Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai |
Cuộc trao đổi này được thực hiện khi hầu hết ý kiến chuyên gia và dư luận đều không đồng tình.
Bà Mai nói:
- Hiện Bộ Tài chính đã gửi dự án Luật sửa đổi bổ sung luật này để lấy ý kiến các bộ ngành, UBND các tỉnh thành. Đồng thời, nội dung sửa đổi cũng được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính mong nhận được góp ý của người dân.
* Như bà đã khẳng định tại buổi họp báo, việc sửa Luật thuế TNCN là do giá cả tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp. Tại sao không đề xuất sửa luật ngay trong năm nay hoặc năm 2013?
- Đúng là như vậy, giá cả tăng cao gây khó khăn đến đời sống người dân, trong đó có người nộp thuế. Nhưng khi xem xét sửa luật phải tính trên nhiều yếu tố khác chứ không chỉ riêng lạm phát tăng cao. Bản chất của luật này là ngày càng có nhiều người nộp thuế. Còn những người nộp thuế đều có thu nhập khá trở lên.
Còn tại sao không đề xuất áp dụng luật ngay trong năm 2013 là vì thời gian áp dụng luật từ năm 2009-2014 là năm năm. Khi trình luật, Bộ Tài chính cũng nêu rất rõ mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 4 triệu đồng và 1,6 triệu đồng cho người phụ thuộc sẽ ổn định một thời gian. Quan điểm của luật này là chính sách phải ổn định. Chính vì vậy Bộ Tài chính đề xuất mức giảm trừ gia cảnh 2,4 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc, mức giảm trừ cho mỗi người nộp thuế nâng lên 6 triệu đồng cũng phù hợp vào năm 2014.
* Nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất nên tính mức giảm trừ theo lương tối thiểu để khắc phục tình trạng áp dụng mức cứng nhắc như hiện nay sẽ chỉ dễ cho cơ quan thuế mà thiệt thòi cho người nộp thuế khi lạm phát tăng cao?
- Luật thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009 cũng không dựa vào tiền lương tối thiểu hay dựa vào trượt giá, hay GDP bình quân đầu người... Và luật sửa đổi lần này cũng vậy. Căn cứ vào một yếu tố nào cũng là không toàn diện. Nếu căn cứ vào mức sống dân cư thì mức sống dân cư rất thấp, không phải 6 triệu đồng/tháng, còn thu nhập bình quân đầu người 2,2 triệu đồng/tháng cũng thấp hơn nhiều. Nói tóm lại không dựa vào một chỉ tiêu nào cả mà theo tổng hợp các yếu tố.
Mục tiêu sửa lần này cũng ổn định năm năm, tức là mức này cũng sẽ giữ đến hết năm 2018.
* Vậy Bộ Tài chính căn cứ vào những yếu tố gì để xác định mức giảm trừ gia cảnh 6 triệu đồng/ tháng?
- Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, vào mức sống và phong tục tập quán để xác định mức giảm trừ gia cảnh. Bản chất của luật thuế này là thuế TNCN chứ không phải là thuế thu nhập cao.
Quan điểm của Luật thuế TNCN là dần dần các đối tượng nộp thuế sẽ mở rộng ra, tức là cá nhân có thu nhập thì phải nộp thuế. Tuy nhiên, sau hơn ba năm áp dụng, tính đến cuối năm 2011 chỉ có 1,5% dân số nộp thuế TNCN, trong đó 1,3 triệu người có thu nhập từ tiền công tiền lương và 194.000 hộ kinh doanh.
* Nhưng ở các nước chính sách an sinh xã hội của họ rất hoàn hảo. Như người lao động bị thất nghiệp vẫn có lương để có thể chi trả những sinh hoạt tối thiểu...?
- Phúc lợi xã hội mỗi nước khác nhau tùy điều kiện kinh tế - xã hội. Như ở VN so với năm năm trước thì rất cách xa, chi từ ngân sách cho an sinh xã hội, phúc lợi tăng rất lớn. Như chi cho giáo dục, khoa học công nghệ, bảo hiểm xã hội cho người nghèo... cũng tăng đáng kể. Nguồn để thực hiện các chính sách này phải từ tiền nộp thuế. Tôi nói như thế không có ý là chính sách thuế là tận thu.
* Để nghĩa vụ thuế không là gánh nặng, người nộp thuế không tìm cách trốn thuế, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nên giảm mức thuế ở bậc 1 xuống 2% thay vì 5% như hiện hành?
