Tin liên quan
>> "Cò đất" thời bất động sản đóng băng
>> Cò đất đổi nghề để mưu sinh
Chết mòn
Bắt đầu từ khoảng tháng 3/2011, thị trường địa ốc rơi vào khủng hoảng, nhiều công ty và sàn giao dịch đóng băng khiến "cò" bất động sản điêu đứng. Một bộ phận đông đảo những người làm nghề môi giới trong lĩnh vực này đã bỏ nghề và chuyển sang nghề khác vì "nỗi lo cơm áo" đè nặng. Có người chuyển sang chứng khoán, kinh doanh, buôn bán bi đát quá số khác còn đi bán trà đá, rửa xe, làm xe ôm...để kiếm sống trụ vững trong "bão" chờ thị trường hửng nắng.
Trong cơn bĩ cực của thị trường Bất động sản, đa phần giới "cò" bất động sản đang phải chịu chết dần, chết mòn thậm chí có người mua, người bán tức là vẫn có giao dịch nhưng cũng trắng tay.
Sàn giao dịch đóng cửa hơn 2 tháng nay, anh Nguyễn Đình Hưng (233 Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hà Nội) cùng gia đình đang phải vận lộn với nỗi lo cơm áo khi khoản thu nhập chính của gia đình nay đã trở về con số 0. Chỉ với việc buôn nước bọt, dắt mối mà thu nhập mỗi tháng của anh Hưng khoảng từ 40 - 60 triệu/tháng nuôi cả một gia đình 5 miệng ăn. Công việc nhàn hạ lại thu nhập cao nên vợ anh Hưng chỉ ở nhà lo nội trợ, nhà cửa.
Vì là làm ăn chia nên thu nhập khá cao. Thông thường mỗi lần dắt mối anh có thể kiếm được đến cả chục triệu ngay tức thì tùy theo giá trị của hợp đồng. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian điêu đứng vì bất động sản đóng băng, tiền tích lũy của gia đình cũng đã tiêu hết, hoàn cảnh ngày lại khó khăn hơn. Nếu như anh Hưng không kiếm ra tiền thì có lẽ "cả nhà sẽ chết đói". Anh Hưng thật thà chia sẻ "cả gia đình trông hết vào khoản tiền lương và thưởng của tôi, nay nghề đã mất chẳng biết sống dựa vào đâu nữa".
Anh còn cho biết, từ đầu năm đến nay anh đã nộp hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng vẫn chưa nơi nào nhận, vì khốn khó nên vợ đã đi bán hàng rong bên đường Xuân Thủy nhằm kiếm chút đồng ra đồng vào, lo chi tiêu trong gia đình. Anh Hưng buồn bã tâm sự "nếu không xin được việc mới thì cả gia đình chết đói đến nơi rồi". Mọi chi tiêu từ tiền đi chợ, mua sắm các vật dụng nhỏ nhất, tiền học cho con, tiền đi chùa của mẹ...đều từ khoản thu nhập đó. Làm ăn thịnh vượng, anh Hưng đảm đang tốt điều đó. Nhưng đến nay công việc đổ bể lại chưa tìm được việc mới nên anh Hưng cùng gia đình chỉ biết "cắn răng" đếm từng ngày và cầu trời cơn bão khủng hoảng mau qua đi.
Nghề "buôn nước bọt" về thông tin nhà đất đang chết mòn (ảnh minh họa) |
Khác với anh Hưng, anh Vũ văn Khánh, một "cò" bất động sản chính hiệu, gọi lịch sự anh là nhân viên phụ trách bất động sản của tập đoàn MV Building (Đồng Bông, Dịch Vọng Hậu, Hà Nội) lâm vào hoàn cảnh bị vợ "cho ra rìa" khi không "cá kiếm" được nữa. Đã vậy, lại suốt ngày ở nhà khiến vợ anh ngao ngán. Là một nhân viên năng động có thâm niên 5 năm trong nghề, khéo léo dắt mối kí hợp đồng nên thu nhập của anh khá cao từ 20 - 25 triệu/tháng.
