Chỉ Thủ tướng mới có thể quyết định việc sáp nhập Vina - Mobi

Thứ ba, 27/03/2012, 10:25
Thông tin sáp nhập hai thương hiệu lớn của thị trường viễn thông là Vinaphone và MobiFone đang là tâm điểm chú ý của dư luận.


> Sáp nhập MobiFone-VinaPhone vướng Luật Cạnh tranh
> Sáp nhập 2 mạng di động: Người của VinaPhone và MobiFone nói gì?
> Nếu hai "đại gia fone" sáp nhập: Có gì ẫm ĩ!
> Sáp nhập VinaPhone và MobiFone: Chỉ là mong muốn của VNPT
> Bộ chưa đồng tình việc sáp nhập VinaPhone và MobiFone> Sáp nhập MobiFone và Vinaphone


Từ năm ngoái đến nay, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp được coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Đi kèm với tái cấu trúc là các hoạt động như cổ phần hóa, mua bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể… Những hoạt động này đều liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu vốn và là hình thức tập trung kinh tế nhìn từ góc độ của pháp luật cạnh tranh.
 

VNPT đề xuất sáp nhập Vinaphone và MobiFone chỉ là việc một công ty mẹ sáp nhập hai công ty con


Đơn cử như đề xuất của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), sáp nhập Vinaphone và MobiFone, điều này sẽ dẫn tới việc tạo ra một mạng di động chiếm 55% thị phần trên thị trường viễn thông. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sáp nhập, tạo ra một doanh nghiệp chiếm thị phần trên 50% là vi phạm Luật Cạnh tranh.

Tại cuộc họp về chính sách cạnh tranh và tái cấu trúc doanh nghiệp do Bộ Công thương tổ chức ngày 23/3, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và ông Vũ Bá Phú, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, hai Bộ chưa nhận được văn bản kèm theo phương án tái cấu trúc VNPT, trong đó có đề xuất sáp nhập hai thương hiệu nói trên. Bởi vậy, hai Bộ này chưa có ý kiến chính thức.

Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú phân tích, theo Điều 18 Luật Cạnh tranh, nếu thị phần của các doanh nghiệp tập trung kinh tế chiếm trên 50% thì bị cấm. Nhưng Luật Cạnh tranh cũng quy định 2 trường hợp miễn trừ tại Điều 19: (1) khi một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản; (2) việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế xã hội, tiến bộ kỹ thuật công nghệ. Như vậy, nếu muốn sáp nhập Vinaphone và MobiFone, VNPT có thể làm thủ tục miễn trừ theo khoản 2 Điều 19 Luật Cạnh tranh.

“Trong trường hợp này, thẩm quyền phê duyệt là cấp Thủ tướng Chính phủ. Thực tế tại nhiều nước, khi tái cấu trúc không thể tránh khỏi liên quan tới pháp luật cạnh tranh. Vấn đề là làm sao hài hòa giữa chính sách tái cấu trúc và chính sách cạnh tranh”, ông Vũ Bá Phú nói.

Trong khi đó, nhìn nhận về hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, việc tồn tại hai mạng di động đều sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho hai hạ tầng mạng rõ ràng là lãng phí. Xét cho cùng, Vinaphone và MobiFone chỉ là hai thương hiệu cung cấp cho khách hàng của VNPT, thống nhất hai mạng thành một trục sẽ giúp nguồn vốn sử dụng hiệu quả hơn, thống nhất hơn. Hơn nữa, dù duy trì hai thương hiệu Vinaphone và MobiFone thì vẫn do VNPT chi phối. Về vấn đề cạnh tranh, chống độc quyền, thị phần không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá. Luật Cạnh tranh cũng không cấm việc một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường, vấn đề là tổ chức thị trường sao cho các doanh nghiệp khác có thể tham gia và cạnh tranh được. Như vậy, nhìn về góc độ luật pháp và mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách, triển vọng của thương vụ sáp nhập Vinaphone và MobiFone là có thể xảy ra.

Ở góc độ chuyên gia, giáo sư Akinori Uesugi, nguyên Tổng thư ký của Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản (JFTC) - cơ quan quản lý cạnh tranh của Nhật Bản tương đương Cục Quản lý cạnh tranh của Việt Nam nhận xét, việc VNPT sáp nhập Vinaphone và MobiFone chỉ là việc một công ty mẹ sáp nhập hai công ty con và xét cho cùng, nếu không sáp nhập thì VNPT vẫn đang chiếm thị phần chi phối 55%.

Giáo sư Uesugi chia sẻ, tại Nhật Bản, việc sáp nhập hai công ty con của một doanh nghiệp thì dù thị phần sau sáp nhập chiếm trên 50% cũng không bị cấm. Tuy nhiên, công ty mẹ sẽ phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động cạnh trạnh và nộp cho JFTC. Việc sáp nhập có thể không phải là vấn đề, vấn đề là phải giám sát thị trường cũng như hoạt động của doanh nghiệp sau sáp nhập.

Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan được giao nhiệm vụ tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo cơ hội kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Cơ quan này có nhiệm vụ điều tra và xử lý các vụ cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, một cách thức khác vừa đảm bảo thị trường cạnh tranh, vừa đảm bảo minh bạch ở nhiều góc độ, đó là tái cấu trúc gắn liền với cổ phần hóa và niêm yết DN. “Cổ phần hóa và sau đó là niêm yết sẽ tăng cường tính minh bạch về giá cả, lỗ lãi, bởi doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của TTCK. Khi đó, không chỉ Bộ Tài chính, Cục Quản lý cạnh tranh, mà còn nhiều nhà đầu tư, tổ chức tham gia vào kiểm tra, giám sát hoạt động DN”, ông Đặng Quyết Tiến nói.

Vinaphone và MobiFone có sáp nhập với nhau không sẽ phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành. Dư luận thì vẫn luôn nhớ vấn đề cổ phần hóa MobiFone được nhắc đều nhiều năm trước đây, song đến giờ vẫn chưa được hiện thực hóa.

 

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn