Về lý thuyết, việc NH hạ lãi suất cho vay sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn cho thị trường BĐS, vốn đã rơi vào tình trạng đóng băng từ tháng 6-2011 sau khi Chính phủ quyết định chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Nguồn vốn tín dụng NH cho nhóm phi sản xuất nói chung, BĐS nói riêng bị chặn lại, đồng thời lãi suất huy động và cho vay được đẩy lên cao khiến cho thị trường BĐS gần như bị đình trệ giao dịch.
Tiếp theo đó là đà giảm giá liên tiếp trong 6 tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 ở hầu khắp các phân khúc, đáng kể nhất là phân khúc chung cư cao cấp, biệt thự, nhà liền kề, đất nền ven đô. Hậu quả của lãi suất cao, van tín dụng thắt chặt cũng tác động tiêu cực đến nhiều dự án đang triển khai, thậm chí ngay cả dự án đã được thu xếp vốn vay. Thị trường BĐS rơi vào tình trạng ảm đạm nhất kể từ khi hình thành đến nay. Vì vậy, việc hạ lãi suất ngân hàng dường như đã được các nhà đầu tư chờ đợi, với hy vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới giúp thị trường BĐS ấm trở lại.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chuyên gia vẫn dè dặt khi đề cập đến việc liệu thị trường BĐS có ấm lại ngay thời điểm này hay không? Bởi, thị trường BĐS từ trước đến nay vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong khi những cơn sốt giá nhà ở vài năm qua, lợi nhuận trong kinh doanh BĐS cao đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường dẫn đến DN đã đổ xô vào đầu tư phát triển BĐS; tập trung quá lớn vào phân khúc cao cấp, thậm chí nhiều địa phương cấp phép dự án với quy mô lớn tại những nơi chưa có hạ tầng đã tạo nên những khu nhà ở bỏ hoang, lãng phí đất đai, tiền của xã hội. Dư nợ cho vay BĐS tăng nhanh. BĐS được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng cung tiền, gây ra lạm phát, nên việc hạ lãi suất lần này có lẽ nhằm vào nhóm sản xuất. Khó có thể nới van tín dụng ồ ạt cho nhóm phi sản xuất, trong đó có BĐS ngay thời điểm này. Có chăng, chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt, hướng dòng tiền vào đúng phân khúc, đúng nơi thị trường đang cần, chẳng hạn như dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp.
Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo TƯ về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, đại diện NHNN khẳng định, chủ trương của NHNN là tiếp tục kiểm soát lạm phát và chính sách tín dụng năm 2012 vẫn theo hướng chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt. Trong đó, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS vẫn bị xếp vào nhóm không khuyến khích. Tuy nhiên, có nới lỏng đối với những nhu cầu bức thiết của người dân và xã hội như xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở công nhân khu công nghiệp; các công trình, dự án, nhà ở sắp hoàn thành và đưa vào bàn giao trong năm 2012; vay để phục vụ nhu cầu sửa chữa, mua nhà ở bằng nguồn thu nhập cá nhân…
Quan điểm của NHNN là phải có rà soát, đánh giá để xác định thực trạng tài chính và nguyên nhân nếu có thua lỗ của DN BĐS. Đồng thời, phải thận trọng khi tiếp thêm nguồn tài chính cho thị trường này bởi mặt bằng giá BĐS quá cao so với khả năng của số đông người dân và so với giá trị thực do bị làm giá, mua đi bán lại qua nhiều tay trong giai đoạn trước đây. Nếu cho DN vay để hình thành loại BĐS đang ở tình trạng thanh khoản kém sẽ làm tăng tình trạng mất cân đối trên thị trường. Còn nếu cho vay mua BĐS trong điều kiện tính minh bạch của thị trường thấp, chưa có biện pháp xử lý tình trạng làm giá sẽ làm giá tăng lên, đối tượng cần hỗ trợ nhà ở càng khó khăn khi tiếp cận nhà ở và như vậy chỉ các nhà đầu tư có lợi. Quan trọng hơn, nếu không kiểm soát cho vay BĐS sẽ khó kiểm soát lạm phát, khó đưa lãi suất trở về mặt bằng thấp hơn hiện nay, kéo dài khó khăn cho nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Bộ Xây dựng nhận định, nếu tiếp tục một thời gian dài chính sách kiểm soát tín dụng chặt chẽ, dư nợ tín dụng BĐS giảm tuyệt đối như hiện nay, thị trường sẽ đóng băng, dẫn đến nhiều DN không có khả năng hoàn thiện sản phẩm hoặc bán sản phẩm dưới giá thành và không có khả năng trả nợ NH. Nhưng, nếu có sự điều chỉnh chính sách linh hoạt, lãi suất NH ổn định, dòng tiền được hướng vào các phân khúc có tính thanh khoản thì thị trường sẽ sớm phục hồi. Thị trường BĐS không chỉ tạo cơ sở vật chất cho xã hội, tăng thu cho ngân sách, mà còn tạo việc làm, thúc đẩy nhiều ngành khác phát triển. Chấn chỉnh không để thị trường BĐS là yếu tố gây ra lạm phát cao, kiểm soát dòng vốn để chống đầu cơ nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường, gây tác động xấu lan truyền đến đời sống xã hội.
Theo Hà Nội Mới