Cân nhắc thời điểm
Tại hội thảo quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ở VN sáng 14.3, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, khẳng định năm 2012 giá điện sẽ được điều chỉnh dần theo giá thị trường vào thời điểm thích hợp, theo hướng dần bù đắp các chi phí thực tế, hợp lý phải bỏ ra để sản xuất, kinh doanh điện, đặc biệt gồm các chi phí còn “treo” lại chưa được tính vào phương án giá điện.
Dẫn lại số liệu từ Bộ Công thương (giá điện bình quân 1.304 đồng/kWh hiện nay chưa tính giá mua bán điện chuyển đổi, giá bán than cho điện vẫn thấp...), Cục Quản lý giá cho rằng giá bán điện hiện chưa phản ánh hết được biến động các chi phí sản xuất kinh doanh điện đầu vào hợp lý.
|
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó TGĐ EVN - cho biết EVN đang tính toán phương án tăng giá điện với mức tăng ít nhất 5%, do áp lực tăng giá đầu vào như giá dầu diezel, giá bán khí cho điện từ 1.1.2012 đã tăng theo lộ trình..., cộng thêm việc giảm bớt sức ép từ các khoản lỗ còn treo lại.
Trước đó, bên lề hành lang Quốc hội tháng 11.2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết giá bán lẻ điện năm 2012 sẽ tăng ở mức trên 10% dưới 15,6%.
|
Ông Vương Ngọc Tuấn - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng - tỏ ra lo ngại Quyết định 24 của Chính phủ quy định nếu chi phí đầu vào tăng 5% thì ngành điện được điều chỉnh tăng tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công thương chấp thuận là sơ hở trong vấn đề quản lý giá. Vì như vậy thì ngành điện có thể tăng giá tối đa lên đến 20%/năm.
Đáp lại, theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương, Quyết định 24 cho phép giá điện tối thiểu được tăng giá 3 tháng/lần, không quá 5% là hợp lý, tránh việc phải thường xuyên điều chỉnh giá điện như các nước, đồng thời không nén giá điện quá lâu, dẫn tới tăng một bước quá lớn gây sốc cho người dân.
Tùy thuộc vào điều kiện khách quan, sức chịu đựng của nền kinh tế, Bộ Tài chính và Bộ Công thương sẽ tính toán điều chỉnh giá điện ở mức hợp lý. Nhưng theo ông Cường, nếu không điều chỉnh, để giá điện quá thấp sẽ làm cho đầu tư vào ngành điện tương lai khó khăn.
Trước câu hỏi giá điện sẽ tăng đến bao giờ mới bù hết các khoản lỗ đang treo lại của EVN, ông Cường cho hay giá điện tới năm 2013 phải theo lộ trình giá thị trường, còn các khoản lỗ của EVN (năm 2010 lỗ 15.000 tỉ đồng chênh lệch tỷ giá, 8.000 tỉ đồng lỗ sản xuất kinh doanh điện) phải có lộ trình, và xin ý kiến Chính phủ. “Nếu giá điện tăng 5%, sẽ làm ảnh hưởng tăng chỉ số giá tiêu dùng 2 vòng là 0,369%”, ông Cường nói.
Phải giảm độc quyền
Đứng từ góc độ người tiêu dùng, theo ông Vương Ngọc Tuấn, lỗ của ngành điện hiện nay do nhiều nguyên nhân như quản lý yếu kém, tổn thất lớn, đầu tư ngoài ngành không hiệu quả. Lỗ của ngành điện không phải do lỗi của người tiêu dùng nên không thể tăng giá điện để bù lỗ.
Đặt lại vấn đề lương lãnh đạo ngành điện còn quá cao, ông Tuấn cho rằng nếu theo cơ chế thị trường, khi kinh doanh khó khăn biện pháp trước hết là cắt giảm tiền lương, mà trước hết là lương của cán bộ lãnh đạo EVN.
Tuy nhiên, ông Đặng Huy Cường cho rằng thông tin giá bán điện luôn minh bạch, được Bộ Công thương kiểm soát dựa trên kết quả kiểm toán EVN. Cụ thể năm 2010, giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN là 1.180 đồng/kWh điện thương phẩm, với giá bán lẻ EVN lỗ 120 đồng/kWh. Riêng năm 2010 sản xuất điện lỗ hơn 10.000 tỉ đồng. “Với các khoản lỗ không phải từ sản xuất kinh doanh điện mà do ngành điện đầu tư ngoài ngành thì chắc chắn không được thu hồi qua giá điện, còn xử lý thế nào sẽ do Chính phủ quyết định”, ông Cường nói.
TS Nguyễn Thị Hiền - chuyên gia kinh tế - đưa ra một thực tế vô lý là người dân đang phải gánh các khoản ngành điện bù chéo cho các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện năng.
Theo bà Hiền, phải xem lại các khoản bù chéo này, vì các ngành này sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài, không thể được hưởng giá thấp.
Gay gắt hơn, ông Vũ Xuân Thuyên, Bộ KH-ĐT, cho rằng Bộ Công thương có đôi lúc “bật đèn xanh” cho EVN được tổn thất điện năng vượt quá quy định của Chính phủ.
Các chuyên gia đều cho rằng phải đẩy nhanh việc tái cơ cấu EVN, giảm độc quyền của tập đoàn này, qua đó giảm chi phí sản xuất để giảm giá điện, đồng thời phải xây dựng cơ chế cung cấp thông tin minh bạch về giá bán buôn, bán lẻ điện...
Theo TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính, việc giá điện chỉ tăng mà không xuống còn một phần do thị trường điện vẫn do EVN độc quyền, nên chi phí sản xuất cũng như giá bán có ý nghĩa quyết định trên thị trường. Điều này dẫn tới chi phí, giá cả EVN đưa ra thế nào, công bố ra sao thì người dân phải theo.
Vì thế, nếu không giảm bớt tỷ trọng của EVN thông qua việc tách các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, rất khó để đảm bảo minh bạch, công bằng thị trường điện và giá điện.
Theo Thanh Niên