Mắc kẹt với những hợp đồng triệu USD

Thứ tư, 11/04/2012, 14:36
Trong khi nhiều DN đang lao đao vì không có hợp đồng để sản xuất kinh doanh thì lại có những DN mặc kẹt với những hợp đồng giá trị lớn. Con số hàng triệu USD cho mỗi hợp đồng khiến ai cũng mơ ước nhưng nếu đối với những DN này đó lại là một món nợ không biết gỡ bằng cách nào.

DN ôm gánh nợ thuế hàng chục tỷ do những con tàu "vô chủ"


Trong bối cảnh kinh tế cả nước đang suy giảm, hàng loạt doanh nghiệp phá sản  hoặc hấp hối, tạm ngưng hoạt động, câu "mỗi nhà mỗi cảnh" thật đúng với những gì đang diễn ra ở các nhà máy đóng tàu và công ty nhập khẩu ô tô chuyên dụng...

Tàu hàng chục triệu USD vô chủ

Mới đây, Công ty TNHH nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (liên doanh giữa Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin cho phép gia hạn thời gian nộp thuế cho vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ cho đơn hàng đóng tàu chưa xuất khẩu được nhưng bị đối tác hủy.

Trước đó, đề xuất  này của DN cũng đã đượcgửi đến Bộ Tài chính nhưng chưa được chấp nhận.

Năm 2011, Hyundai Vinashin đã đóng mới, bàn giao cho các chủ tàu nước ngoài 11 tàu hàng khô có công suất từ 37.000DWT đến 82.000 DWT. Tuy nhiên, có một dự án đã bị chủ tàu hủy hợp đồng khiến công ty này rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở.

Đó là hợp đồng đóng tàu mới trọng tải 56.000DWT có tổng trị giá 42,9 triệu USD ký giữa chủ tàu nước Đức và nhà thầu chính là Công ty Hyundai Mipo Dockyard vào năm 2007. Đây cũng đồng thời là nhà thầu quản lý và điều hành Hyundai Vinashin, có trách nhiệm tìm kiếm và ký kết các hợp đồng. Sau khi ký với chủ tàu Đức, Hyundai Mipo Dockyard đã ký hợp đồng thuê thầu phụ với Huyundai Vinashin để đóng con tàu trên, thời hạn bàn giao là 30/11/2011.

Theo Thông tư 194 của Bộ Tài chính, thời hạn nộp thuế nhập khẩu vật tư nguyên liệu là 9 tháng. Tuy nhiên, chu trình để đóng xong con tàu S010 này là 18 tháng, trong giai đoạn này, Hyundai Vinashin đã được hải quan tỉnh Khánh Hòa gia hạn nộp thuế cho tới ngày bàn giao con tàu theo hợp đồng đã ký.

Thế nhưng, trước khi bàn giao tàu đúng 2 tháng, chủ tàu ở Đức  đột nhiên hủy hợp đồng, không nhận tàu với nhà thầu chính kéo theo, hợp đồng thuê thầu phụ với Hyundai Vinashin cũng bị hủy theo.

Sau gần 18 tháng thực hiện, con tàu đã được đóng gần hoàn chỉnh bỗng dưng vô chủ. Tổng số thuế nhập khẩu cho toàn bộ vật tư máy móc thiết bị phục vụ cho con tàu này đã lên tới 19,315 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là 50,786 tỷ đồng. Đến thời điểm này, công ty mới nộp được 16,673 tỷ đồng thuế nhập khẩu và 44,192 tỷ đồng thuế VAT.

Trong "đơn" gửi tới Thủ tướng, công ty giãi bày sẵn sàng bán con tàu với giá thấp hơn nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa  tìm được khách hàng mới. Nguyên nhân vẫn là do khủng hoảng kinh tế, ngành vận tải biển xuống dốc, nhu cầu xuống thấp. Căng thẳng hơn nữa là cả 6 tháng qua, công ty cũng chưa ký thêm được bất kỳ hợp đồng mới nào.

Với thế kẹt cứng này, Hyundai Vinashin đã xin Thủ tướng cho gia hạn nộp thuế cho tới khi con tàu tìm kiếm được chủ mới, đồng thời xin hoàn lại số thuế nhập khẩu đã nộp.

Một trường hợp khác thuộc thành viên Vinashin cũng đang khốn khó vì chủ tàu trì hoãn việc nhận tàu và thanh toán. Đó là công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh với các hợp đồng đóng tàu 20.000 - 22.500 tấn.

Phần lớn, các thiết bị vật tư cho các hợp đồng trên đều nhập về từ giai đoạn 2009-2011. Đến nay, công ty này đang treo khoản nợ với hải quan lên tới hơn 6 tỷ đồng tiền thuế VAT hàng nhập khẩu, trong đó nợ Cục Hải quan Khánh Hòa hơn 5,8 tỷ và hơn 192 triệu đồng nợ Cục Hải quan Tp Hải Phòng. Không thể thu xếp được nguồn tiền trả nợ, công ty cũng đang xin Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế được gia hạn nộp thuê thêm ít nhất là tới hết năm 2013.


