Tin liên quan
>>8 nhóm xe hơi, 4 nhóm xe máy phải đóng phí
>>Bộ GTVT đã chịu giảm mức thu phí xe hơi
<<Sẽ ngập xe máy nếu thu phí xe hơi
Thị trường ảm đạm
Tại các Solon ôtô đã qua sử dụng trên phố Trần Khát Chân, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Thanh của Hà Nội đầu tháng tư, không khí mua bán hết sức ảm đạm, một vài Salon đã phải đóng cửa do không bán được xe.
Dọc tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, HN), khoảng hai chục Salon ôtô, bày la liệt các loại xe con đã có biển. Xe lắp ráp trong nước cũng có, xe nhập khẩu cũng có, với đầy đủ các thương hiệu nổi tiếng như: Toyota, BMW, Mecedess, Ford...
Ông Nguyễn Ngọc Anh, đại diện hệ thống Salon ôtô Hòa Bình tỏ ra tất bật khi điện thoại liên tục đổ chuông. Tuy nhiên, ông Anh cho biết, đó không phải là khách hàng gọi đến mua xe, mà muốn bán xe.
Thị trường ô tô ảm đạm do nhiều loại phí đè nặng lên người tiêu dùng. |
Theo đại diện hệ thống Salon ôtô Hòa Bình, thông tin tăng nhiều loại phí đối với ôtô đã như một gáo nước lạnh dội vào thị trường ôtô vốn đã ảm đạm trong thời gian vừa qua. Nếu như trước đây, mỗi ngày ôtô Hòa Bình có thể bán được chục chiếc, thì hiện nay có ngày chỉ bán được 1-2 chiếc, thậm chí có hôm không bán được xe nào. Theo lý giải của ông Anh, kinh tế khó khăn, chính sách tiền tệ thắt chặt của nhà nước đã khiến nhu cầu mua xe ôtô giảm một cách đáng kể.
"Có đến 80-90% người tiêu dùng mua xe là phải vay ngân hàng. Với việc thắt chặt vay vốn, thông tin tăng nhiều loại phí đã khiến thị trường ôtô trở nên ảm đạm, gần như đóng băng. Nhu cầu mua xe vì thế giảm một cách đáng kể. Đó là chưa kể nhiều người đã mua rồi nhưng muốn bán" - ông Anh nói.
Anh Nguyễn Thành Dư, cán bộ kinh doanh Công ty CP Đầu tư phát triển và Thương mại Anh Dũng cho biết, từ khi có thông tin tăng nhiều loại phí thì lượng khách hàng giảm rõ dệt, nhiều người có ý định mua xe thì nay không dám mua nữa.
Nếu như trước đây, trung binh một tháng Công ty bán được khoảng 20-30 xe, thì hiện nay mỗi tháng chỉ bán được 2-3 xe. "Thông thường vào những ngày thứ 7, chủ nhật, khách hàng đến xem xe rất đông. Nhưng từ khi có thông tin tăng nhiều loại phí thì khách hàng chỉ lác đác thôi. Họ đến xem rồi lại đi." - anh Dư nói.
Cũng theo anh Dư, số khách hàng liên hệ để bán xe tăng lên trong mấy ngày qua. Lý do là vì nhiều gia đình đã mua ôtô nhưng nhu cầu đi lại ít. Hơn nữa, việc tăng nhiều loại phí khiến họ phải bỏ ra một khoản phí phát sinh thêm từ 2-2,5 triệu đồng mỗi tháng. Vì vậy, để giảm bớt gánh nặng này, họ đã tính đến phương án bán xe.
Kinh doanh ôtô cũ quay cuồng vì ế
Để tồn tại, nhiều đơn vị kinh doanh ôtô đã phải cho nhân viên nghỉ việc, hoặc có ý định chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác. Tại Công ty CP Đầu tư phát triển và Thương mại Anh Dũng đã phải cho hai nhân viên nghỉ việc để giảm chi phí. "Nếu tình hình ế ẩm kéo dài, có lẽ chúng tôi phải chuyển hướng kinh doanh vì không thể chịu được nhiều khoản phí như: tiền thuê văn phòng, tiền lương nhân viên, tiền điện nước... tăng cao như hiện nay", anh Dư cho biết.
Tình trạng sa thải nhân viên, thu hẹp quy mô kinh doanh, thậm chí đã có Salon ôtô phải đóng cửa đang là thực tế của nhiều doanh nghiệp kinh doanh ôtô đã qua sử dụng hiện nay. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, ngay tại phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đã xuất hiện một Salon ôtô phải đóng cửa do không bán được xe.
Ông Hoàng Cường, Cty TNHH Phú Đạt - đơn vị chuyên nhập các dòng xe cao cấp cho biết, nếu tình trạng này kéo dài thêm 1-2 tháng nữa thì, không chỉ một Salon mà nhiều Salon ôtô sẽ đóng cửa: "Chưa bao giờ thị trường ôtô lại "nguội lạnh" như hiện nay. Có tháng chúng tôi phải bù lỗ do không bán được xe nào, mà những chi phí khác như thuê nhà, lương nhân viên... vẫn phải trả. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì chắc rằng sẽ phải đóng cửa", ông Cường nói.
Theo Infonet