"Tuýt còi" nhà băng muốn thu phí thẻ

Thứ năm, 12/04/2012, 13:24
Đại diện NHNN cho biết chưa nhận được đề xuất từ Hiệp hội Thẻ về thu phí giao dịch ATM nội mạng, nếu có cũng phải cân nhắc rất cẩn trọng tới tâm lý và tình hình kinh tế xã hội rồi mới quyết định.




Thu thêm phí ATM, các NH có bảo đảm không còn cảnh "ùn tắc" tại các máy ATM?
 

Tận thu nếu thu phí ATM

Anh Trung – cán bộ một công ty xây dựng tại Mỹ Đình (Hà Nội) than, hiện mọi khoản tiền công ty anh đều đang trả qua thẻ, nên mỗi lần đến kỳ lĩnh lương đều phải rút tiền mặt từ ATM để chi tiêu. Anh Trung tính toán: mỗi lần máy ATM chỉ “nhả” tối đa 2.000.000 đồng/lần rút tiền, nếu phải rút 20.000.000 đồng với chi phí 3.300 đồng/giao dịch, thì chỉ riêng rút lương anh Trung đã mất 33.000 đồng.

“Theo khoản tiền này không nhiều, nhưng “có đáng hay không? Cứ nói khuyến khích dùng thẻ, nhưng nếu đến phí nội mạng cũng thu thì tôi xin lĩnh tiền “tươi thóc thật” chứ chẳng tội gì mất tiền oan” – anh Trung bày tỏ.

Cho rằng nếu thu thêm phí ATM nội mạng là ngân hàng (NH) đang “tận thu” từ chủ thẻ, chị Ngọc – kế toán công ty ACB (Đống Đa – Hà Nội) than: NH cứ nói họ lỗ khi đầu tư vào ATM nhưng bản chất giao dịch ATM chỉ là công đoạn cuối cùng của dòng tiền luân chuyển trong hệ thống NH. Khi phát hành thẻ họ cũng thu ít nhất 50.000 đồng/thẻ, thử hỏi với NH có khoảng 8 triệu thẻ thì số tiền đó là bao nhiêu? Còn chưa kể phí duy trì thường niên hàng năm, phí khách hàng rút tiền khác hệ thống, phí chuyển khoản…

“Có lần tôi nộp tiền vào tài khoản của mình ở một chi nhánh khác không phải nơi mở tài khoản, nhưng cùng hệ thống Agribank mà cũng phải đóng phí. Quá phi lý nếu NH kêu lỗ này lỗ nọ để thu thêm phí, khi một loạt phí “trời ơi” đã được NH đưa ra rồi”- chị Ngọc nói.

"NH nói thu thêm phí, nhưng có đảm bảo chắc chắn sẽ không còn cảnh tượng "chết dở sống dở" vì ATM mỗi dịp lễ, Tết? - chị Thu Minh - nhân viên công ty Panasonic đặt câu hỏi.
 

Chưa áp dụng, nhưng thu là tất yếu?!

Bác bỏ thông tin quanh sắp thu phí giao dịch thẻ ATM nội mạng, bà Nguyễn Thu Hà - Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam cho biết, đây là đề xuất của các NH thành viên nhưng để tránh gây “sốc” cho người dân thời điểm hiện tại, Hiệp hội Thẻ chưa xin ý kiến từ NHNN. Tuy nhiên, bà Hà cũng cho biết, sắp tới Hiệp hội sẽ đưa ra một lộ trình cụ thể về thu phí theo yêu cầu của Thống đốc và NHNN là cơ quan cuối cùng quyết định cơ chế thu, mức thu thế nào.

Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, một đại diện NHNN cho biết, NHNN chưa nhận được đề xuất từ Hiệp hội Thẻ, nếu có cũng phải cân nhắc rất cẩn trọng tới tâm lý và tình hình kinh tế xã hội rồi mới quyết định.

