NHNN ‘hối hả’ hút tiền về, bao giờ lãi suất thực sự giảm?

Thứ ba, 03/04/2012, 08:33
Khi thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt lên, lạm phát kỳ vọng thấp dần, thì cũng là lúc thị trường tự hỏi, bao giờ lãi suất giảm mạnh?


NHNN hút gần 30.000 tỷ đồng từ tín phiếu

Kể từ ngày 15/3, thị trường mở (OMO) triển khai nghiệp vụ phát hành tín phiếu và cũng là thời điểm đánh dấu hoạt động hút tiền liên tục của Ngân hàng Nhà nước.

Theo dữ liệu của Reuters và tính toán của NDHMoney, trong tuần cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước phát hành 14.346 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn từ 28, 91 và 182 ngày.
 

NHNN hút gần 30.000 tỷ đồng từ tín phiếu


Còn theo thống kê từ ngày 15-30/3, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu hút về tổng cộng 29.410 tỷ đồng, trong đó hút 12.495 tỷ đồng từ phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, 8.198 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày và 8.717 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 182 ngày.

Lãi suất tín phiếu được ấn định 11,5%, 12% và 12,5%/năm, tương ứng với kỳ hạn 28, 91 và 182 ngày.

Việc phát hành tín phiếu dưới dạng bán hẳn này cho thấy lượng vốn khả dụng của nhiều ngân hàng thương mại đang rất dư dả, thể hiện thanh khoản của nhiều nhà băng đang rất tốt.

Cũng từ ngày bắt đầu phát hành tín phiếu, nghiệp vụ cho vay Repo kỳ hạn 14 ngày đã bỏ hẳn và chỉ để kỳ hạn cho vay 7 ngày. Tuy nhiên, mỗi ngày Ngân hàng Nhà nước chỉ bơm ra nhiều nhất là 1.000 tỷ đồng, thấp nhất là trên 600 tỷ đồng, trong khi lượng tiền hút về mỗi tuần qua Repo cũng tương ứng lượng tiền bơm ra. Chính vì thế, động thái phát hành tín phiếu mới là “chỉ báo” về trạng thái trên thị trường mở.


Khi ngân hàng cho nhau vay vốn giá rẻ, lạm phát hạ nhiệt nhanh…

Liên tục trong nhiều ngày gần đây, trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng cho nhau vay một lượng vốn rất lớn với lãi suất khoảng 10%/năm, thậm chí dưới 10%/năm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong 3 ngày giao dịch từ 23-27/3, các ngân hàng cho nhau vay qua đêm tổng cộng 54.399 tỷ đồng với lãi suất từ 10,1-10,28%/năm. Tương tự, họ cho nhau vay 43.075 tỷ đồng kỳ hạn 1-2 tuần với lãi suất từ 8,67% - 10,07%/năm. Các kỳ hạn dài hơn cũng không quá 14%/năm.

Tính đến cuối tuần qua, lãi suất qua đêm khoảng 8%-9%/năm; 1 tuần khoảng 9%-10%/năm; 2 tuần trên 10%/năm.

Có thể thấy, thanh khoản của ngân hàng khỏe đang thực sự rõ nét thông qua những gì họ đang thể hiện. Trong khi hiện tượng lách trần lãi suất được thông tin là có xảy ra, nhưng vẫn là hiện tượng của ngân hàng nhỏ, yếu kém với tỷ trọng không đáng kể trong toàn hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, diễn ra ngày 1/4/2012, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, trên thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, thanh khoản của các ngân hàng được giải quyết một bước căn bản, thanh khoản đối với nền kinh tế tuy còn nhiều khó khăn nhưng cũng có những bước cải thiện, lãi suất liên ngân hàng đều đã giảm. Tuy nhiên, đánh giá của thành viên Chính phủ cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2012 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khi đạt khoảng 4%. Lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn còn khó khăn.

Đáng chú ý là tăng trưởng tín dụng đến 20/3 giảm 2,13%, một diễn biến rất bất thường so với nhiều năm trước, đã ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể lên tới trên 2.200 và ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế là 9.700.

Theo nhận định của JP Morgan, nếu như lạm phát tiếp tục đà giảm tốc như hiện nay và Chính phủ Việt Nam không tiếp tục cho giảm trần lãi suất quá nhanh, thì lãi suất có thể sẽ thực dương trong tháng 4/2012.

Thực tế cho thấy, lạm phát trong tháng 3/2012 đã giảm tốc khi chỉ tăng 14,15% so với cùng kỳ, từ mức 16,44% trong tháng 2. Cho dù lạm phát tháng 4 được xem là khó dự báo, và trong điều kiện không tăng giá điện, thì theo NDHMoney, lạm phát có thể về 1 con số trong tháng 5 (65% khả năng) hoặc tháng 6/2012.

Những diễn biến trên cho thấy, những điều kiện để giảm lãi suất (thanh khoản tốt lên, lạm phát hạ nhiệt) đang rộng mở hơn.

Trong bối cảnh việc giảm lãi suất lại là nhân tố cấp thiết với sự tồn vong và phát triển của nhiều doanh nghiệp nói riêng và để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung, thì điều thị trường đang chờ đợi ở Ngân hàng Nhà nước là việc “điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất linh hoạt, phù hợp với yêu cầu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng tín dụng, giải quyết thanh khoản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, mà Chính phủ đã giao.

Bởi nếu lãi suất không sớm giảm mạnh, thì dù đến lúc có vốn rẻ, doanh nghiệp cũng đã kiệt sức…


Theo NDHMoney

Các tin cũ hơn