Các nhà lãnh đạo cũng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro

Thứ hai, 21/11/2011, 09:07
SaigonNews - José Luis Zapatero dự kiến sẽ “bước xuống” sau khi cuộc bầu cử quốc hội kết thúc. Giống như ông, các nhà lãnh đạo chính trị khác cũng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ, đã buộc phải rời khỏi chiếc ghế của mình.


 

José Luis Zapatero – Đứng đầu của Đảng Xã hội cầm quyền hơn bảy năm qua tại Tây Ban Nha, ông Zapatero đang gây thất vọng lớn trong dân chúng bởi nền kinh tế đang chìm vào suy thoái và mất dần tín nhiệm tài chính trên thị trường. Áp lực ngày càng gia tăng từ sự phẫn nộ của hàng nghìn người dân, tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 22%, và từ các tổ chức xếp hạng tín dụng thế giới; cuộc bầu cử Quốc hội đã được tổ chức sớm so với dự kiến là tháng 3 năm 2012. Với chiến thắng áp đảo của Đảng Nhân dân đối lập.Vị thủ tướng tương lai thay thế cho ông Zapatero được kỳ vọng lớn sẽ mang lại những cải cách cần thiết và tạo được nhiều việc làm hơn nữa.
 


 

Brian Cowen – Đây là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng tiền chung. Ông đã rời khỏi chính trường Ireland sau một nhiệm kỳ thủ tướng đầy tai tiếng với nền kinh tế suy sụp từng được coi là "Con hổ vùng Celtic."

Cuộc bầu cử tiếp đó đã cản trở lộ trình chính trị nước này khi cử tri chỉ trích kịch liệt Đảng cầm quyền của Thủ tướng Cowen, ba tháng sau khi đảng này đề nghị Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cấp gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro. Nhưng với chiến thắng áp đảo, Đảng Fine Gael đã hứa sẽ đàm phán lại các gói cứu trợ này.



 

José Socrates - Thủ tướng Bồ Đào Nha, ông José Socrates đã từ chức vào tháng 3/2011 sau khi bị Quốc hội từ chối kế hoạch thắt lưng buộc bụng thứ tư trong chưa đầy một năm, dự kiến sẽ tái thiết tài chính công của đất nước. Với 28% số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội vào đầu tháng 6/2011, Đảng Xã hội của ông cũng đã phải chịu thất bại.

Thay vào đó, Đảng Trung hữu Dân chủ xã hội lên cầm quyền với nhà lãnh đạo mới là Thủ tướng Pedro Passos Coelho. Trong mùa hè, chính phủ mới đã thông qua một kế hoạch thắt lưng buộc bụng còn "nhiều tham vọng hơn". Bồ Đào Nha cũng vẫn yêu cầu hỗ trợ quốc tế trong thời gian qua.

 

 


 

 

Iveta Radicova - Trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Slovakia, bà Iveta Radicova đứng đầu một liên minh trung hữu có quan điểm rộng rãi và có kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách quốc gia từ gần 7% GDP trong năm 2009 xuống dưới 2% vào năm 2014.  Chính phủ mới của bà cũng thể hiện quyết tâm của Bratislava sẵn sàng ủng hộ kế hoạch của EU siết chặt các quy định trong Hiệp ước về ổn định và tăng trưởng của tổ chức này.

Nhưng liên minh 4 đảng của chính quyền Thủ tướng Iveta Radicova  đã sụp đổ hôm 12/10 kéo theo kế hoạch tăng quy mô quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) bị thất bại.Slovakia đã trở thành quốc gia đầu tiên không ủng hộ kế hoạch tăng quy mô quỹ EFSF lên 780 tỷ euro để cho phép quỹ này mua trái phiếu chính phủ cũng như cứu trợ ngân hàng.

 


 

George Papandreou - Thủ tướng Hy Lạp đã đồng ý đã  từ chức, mở đường cho việc đàm phán thành lập một chính phủ mới trên cơ sở liên minh của nhiều chính đảng. Theo thỏa thuận đạt được với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 10 vừa qua, Hy Lạp sẽ nhận được 100 tỷ euro tiền cho vay từ Eurozone, được xóa nợ tổng cộng 100 tỷ euro và được nhận các cam kết cho vay trị giá 30 tỷ euro từ các chính phủ thành viên khu vực. Đổi lại, Hy Lạp phải siết chặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" vốn là nguyên nhân làm nổ ra các cuộc biểu tình trên đường phố và bất ổn chính trị khiến chính phủ phải từ chức. Bất ổn chính trị và sự bế tắc trong tiến trình thành lập chính phủ mới cũng đã khiến EU ngừng cấp các khoản vay cho Athens.

Hiện cựu Phó Chủ tịch ngân hàng châu Âu Lucas Papademos đang được nhắc tới như là ứng cử viên số 1 thay thế ông Papandreou.

 


 

Silvio Berlusconi Ông Silvio Berlusconi đã tuyên bố từ chức sau 17 năm chi phối chính trường Italia. Trong suốt thời gian cầm quyền của mình, cựu thủ tướng cũng gặp không ít tai tiếng với hàng loạt bê bối tình ái, kiện tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ông và hình ảnh của Italia. Ông đã bị buộc tội hơn 20 lần và hiện đang đối mặt với 4 phiên tòa khác nhau

Giới phân tích nhận xét rằng chính sự lũng đoạn của Berlusconi trong gần 20 năm qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, chính trị, và văn hóa Italia và nước này sẽ mất nhiều năm để giải quyết hậu quả của chế độ Berlusconi. Chiến lược của ông Monti là tập trung thắt chặt ngân sách, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.Trướcmắt, ông Monti cần phải vượt qua các rào cản chính trị và có đủ thời gian cầm quyền để thực hiện các cải cách của mình nhằm vực dậy một Italia trì trệ sau nhiều năm.

 

Thanh Nga (TH)

Các tin cũ hơn