Báo cáo của IIF cho biết trao đổi thương mại gia tăng giữa Mỹ Latinh và Trung Quốc đã giúp khu vực này ổn định kinh tế nhờ đa dạng hóa bạn hàng thương mại. Tuy nhiên, chính sự phụ thuộc vào trao đổi thương mại với Bắc Kinh đã buộc các quốc gia Mỹ Latinh phải có những biện pháp phòng ngừa trong trường hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại.
Trung Quốc hồi tuần trước đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này năm 2012 xuống 7,5%, so với 9,2% trong năm 2011. Để tránh bị tác động tiêu cực bởi tình hình này, IIF khuyến cáo các nước Mỹ Latinh phải bảo đảm tính cạnh tranh của khu vực sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách giáo dục, mềm dẻo hơn đối với thị trường lao động và giảm thâm hụt ngân sách.
Theo IIF, do có xu hướng mở cửa thương mại quốc tế để bù đắp thị trường trong nước bé nhỏ, nên các nước nhỏ và vừa như Uruguay, Chilê và Pêru sẽ bị tác động rõ rệt trước việc tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại. Ngược lại, các nước lớn như Braxin và Áchentina, nơi thị trường nội địa phát triển và có vai trò thúc đẩy kinh tế quốc dân, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Mêhicô là một trong những trường hợp ngoại lệ về sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc tại Mỹ Latinh vì phần lớn xuất khẩu lại nhằm vào thị trường Mỹ. Theo các nhà phân tích, cơn khát của Bắc Kinh về nông sản, nhiên liệu và kim loại - các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ Latinh - đã giúp khu vực này ứng phó tốt hơn với những biến động kinh tế, tài chính quốc tế hiện nay so với một số khu vực khác và so với những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trước đây. Chính sự trùng lặp lợi ích này khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số một của Braxin, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 77,103 tỷ USD. Không chỉ là thị trường xuất khẩu, Bắc Kinh còn là nhà đầu tư quan trọng của Mỹ Latinh. Theo cơ quan nghiên cứu Đối thoại liên Mỹ (Mỹ), năm 2010 Trung Quốc đã cho các nước Mỹ Latinh vay 37 tỷ USD, nhiều hơn con số 30 tỷ USD do Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển liên Mỹ (BID) và Ngân hàng xuất-nhập khẩu của Mỹ cấp cho khu vực này.
Tín dụng của Trung Quốc giữ vai trò quan trọng đặc biệt đối với Vênêxuêla và Êcuađo trong bối cảnh hai quốc gia theo đường lối cánh tả này gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng của các thể chế tài chính đa phương do có những tranh chấp với những tổ chức này. Vì vậy, một khi kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, Mỹ Latinh có thể mất nguồn cung cấp vốn khó có thể bỏ qua.
Theo vinacorp