Đạp xích lô nói chuyện quy hoạch

Chủ nhật, 15/04/2012, 07:27
Một trong những nội dung đáng chú ý của đề án phát triển thương mại đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Hà Nội là vấn đề quy hoạch xây dựng các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

 
Theo GS.KTS Nguyễn Thế Bá, việc xây dựng này cần phải tính toán thật kỹ. Và quan trọng nhất, "Hà Nội cần phải tuân thủ đúng theo quy hoạch", ông nhấn mạnh.
 
 
Quy hoạch một đằng, làm một nẻo
 
Thưa ông, Hà Nội vừa hoàn tất đề án phát triển thương mại trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Quan điểm của ông thế nào về đề án này?
 
Tôi cho rằng, việc quy hoạch xây dựng như vậy là nhằm mục tiêu dịch vụ công cộng, phục vụ phát triển đô thị. Tất nhiên, đưa ra đề án đó, người ta phải tính toán, cân nhắc kỹ. Tuy nhiên, cái đáng quan tâm nhất bây giờ là đề ra quy hoạch như thế rồi nhưng Hà Nội có tuân thủ theo hay không mà thôi.
 
Sao ông lại băn khoăn nhất điều đó?
 
Vì thực tế, Hà Nội đang phản ánh việc quy hoạch một đằng, làm một nẻo.

Ông có thể nói rõ hơn?
 
Hà Nội thực hiện quy hoạch từ những năm 60 của thế kỷ trước rồi đấy chứ, nhưng người ta có làm theo đâu. Ví như quy hoạch được thông qua trước đây, dù quy mô dân số đô thị chỉ tính đến 1 - 1,2 triệu dân nhưng những trục đường chính đều thiết kế rộng 50 - 60m.

Tuy nhiên, khi thực hiện, chúng ta tùy tiện cho nó hẹp lại. Hay như đường vành đai một theo thiết kế là 120m chiều rộng, giờ chỉ còn là 50m. Đấy là những biểu hiện rõ nhất của việc không tuân theo quy hoạch. Nó cực kỳ nguy hiểm vì tạo nên những cái rất xấu trong phát triển đô thị hiện nay.
 
GS.KTS Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.


Coi thường người làm quy hoạch...

Theo ông, tại sao việc không tuân theo quy hoạch ấy vẫn diễn ra?

Vì ta không có kỷ luật nào trong quản lý đô thị, không xử lý người làm sai quy hoạch dẫn đến người dân cũng "nhờn", muốn làm gì cũng được. Đến anh đạp xích lô cũng còn nói được chuyện quy hoạch kia mà.

Thế nên quy hoạch của Hà Nội mới lộn xộn, chẳng theo quy luật gì cả. Trong khi đáng ra, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị phải luôn đi kèm nhau. Anh không thể không có quản lý, nếu không thì sẽ không bao giờ làm tốt được. Tiếc là Hà Nội mới chỉ có một vế là quy hoạch mà chưa có quản lý đi kèm.

Nhưng thực tế thì Hà Nội có Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng đấy chứ, thưa ông?

Thì có. Nhưng bạn cứ để ý cái này sẽ thấy rõ. Bây giờ ra đường, có những tuyến như cái chợ, đi bộ không biết đi đường nào. Hay làm cầu, làm đường hầm mà không ai đi. Cái đấy nói lên điều gì? Ở trong quy hoạch, người ta tính toán cả rồi đấy chứ, đường đó khổ rộng bao nhiêu, sẽ có những phương tiện nào tham gia giao thông ở đó, đi ở làn đường nào. Nhưng rốt cục có làm như thế không?

Đấy là lỗi của người quản lý, của chính quyền đô thị. Thêm nữa, có một thực tế là ta đang tốn nhiều tiền vì coi thường chính những người làm quy hoạch trong nước mà coi trọng những "ông Tây" hơn. Cái đó cũng cần phải thay đổi.

Thiết nghĩ, nếu người nước ngoài làm tốt thì cũng có thể học tập, mời họ cộng tác cơ mà?