Tuy nhiên, nghề buôn nước bọt hưởng lợi không còn chỗ đứng nữa, hiện giờ anh đang phải nghỉ việc ở nhà "ngồi chơi xơi nước" ăn nhờ vợ con vì địa ốc chẳng ai nhòm ngó mà có cố giao dịch thì vẫn trắng tay. Lâu nay anh bị vợ la nhiều vì không kiếm được ra tiền mà còn ăn nhờ vợ con suốt 5 tháng nay. Không khí gia đình lúc nào cũng u ám, nặng nề. Anh Khánh tâm sự "là trụ cột trong gia đình nay lại đi ăn bám vợ, nhục không tả được ".
Anh Khánh cho biết, anh mở quán tạp hóa nhỏ để bán hàng chỉ giúp cả gia đình không "chết" thôi vì anh vẫn còn rất yêu nghề và muốn hoạt động đúng với chuyên ngành của mình.
"Sống mòn" để hi vọng
Dạo qua khu phố Lê Văn Lương, Cầu Giấy, Trung Hòa...có đến 60% các sàn giao dịch đóng cửa, thậm chí có một số sàn giao dịch đóng cửa đã nửa năm. Số còn lại hoạt động thoi thóp, giới "cò" địa ốc lương thấp, làm không đủ ăn cũng ngao ngán muốn chuyển nghề.
Từ cuối năm ngoái, khi các dự án Bất động sản rớt giá thê thảm, các dự án nhà chung cư, từ căn hộ cao cấp đến bình dần đều "ế" thì giới "cò" địa ốc bắt đầu "sống mòn". Ngày trước thu nhập của giới cò bất động sản được xếp vào hàng những nghề có thu nhập cao ở Việt Nam lại nhàn hạ. Thông thường, sau mỗi hợp đồng, giới cò bất động sản nhận được số phần trăm hoa hồng lớn tùy theo giá trị của hợp đồng. Đến nay, khi không thể chịu được nữa thì đành phải chuyển nghề mới. Dù là xe ôm hay bán trà đá, rửa xe thậm chí phụ vợ bán xôi... cò địa ốc cũng săn sàng "tung cánh" chuyển nghề mưu sinh mới.
Tôi đã vô cùng ngỡ ngàng khi anh Tú, chạy xe ôm trên đường Đê La Thành, Hà Nội đã từng có thâm niên làm nghề môi giới đến hơn chục năm nay. Người ta nói buôn càng to, lỗ càng lớn quả không sai đối với trường hợp của anh Tú. Thay vì mỗi tháng kiếm cả trăm triệu bằng việc dắt mối thì nay anh ngậm ngùi chạy ngoài đường để tối ngao ngán thu về trăm nghìn tiền lẻ.
Trước đây, anh Tú cùng với một số anh em khác mở một công ty chuyên môi giới về bất động sản, tuy nhiên, tại thời điểm này, công ty đã đóng cửa, số tiền kiếm được đành phải trả nợ ngân hàng. Thậm chí, anh còn cắm sổ đỏ nhà đất để trả lãi cho ngân hàng. Đến nay gia đình anh Tú đã trắng tay và anh cũng đi làm xe ôm được hơn 3 tháng. Anh Tú thở dài "cái nghề này cũng bạc lắm, có lúc kiếm bội nhưng sau đó lại nần mãi không ra một đồng".
Phần đông giới đầu tư, kinh doanh bất động sản đều có tư thế "sống mòn" để chờ thị trường nóng trở lại. Giới môi giới địa ốc bây giờ chỉ biết chờ đợi đến ngày thị trường bớt khó khăn để được quay lại với nghề "kiếm cơm" của mình. Chính phủ cũng như các ngân hàng đã có những chính sách hỗ trợ nhất định để "khởi động" lại thị trường. Việc phục hồi thị trường có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hưng nói rằng "cũng chỉ biết chờ đợi thôi chứ những người môi giới như chúng tôi cũng không thể làm được gì hơn". Giờ đây, chờ đợi và chuyển nghề tạm thời được xem là "liều thuốc" hữu hiệu nhất để "cò" bất động sản vực dậy thị trường vào những phiên cuối năm.
Theo VEF