tính chuyên nghiệp và vai trò đặc biệt không thể thiếu. Một giai đoạn chuyên nghiệp và phải chuyên nghiệp nếu không muốn tự đào thải từ đây đến năm 2015.
Theo SGTT