Dù cơ quan quản lý lên tiếng là sẽ phải cân nhắc về chuyện thu thêm phí ATM, nhưng hầu hết các NH đang sở hữu lượng thẻ phát hành lớn đều đang “kêu” họ đang lỗ nặng vì chi phí duy trì hệ thống ATM quá lớn, trong khi nguồn thu lại chẳng đáng là bao. “Từ trước tới giờ chúng tôi đều phải lấy nguồn thu từ các lĩnh vực kinh doanh khác để bù lỗ cho đầu tư ATM” – ông Phạm Quang Tùng – Phó tổng giám đốc BIDV lên tiếng.

Bài toán chi phí mỗi tháng cho hệ thống ATM gồm tiền thuê địa điểm, chi phí sửa chữa, bảo trì ATM, chi phí xe chở tiền, lương cho đội ngũ cán bộ tiếp quỹ … được Hiệp hội Thẻ tính toán lên tới vài trăm triệu đồng/năm/ngân hàng.

Trong khi đó, người dân vẫn chưa có thói quen để tiền trong thẻ ATM vì lãi suất không kỳ hạn chẳng được là bao, thêm nữa tâm lý sợ mất tiền oan khiến nhiều người cứ thấy tiền “reo” trong tài khoản là vội vàng rút hết về.

Đại diện NH Vietcombank, đơn vị sở hữu số lượng máy ATM và thẻ lớn thứ 2, khẳng định đơn vị này hiện chưa thu phí nội mạng, mà chỉ thu phí giao dịch chuyển khoản nội mạng 3.300 đồng/giao dịch và phí quản lý tài khoản thẻ là 3.300 đồng/tháng từ đầu tháng 4.

Tương tự, ông Phạm Quang Tùng cũng “kêu” hiện các NH đang “lỗ” nếu tính tới chi phí đầu tư vào hệ thống ATM, và hiện đành phải lấy nguồn thu từ các dịch vụ, lĩnh vực khác để bù đắp cho khoản lỗ này. Tuy nhiên, dù “âm” vốn, nhưng lãnh đạo BIDV cho biết, hiện NH này chưa áp dụng thu phí nội mạng đối với chủ thẻ, song ông Tùng bỏ ngỏ khả năng sẽ tính tới chuyện thu phí nội mạng trong tương lai.

Để đầu tư vào hệ thống máy ATM các NH đã phải bỏ ra số vốn rất lớn (đầu tư máy móc ban đầu, thuê mặt bằng, bảo trì bảo dưỡng hàng tháng…), nhưng sở dĩ trước nay chưa thu phí vì nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Về lâu dài, xu hướng thu phí tất yếu vì các nước trên thế giới đều làm như vậy” – ông Tùng khẳng định.

Và nếu có thu, thì vị lãnh đạo BIDV cho rằng, mức đề xuất thu hiện thời của Hiệp hội Thẻ Việt Nam và các NHTM cũng là mức thấp (dự kiến là 3.000 đồng/giao dịch, chưa bao gồm thuế VAT). Theo tính toán của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, mức thu này so với tổng số thẻ của Việt Nam thì mỗi năm doanh thu từ phí dịch vụ giao dịch ATM chỉ khoảng 200 tỷ đồng, là rất thấp so với vốn đầu tư hệ thống thanh khoản thẻ và máy ATM. “Tuy nhiên, hiện đây mới là đề xuất của các NH và Hiệp hội Thẻ, còn phán quyết cuối cùng vẫn phải chờ ý kiến từ NHNN mới có thể áp dụng hay không”- ông Tùng nói thêm.

Dù phí nội mạng ATM đang được cân nhắc, nhưng các nhà băng cũng “đánh tiếng” rằng, trước sau gì cũng sẽ thu. Hàng triệu chủ thẻ ATM chỉ còn trông chờ vào hy vọng mức thu phí sẽ thấp và thời gian chưa phải đóng phí kéo dài để không phải “oằn mình” thêm nữa khi cuộc sống ngày càng đắt đỏ, và “trăm thứ phí đang trực chờ đổ đầu dân” như bây giờ.


Theo Infonet

Các tin cũ hơn