Hẳn nhiên là thế, nhưng chúng ta cũng hoàn toàn có thể làm được. Với lại, cái quan trọng nhất vẫn là thực hiện đúng như quy hoạch đề ra.

Lấy tiền tiêu trước mắt sẽ không bao giờ có phát triển ổn định!

Quay trở lại với câu chuyện xây dựng thêm các siêu thị, chợ và trung tâm thương mại. Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, Hà Nội đang thiếu những không gian xanh, bãi đỗ xe thì nên chăng cần dành thêm đất cho những dự án đó thay vì xây dựng các trung tâm mua sắm?

Trong quy hoạch không cho phép người ta lấy những khu đất trống bán đi cho các doanh nghiệp để xây siêu thị trong khi ta thiếu rất nhiều đất cho cây xanh, đường đi, trừ trường hợp vi phạm quy hoạch.

Đó là nguyên tắc. Đáng tiếc là việc vi phạm quy hoạch khá nhiều. Nếu chỉ lấy tiền tiêu trước mắt mà không quan tâm đến ngày mai thì không bao giờ có đô thị ổn định và phát triển bền vững được.

Tôi cho rằng, ý kiến đó cũng phần nào xác đáng. Hiện nay, trong khu vực nội thành, không gian xanh chỉ chừng 2m2/người, trong khi trên thế giới yêu cầu chỉ số đó là 17 - 18m2. Tuy nhiên, tôi cũng chưa xem hết các bản quy hoạch đó, song tôi tin là người ta có lý khi đưa ra đề án quy hoạch như thế.

Hà Nội có chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội thành góp phần giảm ùn tắc giao thông. Thế nhưng như ông nói thì việc vi phạm quy hoạch đang khá phổ biến có khiến chủ trương ấy bị phá sản?

Nói rằng chuyển các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội thành để giảm ùn tắc nhưng chưa chắc đâu, vì vẫn sẽ có một lượng lớn giảng viên, sinh viên trong nội thành đi ra ngoại thành dạy và học. Theo tôi thì không phải cái nào cũng di dời. Chỉ có những cái bất hợp lý thì mới phải dời đi thôi.

Hơn nữa, nếu di dời trường đại học, cao đẳng đi rồi thì chỗ đất ấy sẽ để làm gì? Nó cần phải đem lại lợi ích cho xã hội chứ không thể để cho một bộ phận nhỏ nào đó thu lợi được. Do đó, phải tính toán kỹ.

Còn nếu di dời để lấy chỗ cho việc xây dựng các trung tâm mua sắm có khiến cho giao thông phức tạp hơn không thì tôi nghĩ đó không phải là vấn đề lớn, vì người ta làm quy hoạch sẽ đưa ra được những giải pháp ổn thỏa.

Theo ông, quy hoạch Hà Nội hiện nay cần quan tâm tới điều gì?

Hẳn nhiên là phải đảm bảo sự hài hòa, có khu mua sắm thì cũng sẽ có những bãi đỗ xe, không gian xanh, trường học... Nhưng quan trọng nhất, như tôi nói lúc đầu vẫn ở chỗ phải tuân thủ đúng quy hoạch. Không có quy hoạch thì sẽ không thể phát triển, nhưng có quy hoạch rồi mà thực thi không đến nơi đến chốn thì cũng chẳng mang lại hiệu quả chứ chưa nói đến hiệu quả như mong đợi được.


Xin cảm ơn ông!

 
"Hà Nội đã trải qua nhiều lần quy hoạch, điều mà trên thế giới không nước nào làm như thế cả. Hẳn nhiên, chúng tôi cũng có một phần trách nhiệm. Tuy nhiên, cái chính vẫn là phía những nhà quản lý đô thị. Chúng tôi chỉ biết bày biện món ăn trên mâm, còn thưởng thức như thế nào, chọn món nào trước lại là do các vị ấy quyết. Bây giờ, cái quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch, từ lãnh đạo đến người dân. Khi lãnh đạo làm đúng thì mới quản lý, điều hành, xử phạt cấp dưới, làm gương cho người dân được". GS.KTS Nguyễn Thế Bá

 

Theo Bee

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn