"Việt Nam dễ trở thành công xưởng của thế giới"

Thứ năm, 15/03/2012, 16:14
Các chuyên gia cho rằng, 25 năm qua, Việt Nam thu hút đầu tư từ nước ngoài còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, và chính sách thu hút FDI còn nhiều rào cản.



 

Sáng 15/3, Báo Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài đồng tổ chức Hội thảo Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đánh giá: “Trong 25 năm qua, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, trong việc thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những năm qua còn nhiều bất cập và hạn chế.

Mặt khác, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, nhất là tình trạng thiếu điện, năng lực hạn chế của hệ thống cảng biển và các công trình hạ tầng liên quan, sự thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động đã qua đào tạo, kỹ sư, cán bộ quản lý tiếp tục là những rào cản đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, làm giảm khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam”.

GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: “Không ít tỉnh, thành ở nước ta đã lạm dụng ưu đãi đầu tư miễn là thu hút được FDI mà không tính đến hiệu quả kinh tế xã hội của địa phương, thậm chí miễn giảm tiền thuê đất đến mức UBND tỉnh phải vay tiền nhà đầu tư để trả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng mà không biết liệu dự án đi vào hoạt động thì ngân sách địa phương có đảm bảo hoàn lại không”.

Đa số các đại biểu thẳng thắn đánh giá việc dùng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh, đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao cho tương lai. Trong đó, vấn đề đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình CNH-HĐH đất nước, các chuyên gia cho rằng, cần tỉnh táo và đầu tư có trọng tâm, chiến lược lâu dài. Nếu chúng ta chạy theo nhu cầu trước mắt mà đầu tư quá nhiều cho đào tạo lao động phục vụ đại trà cho các khu công nghiệp, không khéo sẽ biến nước ta trở thành một công xưởng cho thế giới.

Hơn nữa, việc các tỉnh, thành đưa ra nhiều chính sách đặc thù để thu hút đầu tư theo cách riêng vừa để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, vừa như một lợi thế cạnh tranh với các địa phương, đang tiềm ẩn rủi ro lớn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội cho rằng: Việc phân cấp cho phép các tỉnh, thành chủ động kêu gọi và quyết định vấn đề đầu tư đang có bất cập lớn. Đó là sự cạnh tranh giữa các địa phương tạo ra ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư dẫn đến biểu hiện hình thành mỗi tỉnh như một nền kinh tế riêng (vì có tính GDP địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương,…). Cho nên, địa phương nào cũng thu hút đầu tư, đặc biệt là lấy đất nông nghiệp vào công nghiệp. Nhìn trên tổng thể, đây là vấn đề không đúng. Cần điều chỉnh lại sự phân cấp này”.

Với tư cách là đơn vị nhiều năm đầu tư thành công ở Việt Nam, ông JV Raman, Chủ tịch Unilever Việt Nam, khuyến cáo: “Việt Nam cần thu hút FDI theo hướng phục vụ tăng trưởng bền vững. Đó là các dự án phải hướng đến đầu tư vì con người, vì môi trường, lành mạnh hóa xã hội. Các DN đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam cần tham gia phát triển xã hội Việt Nam như một mục tiêu trọng tâm bên cạnh mục tiêu lợi nhuận của mình”

Hội thảo khẳng định, thời gian tới, việc ban hành luật pháp, cơ chế chính sách về đầu tư cần có trọng tâm, thực hiện thu hút đầu tư FDI phải nhằm hướng đến mục tiêu đã chọn, góp sức vào thực hiện các mục tiêu chung của quốc gia chứ không thể chỉ nhìn vào hiệu quả riêng của nhà đầu tư, của địa phương, đặc biệt tránh thu hút ồ ạt, thiếu kiểm soát chất lượng đầu tư.

Theo VOV

Các tin cũ hơn