Để đối phó quy định ngừng huy động vàng, một số ngân hàng đang đua huy động vàng lãi suất cao và tìm cách chuyển qua dịch vụ giữ hộ vàng có trả lợi tức
Từ ngày 1-5, các ngân hàng (NH) phải chấm dứt hoàn toàn việc huy động và cho vay vốn bằng vàng theo Thông tư số 11 của NH Nhà nước. Tuy nhiên đến nay, nhiều NH thương mại vẫn tiếp tục tăng huy động vàng với các hình thức khác nhau.
Giữ hộ nhưng… trả lợi tức
Hiện một số NH đang huy động vàng, phát hành chứng chỉ vàng với kỳ hạn tối đa 11 tháng. Trong đó, một số NH chuyển từ huy động vàng sang dịch vụ giữ hộ có trả lợi tức đến 3%/năm nhằm lách quy định của cơ quan quản lý.
Tại Chi nhánh NH TMCP Đông Á trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1- TPHCM một khách hàng vừa gửi 9 lượng vàng cho biết trước đây, chị gửi vàng tiết kiệm với lãi suất khoảng 2%/năm. Nay nhân viên NH “mách” chị chuyển sang dịch vụ giữ hộ vàng. “Lãi suất 3%/năm, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm vàng chỉ còn 0,4%/năm” - khách hàng này cho biết.
Tương tự, từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4-2012, NH TMCP Phương Đông (OCB) phát hành chứng chỉ huy động ghi danh ngắn hạn vàng với kỳ hạn từ 1 tháng đến 11 tháng. Lãi suất cao nhất là 2%/năm, khách hàng không được rút trước hạn. Khi được hỏi về việc ngừng huy động vàng, nhân viên OCB Chi nhánh Bến Thành, quận 1 cho biết lúc đó khách hàng chuyển sang dịch vụ giữ hộ vàng của NH và vẫn được hưởng lợi tức 2%/năm, trả lãi bằng tiền đồng...
Từ đầu năm đến nay, cuộc đua lãi suất huy động vàng tại các NH tăng cao. Mức lãi suất gửi vàng, tham gia chương trình ưu đãi cao nhất tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), NH TMCP Á Châu (ACB) là 3%/năm. Tại NH TMCP Việt Á, lãi suất 3,2% - 3,4%/năm, tùy kỳ hạn và số lượng vàng...
Hiện lãi suất gửi vàng cao nhất ghi nhận được là tại NH TMCP Sài Gòn (SCB). Nhân viên tư vấn của SCB trên đường Phạm Hồng Thái, quận 1 cho biết nếu khách hàng gửi vàng kỳ hạn 1-2 tháng, lãi suất 3,2%/năm; từ 3 tháng đến 364 ngày, lãi suất 3,5%/năm. Ngoài mức lãi suất cố định, khách hàng sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi như trên 50 tuổi được cộng thêm 0,05%/năm, gửi từ 1 lượng đến 10 lượng cộng thêm 0,4%, đáo hạn gửi lại cộng thêm 0,15%... Tổng cộng, lãi suất cao nhất có thể gần 4%/năm.
“Lách” luật
Ngày 29-4-2011, NH Nhà nước ban hành Thông tư số 11 quy định về chấm dứt huy động vốn và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Theo đó, các NH không được cho vay vàng, gửi vàng tại các tổ chức tín dụng khác cũng như thực hiện các nghiệp vụ ủy thác đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng. Việc huy động vàng chỉ được thực hiện đến ngày 1-5-2012 dưới hình thức phát hành chứng chỉ vàng để chi trả vàng theo yêu cầu khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ trả cho khách hàng.
Quy định là vậy nhưng đến nay, hoạt động huy động vàng đang bị biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau. Chị Vân, nhân viên một công ty truyền thông ở quận 1, cho biết chị gửi hơn chục lượng vàng tại một NH với kỳ hạn 1 tháng. Tuy nhiên, trong chứng chỉ vàng của chị, kỳ hạn được ghi tới… 11 tháng. “Chỉ ghi cho có chứ ngày đáo hạn được viết ngay bên cạnh, chị cứ tới rút hoặc gia hạn thêm như bình thường” – một nhân viên NH giải thích khi chị thắc mắc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, với số vàng huy động được, nhiều NH bán lấy tiền đồng bù đắp khó khăn thanh khoản đẩy lãi suất vàng lên cao. Hiện tượng giá vàng đang ổn định quanh mức 44 - 45 triệu đồng/lượng càng giúp các NH “yên tâm” chuyển vàng thành tiền. Trong khi trần lãi suất VNĐ và USD được thiết lập, trần lãi suất vàng vẫn thả nổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chống vàng hóa của Nhà nước.
Theo các chuyên gia, nhu cầu gửi vàng tiết kiệm để bảo toàn tài sản và an toàn là có thật. “Trên thị trường có cung cầu, tất nhiên việc biến tướng để huy động vàng là có thể hiểu được. NH Nhà nước cần thấy được điều này để có chính sách điều hành phù hợp tránh tình trạng các NH phải “lách” bằng các dịch vụ giữ hộ vàng, cho thuê két sắt có thu phí…” - ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), nhận xét.