Thống đốc nói về nới tín dụng phi sản xuất

Thứ tư, 11/04/2012, 14:07
Có tới khoảng 50% đối tượng thuộc lĩnh vực bất động sản, gần 100% thuộc tiêu dùng được “thoát” khỏi giới hạn tỷ trọng tín dụng phi sản xuất.


Sáng nay (11/4), Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo về những điều chỉnh chính sách, trọng tâm là lãi suất và cơ chế tín dụng mới.

Điểm nổi bật của chính sách tín dụng bắt đầu triển khai là loại trừ nhiều nhóm đối tượng vay vốn ra khỏi diện tính giới hạn tỷ trọng tín dụng phi sản xuất mà hiện nay gọi là không khuyến khích (16% tổng dư nợ).


Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mục đích của điều chỉnh chính sách này là tạo
điều kiện  chuyển vốn, tăng tương tác có lợi cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.


Như ở bản tin trước, nhiều nhóm đối tượng đã được loại trừ. Còn theo ước tính của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, có tới khoảng 50% nhóm đối tượng cho vay thuộc lĩnh vực bất động sản được loại trừ; tương tự là gần 100% nhóm đối tượng thuộc tín dụng tiêu dùng (riêng nhu cầu vay để tiêu dùng ở nước ngoài vẫn bị hạn chế trong tỷ trọng).

Riêng với tín dụng cho chứng khoán, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là vẫn không khuyến khích. Điều này được lý giải tại buổi họp báo là do vốn của ngân hàng là ngắn hạn, phải hạn chế cho vay đầu tư vào chứng khoán - vốn là kênh huy động vốn trung và dài hạn. Mặt khác, Thống đốc dự tính rằng khi các vấn đề kinh tế được xử lý tốt, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc, sẽ phát triển bền vững chứ không nhất thiết phải “hồng hào” bằng cách các ngân hàng đổ tiền vào.

Về tín dụng cho bất động sản, việc nới cơ chế như trên là rất “thoáng”. Bởi không chỉ một mặt khoảng 50% đối tượng được loại trừ, mà mặt khác những đối tượng còn lại trong “rổ” được nhân đôi cơ hội, rộng rãi hơn trong giới hạn tỷ trọng 16% đó.

“Thực tế thời gian qua tín dụng cho lĩnh vực bất động sản đã từng bước mở dần. Đến nay có thể khẳng định là trừ một số nội dung đã liệt kê, thì đã mở rất nhiều. Ví dụ trước đây chỉ cho vay mua nhà để ở, nay cho vay mua nhà để đầu cơ, đầu tư, để bán, để cho thuê; tương tự là cho vay xây dựng nhà để ở, để bán, cho thuê…”, Thống đốc giải thích.

Và tựu trung lại, theo Thống đốc, việc mở cơ chế như vậy là đã được tính toán trên cơ sở đánh giá các giải pháp rõ ràng, thận trọng, có lộ trình để vẫn đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10%, giữ ổn định vĩ mô, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng GDP hợp lý.

Ông cũng cho biết, lĩnh vực bất động sản hiện rất rộng, dư nợ trực tiếp cho vay lĩnh vực này chỉ dưới 10% và ổn định trong những năm qua; nhưng dự nợ đảm bảo bằng bất động sản thì rất lớn, chiếm khoảng 60% tổng dư nợ.

“Hiện nay, những điều kiện để kiềm chế lạm phát, các mục tiêu cơ bản có chiều hướng đạt được và ổn định từ nay đến cuối năm nên mới tính chuyện tháo dần ra. Dư nợ liên quan đến bất động sản rất lớn, phải từng bước tháo gỡ, đặc biệt là lĩnh vực nhà để ở, vì nhu cầu nhà ở lớn; mặt bằng nhà ở được cải thiện tương đối hợp lý, gần với thu nhập của người dân qua các tầng lớp, họ có khả năng tiếp cận được bất động sản liên quan đến nhà ở ở các phân khúc khác nhau”, Thống đốc nhìn nhận.

Và khi mở ra như vậy, mục đích của Ngân hàng Nhà nước là sẽ tạo điều kiện để giải phóng được hàng tồn kho bất động sản, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa tạo chu chuyển vốn trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc “tháo ra” còn giúp cho nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế, tương tác với các ngành sản xuất như xi măng, sắt thép, rồi tạo công ăn việc làm… tạo chu chuyển vốn trong nền kinh tế.

Với hệ thống ngân hàng, với vấn đề nợ xấu liên quan đến bất động sản, với khoảng 60% dư nợ có đảm bảo là bất động sản như vậy, việc “tháo ra” cũng sẽ tạo điều kiện xử lý nợ xấu trong hệ thống.

“Về nợ xấu, qua số liệu thì nợ xấu có chiều hướng tăng lên. Đầu năm nợ xấu khoảng 3,2%, nay khoảng 3,6%; đối với một số tổ chức cụ thể thì nặng nề hơn, cao hơn. Bằng các giải pháp, các ngân hàng sẽ chủ động cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lý do khó khăn thời gian qua, do thị trường thế giới, xuất khẩu khó khăn và hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp hàng tồn kho lớn.

Ngay như trong bất động sản, xây dựng nhiều nhà ở nhưng tồn kho. Nếu không có biện pháp cơ cấu lại nợ thì bản thân doanh nghiệp và ngân hàng cũng đều gặp khó khăn, dẫn tới đình trệ sản xuất. Hy vọng bằng các biện pháp đó thì nợ xấu được kiềm chế và doanh nghiệp có thể nối lại quan hệ tín dụng tốt hơn với các ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói thêm.

Liên quan đến tín dụng ở lĩnh vực không khuyến khích, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết tỷ trọng thực tế đã giảm khá nhanh trong thời gian qua. Đến cuối tháng 12/2011, tỷ trọng chỉ trên 11% và đến hết 31/3/2012 chỉ còn khoảng 10%. Điều này được cho là các tổ chức tín dụng đã tập trung hơn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.


Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn