Sáng 13-3, Sở Công Thương TP Đà Nẵng phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT - Bộ Công Thương) và MobiFone tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Đây là hội thảo được tổ chức tại các thành phố lớn của cả nước nhằm tìm ra các biện pháp, phương tiện để xác định chất lượng hàng hóa góp phần đưa DN làm ăn chân chính phát triển và hướng đến quyền lợi thiết thực của người tiêu dùng (NTD).
Ông Đoàn Quang Đông - đại diện Cục QLCT đã nêu tổng quan về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật. Trong đó, nhấn mạnh các nội dung được bổ sung, sửa đổi, đó là tất cả các bên phải có trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền lợi NTD (DN sản xuất, NTD và các cơ quan thông tấn). Ông Đông nhấn mạnh: Bên thứ 3, tức cơ quan thông tấn báo chí và truyền hình phải có trách nhiệm đối với các vụ việc liên quan.
Ông Đông dẫn chứng: “Trong năm qua, Cục QLCT đã xử lý nhiều cơ quan truyền thông quảng cáo sai sự thật về một số sản phẩm. Đơn cử như một đơn vị đã quảng cáo máy điều hòa, máy lạnh diệt 90% vi khuẩn và tiết kiệm 60% điện năng, nhưng trên thực tế chỉ diệt được 1 loại vi khuẩn, chỉ tiết kiệm điện năng trong điều kiện mở máy liên tục 24/24 và không được mở cửa ra vào thường xuyên”.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục QLCT, nói: “Năm 2009, hạt nêm Knorr được quảng cáo là làm từ thịt thăn và xương ống, nhưng qua công tác kiểm tra chất lượng, thành phần chính của hạt nêm này chỉ gồm có muối và bột ngọt”. Như vậy, cơ quan thông tấn báo chí cũng là những đơn vị có trách nhiệm liên đới khi nguồn thông tin cung cấp không đảm bảo độ chính xác về sản phẩm khiến NTD bị thiệt hại.
Mũ bảo hiểm kém chất lượng tại Đà Nẵng sẽ được xử lý trong thời gian đến. |
Ông Đoàn Quang Đông cũng nêu vấn đề: tại các địa phương cấp xã, phường hoặc tương đương, nếu các chợ không có BQL thì UBND xã sẽ đứng ra chịu trách nhiệm quản lý các chợ trên địa bàn. Trong trường hợp giải quyết ban đầu các vụ việc liên quan đến quyền lợi NTD, thực hiện tuyên truyền, tổ chức cấp các loại cân đối chứng cho các chợ…
NTD cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Câu trả lời cho vấn đề này là ở ý thức tiêu dùng sản phẩm của người dân. Qua các bước chính, NTD có thể khẳng định được chất lượng sản phẩm, đó là: Xác định xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm. Sau khi mua sản phẩm, cần phải có các loại hóa đơn chứng từ phù hợp để làm căn cứ cho cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết nếu phát hiện sai phạm về chất lượng hàng hóa. Thực hiện các hướng dẫn sử dụng sản phẩm theo yêu cầu của nhà sản xuất nhằm duy trì độ bền của các loại sản phẩm. Đã đến lúc phải lên tiếng, tố cáo, tẩy chay các loại sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng, có như thế quyền lợi của NTD mới được bảo vệ, qua đó tạo điều kiện cho các DN chân chính phát triển.
Ông Phạm Đình Thưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) nêu lên một số chế định bảo vệ quyền lợi NTD tại một số nước trên thế giới để tham khảo. Điển hình như tại Đài Loan, nếu sản phẩm bị nghi ngờ kém chất lượng sẽ được đưa đến tổ chức xã hội để kiểm tra nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho NTD. Còn tại Malaysia, các loại mức giá hàng hóa được quy định rõ ràng trên thị trường, nếu cửa hàng hoặc đơn vị kinh doanh bán sai giá sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, ở nước ta các loại hàng hóa như gas, xăng dầu, thuốc…
NTD vẫn không kiểm soát được giá. Đại diện Cty Cổ phần xác thực hàng hóa Việt Nam nêu biện pháp: “Tháng 8-2011, hoạt động thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi NTD đã bắt đầu triển khai các loại tem dán nhãn mác xác thực hàng hóa. Theo đó, các loại tem này sẽ khẳng định chất lượng và giá cả mặt hàng của DN. Đây là loại tem khá hiện đại, có hệ thống bảo mật nên rất khó làm giả. Tín hiệu vui này sẽ trở thành vô nghĩa nếu người dân không tìm hiểu và nhận biết được tác dụng của nó. Vì thế, một lần nữa khẳng định ý thức NTD là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền lợi của chính NTD.
Hưởng ứng Ngày Quyền NTD thế giới 15-3, Đà Nẵng sắp triển khai đưa mũ bảo hiểm chính hiệu ra thị trường bán cho người đi mô-tô, xe máy với giá thấp. Đây là minh chứng cho công tác bảo vệ quyền lợi NTD đã và đang triển khai hiệu quả của thành phố. Hy vọng, trong thời gian đến, nhiều mô hình tương tự sẽ được triển khai để Đà Nẵng trở thành địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD.
Theo CADN