Hơn 17 nghìn tỷ đồng được PVN "tiêu" thế nào?

Thứ tư, 11/04/2012, 15:51
Một khoản tiền lớn từ hơn 17 nghìn tỷ trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẳng định đã xử lý phù hợp với tiêu chí được Chính phủ quy định.


Tin liên quan
>>Tập đoàn dầu khí treo nợ ngân sách, nhập nhèm đất đai...
>>Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hồi âm về thông tin liên quan đến “sai phạm tài chính"
>> Khi “đại gia” PVN gặp khó

 

PVN khẳng định đã sử dụng hợp lý số tiền trên 17 ngàn tỷ. Ảnh minh họa.


Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2006-2010, PVN cũng đã có báo cáo về việc khắc phục tồn tại, khuyến điểm.

Trong nội dung quản lý và sử dụng một số quỹ và tiền lãi dầu khi của nước chủ nhà để lại, phần tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại Tập đoàn PVN được Thanh tra Chính phủ nêu: Nghị định 142/2007/NĐ-CP (ngày 5/9/2007) của Chính phủ cho phép nộp tập trung về Công ty mẹ các khoản sau (tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại PVN): 50% tiền lãi được chia từ Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsopetro; 50% còn lại tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà của các hợp đồng phân chia sản phẩm sau khi đã trừ 1,5% chi phí quản lý của Công ty mẹ; 70% tiền thu về đọc, sử dụng tài liệu dầu khí.

Qua thanh tra thấy việc quản lý,sử dụng khoản tiền này còn có vi phạm sau: Trong tổng số tiền lãi nước chủ nhà để lại, PVN sử dụng một khoản tiền cho các hoạt động tài chính sau: góp vốn Liên doanh Rusvietpetro; Cung cấp hoạt động tài chính theo hợp đồng nhân nợ cho Liên doanh Rusvietpetro; Cấp vốn điều lệ cho Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khi (PVEP), tổng số tiền cho 03 hoạt động tài chính này là 15.601.100 triệu đồng.

Kết luận Thanh tra cũng nêu, theo thông báo số 98/TB-VPCP ngày 8/4/2010 của Văn phòng Chính phủ, thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm dầu khí thì 03 hoạt động tài chính trên không thuộc dự án trọng điểm dầu khí. Như vậy, việc PVN sử dụng số tiền 15.601.100 triệu đồng trên là chưa đúng với Nghị định 142/2007/NĐ-CP của Thủ tướng về việc ban hành quy chế tài chính của Công ty mẹ- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Giải trình khoản tiền trên, PVN đã có báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng 15.601 tỷ đồng cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí. Tập đoàn PVN đã có các công văn số 130/ĐKVN-HĐTV (ngày 8/10/2010) và công văn 108/DKVN-HĐTV (ngày 15/6/2011 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng tiền lãi dầu khí để lại cho PVN, theo đó PVN kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc sử dụng nguồn lãi dầu khí để lại PVN để đầu tư góp vốn cho hoạt động tìm kiếm thăm dò tại công ty Rusvietpetro và PVEP, đây là hoạt động cốt lõi của Tập đoàn (hoạt động này đã được đánh giá có hiệu quả cao trong kết luận của Thanh tra Chính phủ).

Trước thời điểm kết luận Thanh tra, Chính phủ chưa ban hành tiêu chí xác định công trình, dự án dầu khí cho phép sử dụng tiền lãi, dầu, khí được Nhà nước để lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ngày 14/10/2011 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1786/QĐ-TTg về việc ban hành tiêu chí xác định công trình,dự án dầu khí được phép sử dụng tiền lãi, dầu , khí được Nhà nước để lại cho PVN, theo đó các công trình, dự án phát triển mỏ dầu khí trong nước và nước ngoài có trong quy hoạch phát triển ngành Dầu khí là đối tượng được sử dụng tiền lãi dầu khí Nhà nước để lại cho Tập đoàn. PVEP và Rusvietpetro là hai đơn vị của Tập đoàn Dầu khí thực hiện các chức năng trên nên việc sử dụng nguồn vốn trên là phù hợp.

PVN khẳng định: “Như vậy, việc sử dụng 15.601 tỷ đồng này đã được xử lý xong phù hợp với tiêu chí được Chính phủ ban hàng ngày 14/10/2011”.

Cũng theo PVN, hiện nay các dự án do 02 công ty trên đầu tư đang phát huy tác dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao như các dự án khai thác dầu của liên doanh Rusvietpetro ở vùng mỏ Nhenhenxky đã trở thành điểm sáng về hiệu quả kinh tế, quan hệ đối ngoại và đầu tư ra nước ngoài của PVN.

Về số tiền 1.922 tỷ đồng thu được từ cổ phần hóa (số chưa nộp) và thu tiền lãi chậm nộp theo quy định, PVN cho biết: Đến thời điểm 31/12/2010, PVN đã thực hiện cổ phần hóa được 17 công ty, hầu hết các công ty sau cổ phần hóa đã phát triển tốt, đã thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp (HTSXDN) trên 22 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên có những công ty sau khi thực hiện cổ phần hóa cũng gặp không ít khó khăn. Các đơn vị nêu trong kết luận thanh tra chưa nộp ngay tiền cổ phần hóa về Tập đoàn là những đơn vị gặp khó khăn về vốn do những nguyên nhân khác nhau.

Việc Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) chậm nộp về Quỹ HTSXDN sau khi cổ phần hóa vì Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) chậm thanh toán tiền mua khí do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục chậm thanh toán mua điện cho PV Power lên đến trên 10 nghìn tỷ đồng.

Sau thanh tra, mặc dù EVN chưa trả nợ cho PVPower nhưng PVPower đã vay và trả nợ cho PV Gas, đến nay PV Gas đã hoàn thành nộp số tiền 1.903 tỷ đồng và nhận nợ với Tập đoàn số tiền lãi phát sinh theo quy định.

Ngày 9/4/2011, PVN cũng đã công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2012. Lãnh đạo PVN cho biết, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu đề ra và có mức tăng cao so với cùng kỳ 2011. Các chỉ tiêu về tài chính (doanh thu, nộp Ngân sách Nhà nước, thu ngoại tệ) đạt cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011. Doanh thu từ hoạt động của các đơn vị dịch vụ dầu khí tăng 16,0% so với cùng kỳ năm 2011


Theo VnMedia

Các tin cũ hơn