Muốn đào đường phải ký quỹ

Thứ hai, 16/04/2012, 07:04
Để tránh tình trạng đơn vị thi công tái lập mặt đường ẩu gây ra lún, sụp mặt đường, Sở Giao thông Vận tải TPHCM bắt buộc các chủ đầu tư phải ký quỹ số tiền bằng 10% giá trị phần thi công trước khi cấp phép đào đường.

 


Theo văn bản được văn phòng Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cung cấp, từ ngày 16-4 mọi hoạt động đào đường để thi công lắp đặt hạ tầng kỹ thuật của mọi tổ chức, cá nhân (kể cả việc xử lý sự cố đột xuất về kỹ thuật của các ngành điện lực, thông tin-viễn thông, cấp nước, thoát nước…) đều phải ký quỹ mới được xem xét cấp giấy phép.

Việc k‎ý quỹ không áp dụng đối với các trường hợp sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cầu đường bộ, hầm, công trình thoát nước, chiếu sáng, cây xanh của các đơn vị quản lý chuyên ngành và các công trình nâng cấp, sửa chữa hệ thống đường bộ của các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các công trình sử dụng nguồn vốn ODA.

Giá trị ký quỹ được tính bằng 10% giá trị phần thi công đào và tái lập mặt đường mỗi lần cấp giấy phép thi công, giá trị ký quỹ ít nhất là 1.000.000 đồng.

 

Năm 2010, TPHCM xảy ra hàng loạt vụ lún sụp mặt đường


Việc ký quỹ sẽ được thực hiện cùng thời gian nộp hồ sơ xin cấp giấy phép thi công tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép thi công. Việc nộp tiền ký quỹ có thể thực hiện thông qua chuyển khoản hoặc thư bảo lãnh của ngân hàng.

Chủ đầu tư công trình sẽ được nhận lại toàn bộ số tiền k‎ý quỹ sau khi công trình hết thời gian bảo hành mà không xảy ra hư hỏng, lún sụp hoặc có xảy ra nhưng được chủ đầu tư khắc phục kịp thời.

Còn nếu công trình thi công đào đường và tái lập mặt đường không đạt chất lượng như lún, nứt, gồ ghề…mà chủ đầu tư không thực hiện sửa chữa hoặc chậm sửa chữa khi quá thời gian yêu cầu thì cơ quan quản lý đường bộ được phép sử dụng số tiền ký quỹ nói trên để triển khai sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Số tiền ký‎ quỹ cũng được sử dụng khi công trình thi công đào đường và tái lập mặt đường xảy ra sự cố lún, sụp hoặc gây mất an toàn giao thông mà buộc phải khắc phục ngay để bảo đảm an toàn.

Trong trường hợp số tiền ký quỹ đã được cơ quan quản lý đường bộ sử dụng cho công tác sửa chữa còn thừa thì sau khi công trình hết thời gian bảo hành sẽ được trả lại cho chủ đầu tư theo dự toán đã được duyệt. Nếu chi phí thực hiện việc sửa chữa đường vượt quá số tiền mà chủ đầu tư ký quỹ thì chủ đầu tư phải nộp bổ sung cho cơ quan đơn vị quản lý đường bộ.

Năm 2010, sau khi xảy ra hàng loạt vụ lún, sụp mặt đường (hố tử thần) trên địa bàn TPHCM nhiều chuyên gia đề nghị Sở GTVT TPHCM bắt buộc chủ đầu tư phải ký một khoản quỹ để ràng buộc trách nhiệm khi xảy ra lún, sụp mặt đường.

Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, chỉ tính riêng năm 2010 đã xảy ra 145 vụ lún, sụp mặt đường trên 17 tuyến đường tại TPHCM.

 

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích