“Tội” của lãi suất

Thứ năm, 12/04/2012, 10:14
Lãi suất đang bị coi là “thủ phạm” khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động và khiến nền kinh tế tăng trưởng trì trệ.


Tin liên quan
>>NHNN ‘hối hả’ hút tiền về, bao giờ lãi suất thực sự giảm?
>>Lãi suất Việt Nam “khủng” nhất thế giới
>>Giới quan sát bất ngờ trước quyết định hạ lãi suất của Việt Nam


LS đang bị coi là thủ phạm khiến nhiều doanh nghiệp phá sản
Hiện tại, lãi suất đang bị coi là “thủ phạm” khiến gần 12.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong quý đầu năm nay và hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác lâm vào tình trạng khó khăn do không tiếp cận được vốn vay với chi phí hợp lý.

Thực tế thì chưa có một văn bản hay tuyên bố chính thức nào của các cơ quan điều hành như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay Chính phủ khẳng định lãi suất cao là nguyên nhân trực tiếp và lớn nhất dẫn đến tình trạng trên.
 
Tuy nhiên, việc NHNN liên tục ra quyết định hạ lãi suất (bao gồm cả trần lãi suất huy động và các lãi suất điều hành) đồng thời được báo giới đưa tin rầm rộ đã khiến không ít người dân ngộ nhận về tác động của lãi suất đối với nền kinh tế, là nguyên nhân khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, hàng trăm ngàn lao động điêu đứng trong thời gian qua. 
 
Đặt giả thiết tất cả các doanh nghiệp đều dễ dàng vay vốn với mức lãi suất “mơ ước” trong thời điểm này là 14-16%/năm. Khi nguồn vốn dồi dào, doanh nghiệp “rủng rỉnh” tiền mua nguyên liệu đầu vào, hàng sản xuất ra nhiều nhưng không tiêu thụ được, nằm “ứ” lại kho thì tình trạng của các doanh nghiệp thậm chí còn nghiêm trọng hơn bây giờ.
 
Như vậy, yếu tố thực sự dẫn đến tình trạng hoạt động cầm chừng của doanh nghiệp trong thời gian qua là việc đầu ra bị “thắt nút”, nghĩa là hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được vì sức mua của người tiêu dùng đã giảm sút mạnh trong nhiều tháng qua, bất chấp những thông tin lạc quan về nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ. 
 
Còn theo Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thì bất ổn của nền kinh tế trong thời gian nằm ở 3 nguyên nhân: Cải cách kinh tế trong nước không theo kịp sự hội nhập quốc tế, phân bổ vốn đầu tư chưa hợp lý (khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng quá lớn) và quá coi trọng mục tiêu tăng trưởng. 
 
Ngoài ra, không thể không kể đến nguyên nhân đến từ chính nội tại các doanh nghiệp vì nếu doanh nghiệp tốt, có tình hình tài chính lành mạnh thì việc vay vốn với lãi suất thấp (14-16%/năm) là hoàn toàn khả thi, theo tuyên bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. 
 
Như vậy, có thể thấy lãi suất không có “tội” khi doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm chạp như lầm tưởng của nhiều người.


Theo DVT

Các tin cũ hơn