- Giãn ra như thế sẽ giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp. Bước đầu là năm 2014, với dự thảo lần này thì nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 2,4 triệu đồng/tháng đã được xem là khoan sức dân rồi. Vì quy định không hạn chế người phụ thuộc. Như thế được hiểu là giảm nghĩa vụ thuế rồi.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, đến năm 2014 khi áp dụng phương án đề xuất thì 70% người đang nộp thuế ở bậc 1 sẽ không phải nộp thuế. 70% bậc 2 sẽ chuyển sang nộp ở bậc 1. Như vậy ngân sách sẽ giảm thu 8.150 tỉ đồng rồi.
* Tuy nhiên, đến lúc đó thu nhập của người dân cũng tăng lên và sẽ có thêm nhiều người nộp thuế?
- Mức giảm 8.150 tỉ đồng là tính trên cơ sở tốc độ tăng thu nhập của năm 2014.
* Cùng kỳ năm ngoái, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định quan điểm về việc sửa luật này. Theo đó, phương án xem xét là ngưỡng tính thuế gấp 8-10 lần mức lương tối thiểu?
- Đó là thông tin không chính thống.
PV cũng có hỏi ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này:
Ông CAO SỸ KIÊM (chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa):
Cách nghĩ xa thực tế
"Thuế cần đảm bảo hài hòa chung, có tính cho ngân sách nhưng cũng phải tính cho dân, đừng để họ cảm thấy bị thiệt thòi" |
Nghe phát biểu của thứ trưởng Bộ Tài chính, tôi thấy đề xuất mức giảm trừ cho một người nộp thuế là 6 triệu đồng/tháng chỉ phù hợp thời điểm hiện nay.
Với thu nhập trong năm 2012 của người dân thì mức trên có thể tạm chấp nhận. Còn đến năm 2014 mới thi hành, nhưng lại muốn luật ổn định trong năm năm thì tôi cho rằng cách nghĩ đó xa thực tế, không thật sự nhìn xa.
Ngay từ trước khi Luật thuế TNCN hiện hành được thông qua, tôi đã đề nghị không nên đưa ra con số khởi điểm chịu thuế cụ thể mà nên quy định cụ thể lạm phát hay lương cơ bản tăng bao nhiêu thì điều chỉnh cho sát với thực tiễn. Thuế phải gắn với đời sống chứ không thể đi trước hoặc đi sau, bởi như thế dễ tạo bất bình đẳng.
Lần này, Bộ Tài chính cần có quan điểm đổi mới hơn trong làm luật, tránh việc luật vừa đưa ra đã thấy bất cập, phải sửa. Quốc hội một năm chỉ họp hai lần, bao nhiêu luật khác đang chờ, mà luật cứ ra đời sáu tháng dư luận đã đòi sửa thì không nên.
Mức khởi điểm đánh thuế 5% cũng nên giảm. Nếu cứ đề xuất mức khởi điểm đánh thuế 6 triệu đồng mà nói muốn ổn định tới 5 năm, theo tôi, không thực tế.
Ông Lê Khánh Lâm |
Đề xuất mức giảm trừ chưa phù hợp
Trong điều kiện trước mắt Luật thuế TNCN khó được sửa đổi thường xuyên như các luật khác thì việc cố định giảm trừ như đề xuất của Bộ Tài chính, theo tôi, chưa phù hợp. Tôi đồng tình với ý kiến nên căn cứ vào mức nào đó, chẳng hạn mức lương tối thiểu chung để tốc độ cập nhật của Luật thuế TNCN được nhanh hơn, phản ánh được phần nào biến động tại VN.
* Với phân tích của ông thì đề xuất giãn thời gian áp dụng Luật thuế TNCN sửa đổi đến năm 2014 liệu có phù hợp?
- Tôi chia sẻ với các nhà làm luật ở khía cạnh Luật thuế TNCN là luật thuế mới, phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, nhiều tiểu tiết bên trong nên việc sửa đổi cần thời gian nhiều hơn các luật thuế khác, hơn nữa còn nhiều quan điểm như nguồn thu, tính nhất quán…
Tuy nhiên, ở góc độ người nộp thuế, cũng cần thấy rằng nếu luật có sự thay đổi kịp thời, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của họ, có tính thuyết phục cao thì người dân sẽ tán đồng, khả năng thực thi, đi vào cuộc sống tốt hơn.
* Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay ông cho rằng đã thỏa đáng chưa?
- Luật thuế TNCN hiện nay mới bàn đến ngưỡng nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh tôi cho rằng chưa toàn diện. Tại nhiều nước, với những người có thu nhập ở mức trung bình thì thuế TNCN điều tiết theo mức lũy tiến, tăng dần cho người thu nhập cao, giãn rộng cho người thu nhập thấp. Nhưng khi tăng đến lúc nào đó sẽ lũy thoái để tạo sự khuyến khích với người có thu nhập cao, đóng góp nhiều cho xã hội. Người nộp thuế cũng được giảm trừ nhiều nội dung khác như khoán trượt giá…
Theo Tuổi Trẻ