Vay vốn: Đừng thắt quá chặt rồi bung hết cỡ

Thứ năm, 12/04/2012, 09:57
Chính phủ đã hứa và Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố nếu chỉ số giá giảm thì sẽ giảm lãi suất. Lạm phát trong quý 1/2012 liên tục giảm, đến tháng 3 vừa qua xuống còn 14% và dự báo hết 4 này sẽ ở mức 13%, vì vậy không có lý do gì không giảm lãi suất.

 

Tin liên quan
>>Vì sao các ngân hàng "ngại" cho DN nhỏ vay vốn?

 


Ông Cao Sỹ Kiêm.
 

Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa bày tỏ quan điểm về quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Kiêm nhấn mạnh, Việc giảm lãi suất huy động hiện nay là cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay đương nhiên cũng phải giảm. DN hiện nay đang ngày càng khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thiếu vốn, do lãi suất cao không thể vay được, làm cho sản xuất co lại  dẫn đến đình trệ, khả năng phá sản tăng. Vì vậy phải giảm lãi suất giúp cho DN tiếp cận nguồn vốn vay được dễ dàng để thúc đẩy sản xuất phát triển.


- Theo quan sát của ông, lần giảm lãi suất 1% hồi tháng 3 vừa qua có giúp làm cho lãi suất cho vay giảm?

Trên thực tế, đã có 1 số ngân hàng giảm lãi suất cho vay về mức 12% -13% nhưng chưa nhiều và cũng chưa nắm rõ được cơ cấu của số vay này chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng dư nợ nên rất khó nói.

Còn nhìn chung lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Các DN cho tôi biết, lãi suất cho vay bình quân ở mức 18%- 19%. Có nhiều lý do, có thể ngân hàng trước đó huy động với lãi suất cao nên không thể giảm lãi suất cho vay ngay được. Nó cần có độ trễ nhất định. Bên cạnh đó thì vẫn còn hiện tượng một số ngân hàng vẫn huy động vượt trần lãi suất, không chỉ có các ngân hàng yếu thanh khoản huy động vượt trần mà cả những ngân hàng thanh khoản tốt vẫn huy động vượt trần, vậy nên lãi suất cho vay khó giảm được.


- Vậy theo ông  việc hạ trần lãi suất lần này có thực sự đem lại hiệu quả?

Vấn đề quan trọng là giảm lãi suất phải đạt được 2 mục tiêu. Trước hết, huy động tiền gửi từ người dân và các tổ chức không bị giảm như vậy mới có vốn để cho vay. Tiếp đến giảm trần lãi suất phải có tác động đến giảm lãi suất cho vay. Có như vậy mới có hiệu quả.

Lãi suất tiền gửi giảm là điều đáng mừng, nhưng như đã nói, phải làm thế nào để giảm được lãi suất cho vay. Nếu lãi suất huy động giảm mà lãi suất cho vay lại không giảm thì gây ra nhiều thiệt thòi, người gửi tiền cũng thiệt mà người vay cũng thiệt. Bên cạnh đó là các chi phí quản lý ngân hàng  cũng phải cắt giảm cho hợp lý tương ứng, để tạo ra lãi suất cho vay giảm.

Vì lãi suất vẫn còn cao nên chưa cho vay được, hơn nữa,  ngân hàng cũng chọn lọc kỹ khách hàng để cho nên nhiều khách hàng không nằm trong đối tượng được vay. Hiện đang có tình trạng, ngân hàng thanh khoản thừa mà không cho vay được  và ngân hàng thanh khoản yếu cũng không thể cho vay được.

Bên cạnh đó, do thể chế chính sách chặt DN không đủ điều kiện không thể vay được dẫn đến càng xa nguồn vốn ngày cành khó khăn hơn.


- Để giải quyết tình trạng này theo ông phải làm như thế nào?

Như đã nói cần phải giảm lãi suất cho vay giúp các DN tiếp cận được nguồn vốn. Muốn vậy phải đảm bảo không có chuyện huy động tiền gửi vượt trần. Phải hướng nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng vào những khu vực có khả năng tạo ra việc làm, doanh thu và thu nhập, cũng như những khu vực sản xuất kinh doanh có sức lan toả rộng.

Hiện nay do không tiếp cận được vốn, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, sức mua giảm, tồn kho cao nên các DN gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những DN vừa và nhỏ. Vì vậy cần tạo điều kiện cho các DN này tiếp cận nguồn vốn càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó là phải nới cho vay tiêu dùng để tạo đầu ra cho sản xuất.


- Lần này, Ngân hàng Nhà nước mới cũng  nới lỏng cho vay với tiêu dùng và có tới 50% khoản vay BĐS được đưa ra khỏi "không khuyến khích" cho vay, ông nhìn nhận điều này thế nào?

Tôi nghĩ việc nới lỏng cho vay là cần thiết nhưng cần phải chọn lọc không thể bung ra hết. Nếu vậy thì không khác gì chuyện trước đây thắt quá chặt nay lại bung ra hết cỡ, tức là thiếu sự uyển chuyển mà đột ngột từ thái cực này sang thái cực ngược lại như vậy dễ gây ra hệ luỵ là không đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát có thể tăng trở lại.

Lãi suất cho vay mà không giảm, DN sẽ khó tiếp cận vốn. Giảm lãi huy động, người dân không gửi vào ngân hàng cũng không đầu tư vào sản xuất mà lại chạy theo những đầu tư không phù hợp thì còn nguy hiểm hơn.



Theo VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn