Ngân hàng bộn tiền, doanh nghiệp vẫn trùng điệp khó khăn

Thứ ba, 17/04/2012, 15:21
Trong thời gian ngắn, lãi suất huy động của các ngân hàng được điều chỉnh hạ hai lần xuống còn 12%/năm, kèm theo đó nhiều ngân hàng cũng công bố hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại tỏ ra hờ hững với thông tin vốn được đợi chờ từ lâu này.


Trần đầu vào lãi suất liên tục hạ, nhưng lãi suất cho vay với doanh nghiệp
vẫn không hạ ở mức tương ứng khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn.

 

Doanh nghiệp vẫn phải vay vốn 20 - 21%

Ngay sau quyết định hạ lãi suất huy động xuống còn 12%/năm, nhiều ngân hàng cũng công bố những gói cho vay với lãi suất thấp. Chẳng hạn, ABBANK dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Eximbank dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm để cho vay các đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu; các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp; Techcombank cũng cho biết sẽ dành nguồn tín dụng lên đến 4.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất chỉ còn từ 15%/năm cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu... tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn và tình hình tài chính tốt.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại cho rằng việc "tung chiêu" hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng chỉ mang động thái "vỗ về" dư luận. Hầu như chưa có ngân hàng nào thống kê và công bố về kết quả thực hiện các chương trình đó. Thực tế, doanh nghiệp muốn tiếp cận được nguồn vốn vay thấp này không đơn giản.

Bởi vì, có rất nhiều các điều kiện đi kèm khiến đa số chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận với nguồn vốn rẻ này. Doanh nghiệp cũng đang phải chấp nhận cuộc chơi, mình thuộc "đẳng cấp" doanh nghiệp nào thì "chơi" với ngân hàng tầm cỡ ấy.

Theo tiết lộ của một lãnh đạo ngân hàng thương mại có tiếng, hệ thống ngân hàng cũng chia ra ngân hàng mạnh và ngân hàng yếu. Trong "thế giới" này có những quy tắc "ngầm" mà chỉ dân trong nghề mới nắm được. Các doanh nghiệp "may mắn" vay vốn của ngân hàng mạnh sẽ không phải mất phí "bôi trơn" mà vẫn được vay với lãi suất thấp.

Còn các doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng yếu, lãi suất thực tế chỉ là 19% nhưng họ phải mất thêm các loại phí phụ trợ nên lãi suất có thể đội lên 21%. Đương nhiên, các doanh nghiệp này sẽ phải gánh thêm thiệt thòi. Và khi đã chấp nhận tham gia "cuộc chơi" này, bắt buộc họ phải "cắn răng chịu đựng".

Cũng theo quan điểm của lãnh đạo này, bản chất của bài toán giảm lãi suất lần này, lãi suất tuy giảm nhưng thực tế các doanh nghiệp vẫn khó thoát khỏi vòng lao đao. Bởi họ vẫn phải mất phí "bôi trơn" để được tiếp cận với các nguồn vốn vay.


Tác động chỉ mang tính... tâm lý

Một số doanh nghiệp đánh giá, thông tin hạ lãi suất có tác động về mặt tâm lý nhiều hơn bởi dù hạ nhưng lãi suất hiện nay vẫn quá sức của họ. Và thực tế, muốn vay được lãi suất thấp doanh nghiệp phải trả được nợ cũ. Với điều kiện tài chính hiện nay của nhiều doanh nghiệp, việc đảo nợ là không thể thực hiện.

Ôg Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty Thép Việt cho rằng, hạ lãi suất là tín hiệu tốt về mặt tinh thần, có thể nó sẽ giúp các doanh nghiệp có niềm tin để vượt khó. "Trong suốt thời gian lãi suất ngân hàng cao, doanh nghiệp không dám vay vốn để duy trì sản xuất nên nhiều doanh nghiệp nhỏ đóng cửa.

Tôi thấy nhiều doanh nghiệp họ khá bi quan về thị trường. Nay lãi suất đầu vào hạ, Ngân hàng Nhà nước cũng lên tiếng “tháo gông” bất động sản để giúp các ngành vật liệu xây dựng, sắt, thép, xi măng có cơ hội được cứu. Đó là tín hiệu tốt từ mặt tinh thần còn thực tế vẫn phài chờ", ông Thái cho biết.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Cường, giám đốc công ty Cổ phần thương mại Hoàng Gia, chuyên nhập khẩu sàn gỗ cho rằng hạ lãi suất là tín hiệu đáng mừng bởi doanh nghiệp hy vọng lãi suất cho vay sẽ giảm theo.

"Song tín hiệu này có tác động tinh thần hơn là thực tế vì hạ 1% lãi suất không phải là nhiều trong tình hình hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản như hiện nay. Đối với ngành gỗ, khó khăn không phải ở lượng hàng tồn kho mà chính là lãi suất góp phần đẩy chi phí đầu vào tăng cao. Lãi vay đã ngốn hết lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến chúng tôi đi đến đáy của sự khó khăn", ông Cường nói.

Nguồn tin của một lãnh đạo ngân hàng cũng khẳng định: "Động thái giảm lãi suất lần này mang ý nghĩa về mặt tâm lý nhiều hơn, còn tác động hay ảnh hưởng có lẽ phải vài tháng nữa mới có được hồi kết.

Thực tế, ngân hàng chúng tôi đã bắt đầu giảm lãi suất, các doanh nghiệp đã manh nha tiếp cận nhưng thực tế hạn mức cho vay của họ đã chạm đáy rồi. Họ không còn đủ tài sản để thế chấp vay vốn thêm nữa. Những "món" vay cũ vẫn phải chịu lãi suất cao, chỉ lo trả nợ đáo hạn đã khó, món vay mới chắc chắn sẽ không nhiều".

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trọng Tài, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) lại cho rằng: "Chúng ta cũng phải nhìn nhận đến các ngân hàng nhỏ đang gặp khó. Nếu lãi suất giảm nữa thì nhóm ngân hàng nhỏ này sẽ tiếp tục khó khăn hơn.

Tuy nhiên vấn đề này không đáng lo lắm vì Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã cam kết không để ngân hàng nào đổ vỡ. Ngoài ra, nhóm ngân hàng này cũng có sự hậu thuẫn là tỉ lệ tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng nhóm 3, nhóm 4 không được tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng không có thì các ngân hàng này cũng không thiết tha nhiều đến việc huy động vốn".

Đứng trên quyền lợi của người dân có tiền gửi tiết kiệm, luật sư Trần Đình Triển, nguyên trưởng ban Pháp luật và Phát triển nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích: “Quy định hạ lãi suất hay không, phải căn cứ vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như giá trị ổn định của đồng tiền.

Thông thường lãi suất cho vay phải bằng lãi suất huy động cộng với chi phí theo quy định của Nhà nước, chi phí của ngân hàng, lợi nhuận cho phép của ngân hàng. Lãi suất cho vay phải đảm bảo bằng chỉ số trượt giá hay nói cách khác là tỷ lệ lạm phát cộng với chi phí ngân hàng và lợi nhuận khuyến khích người gửi tiền".                     

Nếu lãi suất cho vay từ ngân hàng không giảm, ngân hàng sẽ là ngư ông đắc lợi

 

TS. Lê Thẩm Dương

Nhiều người cho rằng, thực tế lãi suất huy động giảm xuống 12%/năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục "hút" được lượng tiền trong dân, làm giàu cho "ngân khố" của mình, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn do lãi suất cho vay cao.

Phân trần về việc "lợi lộc" chảy cả về ngân hàng, một lãnh đạo ngân hàng cho biết: "Cũng không hẳn như thế, hiện nay nhiều ngân hàng đã hết hạn mức cho vay, còn một số ngân hàng nhỏ "đói vốn" vẫn có cách "lách trần" lãi suất.

Nên thực tế, trong thời gian vừa rồi, người dân cũng mất tin tưởng vào một số ngân hàng làm ăn không minh bạch. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, ngân hàng vẫn có lợi nhất".

Để doanh nghiệp có thể thở được trong năm 2012 này, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Thẩm Dương cho rằng: "Lãi suất cho vay của các ngân hàng nên dừng ở mức 12% đến 14%/năm. Đây là mức lãi suất hoàn toàn có cơ sở để tạo bước đột phá cho doanh nghiệp bật dậy mạnh mẽ trong thì tương lai, mức lãi suất cho vay nên dừng ở mức 6% đến 8% là hợp lý nhất.


Theo nguoiduatin

Các tin cũ hơn