‘Cân đong’ rủi ro hậu sáp nhập ngân hàng

Thứ năm, 15/03/2012, 09:37
Khi thực hiện sáp nhập ngân hàng, vậy các rủi ro nào ngân hàng phải đối mặt và cần xử lý như thế nào?


 

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong cuộc trao đổi giữa báo chí với hai ông Lim Eng Hong, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Advisory Pte. Ltd., kiêm Giám đốc khối Quản trị Rủi ro Dịch vụ Tài chính của Ernst & Young tại khu vực Đông Nam Á và ông Hubert Knapp, Giám đốc điều hành, Dịch vụ Tư vấn Tài chính của Ernst & Young tại Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, việc Việt Nam hạ trần lãi suất sẽ gây khó khăn hơn về thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lim Eng Hong: Tôi nhất trí với quan điểm rủi ro thanh khoản là một trong những rủi ro lớn nhất với ngân hàng thương mại và vai trò của nó ngày càng quan trọng thời gian gần đây. Đó cũng là lý do tại sao từ Basel II người ta đang tính đến những yêu cầu cao hơn về rủi ro thanh khoản, về tỷ lệ an toàn vốn lớn hơn trong Basel III.

Với Thái Lan, Malaysia, vấn đề của ngân hàng là làm sao huy động được vốn rẻ. Nếu thanh khoản gặp khó khăn, họ không huy động được vốn thì phải đóng cửa, sáp nhập. Theo tôi, các ngân hàng nhỏ Việt Nam cũng phải theo xu hướng sáp nhập để giải quyết bài toán thanh khoản này.

Ông Hubert Knapp: Tôi nghĩ rằng, bài toán thanh khoản phụ thuộc chặt chẽ vào niềm tin với ngân hàng nói chung và ngân hàng có vấn đề nói riêng. Nếu ngân hàng duy trì được niềm tin của khách hàng thì khách hàng sẽ gửi tiền tại ngân hàng đó.

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu là do niềm tin bị suy giảm, dẫn tới sự đổ vỡ của Hy Lạp. Nhìn từ khía cạnh khác, ngân hàng nhỏ có thể duy trì niềm tin của khách hàng qua quản lý rủi ro chuyên nghiệp, ví dụ Thụy Sĩ có ngân hàng nhỏ nhưng tìm được thị trường ngách.

Thưa ông, với 4 loại quản trị rủi ro gồm: hối đoái, lãi suất, tín dụng và thanh khoản thì cái nào cần làm trước, cái nào cần làm sau? Tại sao?

Ông Lim Eng Hong: Đối với ngân hàng Việt Nam thì quản trị rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro thanh khoản là ưu tiên hàng đầu vì 70-80% hoạt động tín dụng là cho vay. Rủi ro lãi suất cũng cần thiết nhưng đỡ phức tạp hơn rủi ro hối đoái.

Tỷ giá hối đoái là vấn đề đáng quan tâm trong hệ thống ngân hàng thời gian gần đây. Tỷ giá khá bình ổn, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp duy trì bình ổn.

Theo tôi, khó hết rủi ro tỷ giá vì phụ thuộc nhiều yếu tố vĩ mô khác nhau. Tuy nhiên, các ngân hàng cần có phương án chuẩn bị các mức thay đổi tỷ giá, kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng mình, khắc phục tổn thất như thế nào.

Ông Hubert Knapp: Khi nhìn vào các loại rủi ro cơ bản của ngân hàng như trên thì cần cách nhìn tổng thể, coi đây là khối gắn kết như một cơ thể, không nên tách riêng. Không nên tiếp cận những loại rủi ro này theo hướng cần làm cái nào trước, cái nào sau. Cách tiếp cận đó cũng được nhưng không tốt bằng tiếp cận tổng thể.

Rủi ro hối đoái đáng quan tâm hơn đến các ngân hàng tái cấp vốn bằng USD. Còn các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay chủ yếu cho vay bằng nội tệ nên rủi ro tỷ giá hối đoái không nhiều, nếu tỷ giá tiếp tục bình ổn như hiện nay.

Khi thực hiện sáp nhập ngân hàng, vậy các rủi ro nào ngân hàng phải đối mặt và cần xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Lim Eng Hong: Tôi quan sát thấy ngành ngân hàng Việt Nam có hoạt động sáp nhập khá giống ngành ngân hàng Malaysia trước đây. Thời điểm đó Malaysia có hơn 20 ngân hàng, sau sáp nhập còn 10 ngân hàng và giờ chỉ còn 8 ngân hàng.

Rủi ro sau sáp nhập có hai loại. Với trường hợp bắt buộc sáp nhập thì rủi ro với ngân hàng lớn là xem mình có đủ vốn để đảm nhiệm các hoạt động cho vay, trả nợ hay vấn đề thanh khoản với ngân hàng nhỏ đó. Dĩ nhiên, hoạt động của họ cũng bị ảnh hưởng nếu ngân hàng nhỏ có rủi ro thanh khoản.

Nếu sáp nhập tự nguyện, ngân hàng nhỏ phải xem sức của mình như thế nào, có thể bổ trợ gì cho nhau, ví dụ danh sách khách hàng, bán hàng chéo, tăng doanh thu hay không… Đó là điều mà các ngân hàng sáp nhập cũng như nhà quản lý phải tính đến.

Ông Hubert Knapp: Theo tôi, rủi ro tiềm tàng hậu sáp nhập là làm sao để tích hợp hệ thống để có một hệ thống đồng nhất. Theo kinh nghiệm của tôi, các ngân hàng sau sáp nhập 6 tháng nếu không tìm được tiếng nói chung trong vận hành thì sáp nhập sẽ rủi ro, thất bại lớn.

Thứ hai là rủi ro về nhân sự. Hai nhân sự khi sáp nhập vào nhau thì có vị trí thừa người, có vị trí thiếu. Ngân hàng cần tính toán cho họ cơ hội khác hay cho họ nghỉ, cần tính toán từ đầu. Sáp nhập cần quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.

Thứ ba là rủi ro công nghệ. Ngân hàng này cần xem có tích hợp được với ngân hàng lõi của ngân hàng kia.
 
Rủi ro nữa là truyền thông hậu sáp nhập. Không chỉ nhân viên ngân hàng mà cả khách hàng, công chúng cần hiểu sâu khi sáp nhập, ngân hàng này đang làm gì, đang hoạt động như thế nào. Nếu không rõ, niềm tin giảm sút, dẫn đến khó khăn của hoạt động ngân hàng.

Theo NDHMoney

Các tin cũ hơn