Trung Quốc tăng lương, cơ hội cho Việt Nam

Thứ năm, 15/03/2012, 10:37
Tiền lương tăng mạnh có lẽ đang là vấn đề khiến các công ty làm ăn ở Trung Quốc “đau đầu”, nhưng lại là tin tốt với nhiều người ở Việt Nam như anh Ngo Truong Chinh

Đà leo thang của giá nhân công ở Trung Quốc đang thúc đẩy ngày càng nhiều
công ty thuộc các ngành sản xuất có hàm lượng sức lao động cao mở nhà máy ở Việt Nam.

 

Xuất hiện trong một câu chuyện của tờ Financial Times, anh Chinh, 35 tuổi, khoe mới đây đã tìm được công việc quản lý chất lượng tại một nhà máy của công ty XP Power, một hãng sản xuất linh kiện điện tử có cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán Anh. Nhà máy nơi anh Chinh đang làm việc mới được XP Power mở tại Bình Dương.

“Nhân công ở Việt Nam giá rẻ nhưng có chất lượng tốt. Đó là lý do vì sao nhiều nhà sản xuất nước ngoài đầu tư vào Việt Nam", anh Chinh nói.

XP Power chỉ là một trong nhiều công ty muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất bên cạnh nhà máy ở Trung Quốc. Sự dịch chuyển của các nhà máy khỏi Trung Quốc không chỉ nhằm tranh thủ mức giá nhân công rẻ hơn tại các quốc gia khác, mà còn để giảm thiểu những rủi ro xuất phát từ việc tập trung hết hoạt động sản xuất vào một quốc gia. Nạn lụt ở Thái Lan và trận động đất - sóng thần ở Nhật hồi năm ngoái là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những công ty đặt quá nhiều cơ sở sản xuất tại một nơi nào đó.

Với những thế mạnh của Trung Quốc như lực lượng công nhân giàu kinh nghiệm, chuỗi cung cấp đã đạt mức độ phát triển cao và nền sản xuất quy mô lớn, ít người cho rằng địa vị “công xưởng của thế giới” mà nước này duy trì suốt nhiều thập kỷ qua đang bị đe dọa. Tuy nhiên, đà leo thang của giá nhân công ở Trung Quốc đang thúc đẩy ngày càng nhiều công ty thuộc các ngành sản xuất có hàm lượng sức lao động cao mở nhà máy ở những nước có mức lương thấp hơn như Bangladesh, Indonesia và Việt Nam.

Theo số liệu mà Financial Times đưa ra, công nhân không có kỹ năng ở Việt Nam thường được trả 100-150 USD/tháng, so với mức 300 USD/tháng tại các khu vực sản xuất công nghiệp lớn thuộc phía Nam của Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam tuy chưa phát triển như của Trung Quốc, lãnh đạo các nhà máy cho biết, họ hoàn toàn có thể ứng phó với tình trạng mất điện cũng như việc hàng bị “tắc” tại các cảng biển còn chưa hoàn thiện ở Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu mỗi năm nhiều tỷ USD hàng công nghiệp  gồm các sản phẩm như giày dép, hàng may mắc và đồ gỗ sang châu Âu và Mỹ. Năm 2010, Việt Nam vượt Trung Quốc trở thành địa chỉ sản xuất lớn nhất của hãng đồ thể thao nổi tiếng Nike.

Sự xuất hiện của những công ty như XP Power sẽ là một “bài kiểm tra” xem Việt Nam có đủ công nhân giàu kỹ năng và cơ sở hạ tầng cần thiết để thu hút thêm những doanh nghiệp nước ngoài thuộc các ngành công nghệ cao và giá trị gia tăng cao. Đến nay, đã có một số hãng công nghệ cao như Intel của Mỹ hay Samsung của Hàn Quốc mở nhà máy ở Việt Nam và đang đẩy mạnh sản xuất tại các nhà máy này. Năm ngoái, nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới Nokia của Phần Lan công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy “dế” ở miền Bắc của Việt Nam.

“Năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp hơn đôi chút so với ở Trung Quốc. Nhưng sự gia tăng chi phí gần đây ở Trung Quốc buộc chúng tôi phải chuyển bớt hoạt động sản xuất sang các nước khác để giữ sức cạnh tranh”, ông S. Kesavan, Giám đốc của hãng điện tử Mỹ Jabil Circuit tại Việt Nam, cho biết.

Jabil có kế hoạch thuê thêm công nhân cho nhà máy đặt tại Tp.HCM, nơi hãng sản xuất đồng hồ đo điện và thiết bị đọc thẻ tín dụng. Số lượng công nhân của nhà máy này hiện là 1.000 người và sẽ được tăng lên 3.000 người trong vòng 2 năm tới.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là Việt Nam có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở khu vực châu Á. Tháng 2 vừa qua, giá cả ở Việt Nam dù đã hạ nhiệt vẫn cao hơn 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Bởi vậy, lợi thế về chi phí của Việt Nam sẽ không kéo dài lâu.

Độ tuổi trung bình của người Việt Nam hiện nay là 27,4 tuổi, thấp hơn mức 35,2 tuổi của người Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của hãng tư vấn McKinsey,  dân số Việt Nam đang già hóa và lợi tức dân số (demographic dividen) của Việt Nam đang bắt đầu suy giảm.

Trong bối cảnh như vậy, các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam cần giảm bớt sự phụ thuộc vào những ngành sản xuất chi phí thấp nhằm khắc phục những bất ổn của nền kinh tế.

Một số công ty cũng đã lên tiếng về tình trạng thiếu lao động ở Việt Nam. Theo McKinsey, Việt Nam cần tăng năng suất lao động gấp rưỡi để bù đắp cho sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động. McKinsey cho rằng, phải làm vậy thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng 7-8% trong thời gian từ nay đến năm 2020 mà Chính phủ Việt Nam đề ra mới thực hiện được.

Hãng ScanCom International của Đan Mạch - một trong những nhà xuất khẩu nội thất gỗ ngoài trời hàng đầu thế giới - nằm trong số những doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đang muốn di chuyển lên những vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Bằng cách sử dụng thiết bị hiện đại, biến vật liệu phế thải thành sản phẩm mới và tăng cường hoạt động đào tạo, hãng này đã tăng gấp đôi sản lượng tính trên mỗi công nhân. Theo CEO Stig Maasbol của ScanCom, hiện hãng có 4.000 công nhân trong nhà máy tại Bình Dương.

ScanCom dự kiến sẽ tăng gấp đôi sản lượng tính trên mỗi công nhân thêm lần nữa trong vòng 2 năm tới thông qua sử dụng thêm máy móc hiện đại, chẳng hạn như robot có khả năng làm công việc của 50 công nhân mà chỉ cần 1 người điều khiển.

“Nếu sức hấp dẫn của Việt Nam chỉ là giá nhân công thấp, các công ty sẽ sớm tìm đến với Campuchia và Myanmar”, ông Maasbol nói.

Theo dantri

Các tin cũ hơn