Không thể đánh thuế vì thiếu mã số

Một câu chuyện khó khăn khác của doanh nghiệp là trường hợp việc nhập khẩu xe thiết kế chở tiền cho ngân hàng của Tập đoàn ô tô Hyundai Thành Công.

Cuối năm 2011, doanh nghiệp này đã nhập 40 chiếc xe thiết kế chở tiền bán cho các ngân hàng, trong đó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải mua 19 xe, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương mua 1 xe, Ngân hàng CP Nam Việt mua 11 xe, Ngân hàng TMPC Phương Đông 6 xe, Ngân hàng TMCP Bản Việt 3 xe.

Tuy nhiên, khi lô xe về cảng ngày 19/12/2011, mới hay, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của năm 2012 do Bộ Tài chính ban hành lại không áp mã hàng hóa cho loại xe này. Theo DN, năm trước, biểu thuế vẫn áp thuế mã 8705 với mô tả cụ thể là "xe thiết kế chở tiền" nhưng không hiểu sao, năm 2012, ở mã HS này, lại không còn dòng mô tả hàng hóa như vậy.
 

Một loại xe thường được dùng làm xe chở tiền
 

Trong văn bản gửi tới Bộ Tài chính mới đây, DN này phản ánh: "Đã hơn 3 tháng kể từ ngày lô hàng xe thiết kế chở tiền cập cảng Hải phòng và hơn 2 tháng kể từ ngày nhận được giấy xác nhận đạt tiêu chuẩn xe thiết kế chở tiền của Ngân hàng Nhà nước cung cấp, Hyundai Thành Công (100% vốn Việt Nam) vẫn chưa nhận được hồi âm của cơ quan chức năng để giải quyết việc thông quan hàng hóa".

Tổng thiệt hại mà Hyundai Thành Công ước tính lên tới 2 tỷ đồng. Đó là khoản phát sinh chịu lãi suất 17,5% cho lô hàng gần 1 triệu USD trong thời gian 3 tháng, cùng đó là khoản phí lưu kho bãi tại cảng đã hơn 1 tỷ đồng. Tình hình này khiến Tập đoàn Hyundai Thành Công lo lắng sẽ bị hàng loạt ngân hàng khởi kiện vì giao hàng chậm tiến độ, tới khi đó, tổn thất sẽ vô cùng lớn.

Theo quy định trong ngành ngân hàng, khi mở rộng một chi nhánh thì chi nhánh đó phải có xe thiết kế chở tiền. Do đó, khi đình trệ việc chuyển giao xe chuyên dùng theo hợp đồng trên, có tới 40 chi nhánh của các ngân hàng là khách hàng của Hyundai Thành Công đã bị ảnh hưởng kế hoạch, không thể khai trương được.

Trong thời gian chờ đợi hướng dẫn, để kịp giao hàng, Hyundai Thành Công đã xin tạm áp mã thuế cho lô xe được mô tả là "xe bọc thép chở hàng hóa có giá trị" với mức thuế nhập khẩu 15% và thuế VAT 10%.  Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa nhận được hồi âm nào từ cơ quan chức năng.

Không chỉ riêng Hyundai Thành Công gặp khó, một trường hợp khác cũng nhâp loại xe chuyên dùng tương tự này là công ty đầu tư và xuất nhập khẩu Việt Anh. Cơ quan Hải quan hồi âm cho công ty này đang yêu cầu sẽ áp mã thuế cho xe chở tiền này vào mã 8704, "loại khác" với mức thuế suất tới 68% thay vì 10% như trước đây.

Các cơ quan chức năng thì có vẻ e sợ doanh nghiệp sẽ bán xe chuyên dụng chở tiền dùng sai mục đích. Cục Phát hành và kho quỹ thuộc Ngân hàng Nhà nước đã cho biết, sau khi được cấp giấy xác nhận xe thiết kế chở tiền chuyên dùng, chậm nhất là 3 tháng kể từ khi thông quan, doanh nghiệp phải nộp lại cho Ngân hàng Nhà nước bản sao hóa đơn bán hàng cho đơn vị sử dụng, có dấu xác nhận của đơn vị này. Song, trên thực tế, cũng đã có doanh nghiệp chây ì, không làm đúng thủ tục.

Gần đây nhất là trường hợp công ty CP Thành An- Vinamotor Hà Nội, sau khi được cấp giấy xác nhận cho 6 xe chở tiền từ tháng 10/2010, đến tháng 3/2012, vẫn chưa nộp bản sao hóa đơn và báo cáo cụ thể về thực trạng lô hàng.


Theo VEF

Các tin cũ hơn