Hàng Việt vào châu Âu vẫn lắm chông gai

Chủ nhật, 25/03/2012, 06:54
Trong vòng 11 năm (từ năm 2000 đến năm 2011), kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng 5,9 lần, từ mức 4,1 tỷ USD (năm 2000) lên 24,29 tỷ USD (năm 2010). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 5,9 lần lên 16,5 tỷ USD và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 5,9 lần lên 7,74 tỷ USD. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu vào thị trường này.

 

Những năm gần đây chính sách của EU đối với Việt Nam dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn kém ưu đãi hơn so với các nước ACP (châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương) và các nước chậm phát triển. Đồng thời, EU vẫn đang cố gắng duy trì chính sách bảo hộ sản xuất nội khối. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và tính cạnh tranh cao. 

Theo ông Trần Hữu Liệu, Trưởng phòng kế hoạch, xuất nhập khẩu Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi, hiện Công ty đang xuất khẩu sang các nước châu Âu như Đức, Anh, Pháp với doanh thu khoảng 5 triệu USD/năm, những mặt hàng chính như áo sơ mi, quần jean, kaki, quần tây...

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2011 và đầu 2012 công ty đã rất khó khăn, bởi đôi khi nhận đơn hàng và sản xuất rồi nhưng sau đó bị xóa bỏ hoặc là khách hàng lại yêu cầu thay đổi mẫu mã. Công ty cũng đã cố gắng giảm giá đơn hàng, rút ngắn thời hạn giao hàng nhưng việc tìm kiếm đơn hàng cũng rất khó. Ông Liệu cho biết thêm, lợi thế nhân công giá rẻ đã qua đi rồi, ưu đãi của châu Âu cũng không còn, do vậy doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt. Mặc dù tay nghề của Việt Nam được các nước đánh giá cao hơn các nước trong khu vực.
 


Trước những thắc mắc của phía doanh nghiệp về rào cản khi đưa hàng hóa vào thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – Bộ Công thương cho rằng, hàng hóa khi đã vào EU thì được lưu thông trên toàn bộ 27 nước. Trong khi đó, thị hiếu, phong cách tiêu dùng, ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh của mỗi nước, mỗi vùng, lại khác nhau nên việc tạo ra một sản phẩm phải thích ứng với cả 27 nước là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Vì vậy ông Quân lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường EU phải thích ứng với thị hiếu tiêu dùng mới của EU. Phải nâng cao chất lượng sản phẩm vì EU là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe. Bên cạnh đó, hình thức kinh doanh sản phẩm tại EU chủ yếu đang phát triển theo chuỗi nên doanh nghiệp cần xâm nhập được vào các chuỗi phân phối của EU và đặc biệt là các doanh nghiệp không nên kinh doanh theo hướng ngắn hạn hoặc gian lận.

Ngoài ra, khi xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý đến thị hiếu, phong cách tiêu dùng, ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh của mỗi nước, mỗi vùng, đặc biệt là những quy định kỹ thuật khắt khe đối với sản phẩm với mục đích là bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,...

Cũng do khủng hoảng tại EU, nên các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào EU cần kiểm tra kỹ đối tác, nhất là về khả năng thanh toán và tài chính của đối tác. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu vào EU đã gặp tình trạng bị đối tác trả chậm tiền hàng, thậm chí đã xuất hàng sau đó đối tác tuyên bố phá sản. Khi khủng hoảng thì chủ nghĩa bảo hộ sẽ gia tăng và EU đang cố gắng duy trì chính sách bảo hộ sản xuất nội khối. Vì vậy, việc tăng trưởng xuất khẩu quá nhanh vào đây có thể đưa đến việc EU sẽ tiến hành các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng trực tiếp vào các siêu thị lớn của châu Âu, và thường xuyến cập nhật thông tin về thị trường châu Âu trên trang web của Bộ Công thương.

Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn