Hà Nội và TP HCM nằm cuối bảng năng lực cạnh tranh

Thứ năm, 15/03/2012, 20:17
Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhóm dẫn đầu về năng lực cạnh tranh thuộc về Singapore, HongKong và Tokyo. Hai thành phố lớn của Việt Nam nằm gần cuối bảng.

Kết quả nghiên cứu mới nhất của tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) đã đưa ra danh sách các thành phố có năng lực cạnh tranh toàn cầu cao nhất. Theo đó, các “siêu thành phố” như New York, London, Singapore, Paris, Hong Kong, Tokyo, Zurich, Washington, Chicago, Boston giữ các vị trí dẫn đầu với tầm ảnh hưởng lớn và đóng góp quan trọng cho GDP toàn cầu.

Bất chấp những lo ngại về cơ sở hạ tầng lâu đời và thâm hụt ngân sách, các thành phố này vẫn là trung tâm thu hút vốn đầu tư, doanh nghiệp, nhân tài và khách du lịch. Lợi thế lớn nhất của các thành phố tại các nước phát triển là khả năng thu hút và phát triển nhân tài. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục chất lượng cao và tư duy kinh doanh của người dân cũng đem lại sức hấp dẫn lớn cho các thành phố tại Mỹ và châu Âu.

 

Thành phố Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, các thành phố nhỏ hơn ở tại các nước đang phát triển cũng chiếm những vị trí cao về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điển hình là Ahmedabad (Ấn Độ) và Thiên Tân (Trung Quốc) với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức hai con số.

Bảng xếp hạng cũng cho thấy sự thống trị của kinh tế các thành phố châu Á với 15 trên tổng số 20 thành phố dẫn đầu.

Có mặt trong danh sách này, thủ đô Hà Nội và TPHCM của Việt Nam đều xếp ở vị trí cuối bảng. Cụ thể, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 104 với mức điểm 38,8/100 điểm, còn TP HCM đứng ở vị trí 109 với 36,5 điểm.

Trong bảng xếp hạng 44 thành phố tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhóm dẫn đầu về năng lực cạnh tranh gồm Singapore, Hong Kong và Tokyo. Hai thành phố của Việt Nam cũng nằm cuối bảng, Hà Nội đứng thứ 36 còn thành phố Hồ Chí Minh giữ vị trí thứ 39.

Tuy vậy, Hà Nội vẫn nhận được những đánh giá tích cực về tiêu chí sức mạnh kinh tế và lọt vào nhóm 30 thành phố hàng đầu thế giới về GDP và tốc độ tăng trưởng.
 

Nghiên cứu dựa trên các yếu tố sức mạnh kinh tế, vốn hữu hình, mức độ phát triển của thị trường tài chính, tính hiệu quả của các thể chế, đặc trưng về xã hội, văn hóa, nguồn nhân lực, rủi ro về tự nhiên môi trường, và sức hấp dẫn toàn cầu của 120 thành phố quan trọng nhất thế giới. Đây đều là những đô thị trên 1 triệu dân và có GDP năm 2008 từ 20 tỷ USD trở lên. Tổng sản lượng kinh tế mà các đô thị này tạo ra năm 2011 đạt 20.200 tỷ USD vào, tương đương 29% tổng GDP toàn cầu.

Theo Vnexpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích