Hạ tín nhiệm: Cơn ác mộng của các ngân hàng châu Âu

Thứ ba, 17/04/2012, 09:45
Các ngân hàng châu Âu đang đối mặt với làn sóng hạ tín nhiệm, theo đó có thể gia tăng áp lực lên nền công nghiệp vốn đang trong tình trạng mong manh và tiếp tục làm xói mòn những nỗ lực tháo ngòi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài tại châu Âu.

 


 

Dưới áp lực của các ngân hàng, Moody’s Investors Service cuối tuần trước đã cho biết hãng này sẽ hoãn việc quyết định liệu có hạ xếp hạng tín nhiệm của 114 ngân hàng thuộc 16 nước châu Âu cho tới đầu tháng 5.

Moody’s đã tuyên bố sẽ xem xét lại xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức này từ hồi tháng 2, cho biết điều này là cần thiết trong bối cảnh tình hình suy yếu tại các ngân hàng và môi trường hoạt động khó khăn. Theo kế hoạch ban đầu của Moody’s, kết quả đánh giá tín nhiệm sẽ được công bố trong tuần này.

Trong tuyên bố của mình, Moody’s cho biết hãng này đang “sử dụng cách tiếp cận thận trọng phù hợp trong quá trình xem xét và sẽ đưa ra kết luận khi hãng tin chắc rằng tất cả các thông tin liên quan đã được thu thập và xử lý.”

Trong khi Moody’s không công bố liệu các ngân hàng có bị hạ tín nhiệm và mức độ điều chỉnh trong đánh giá  tín nhiệm lần này, các quan chức tại các ngân hàng hàng đầu châu Âu đã cho biết họ dự đoán xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng mình sẽ bị điều chỉnh ít nhất một bậc.

Triển vọng bị hạ đánh giá tín nhiệm đã làm dấy lên những lo ngại từ một số ngân hàng và các nhà đầu tư, những người sợ rằng tâm lý bất ổn sẽ thổi bùng cuộc khủng hoảng lên.

Theo một nguồn tin, trong vài tuần gần đây, khi  gần tới ngày Moody’s đưa ra quyết định, các ngân hàng lớn đã thực hiện chiến dịch vận động hành lang nhằm lôi kéo hãng xếp hạng tín nhiệm này không hạ nhiều bậc trong đánh giá tín nhiệm của họ.

“Điều này sẽ gia tăng thêm áp lực tài chính đối với những ngân hàng này”, Simon Adamson, nhà phân tích ngân hàng tại hãng nghiên cứu CreditSights Ltd nhận xét.

Đây không phải là lần đầu tiên các ngân hàng châu Âu phải chứng kiến sự đi xuống trong đánh giá tín nhiệm của mình. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát gần 5 năm trước đây, Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác như Standard & Poor’s đã liên tục hạ tín nhiệm của các ngân hàng.

Nhưng lần đánh giá tín nhiệm này – lần đầu tiên Moody’s xem xét việc hạ tín nhiệm của số lượng lớn các ngân hàng châu Âu – diễn ra vào giai đoạn hiểm nghèo của ngành công nghiệp ngân hàng.

Nhiều chuyên gia hy vọng khu vực này – chịu tác động nặng nề do thiệt hại từ nợ xấu và đầu tư vào trái phiếu của những chính phủ tiềm ẩn nhiều rủi ro tại châu Âu – đã đi tới bước ngoặt khi ngân hàng Trung ương châu Âu ECB cung cấp gói tín dụng ưu đãi kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị lên tới hơn 1 nghìn tỷ EUR cho ít nhất 800 ngân hàng. Khoản tín dụng này đã loại bỏ được nguy cơ các ngân hàng có thể sụp đổ do vấn đề thanh khoản.  

Nhưng lơi ích của gói tín dụng này bắt đầu tiêu tan. Trên khắp châu Âu, cổ phiếu ngân hàng đã tuột dốc do lo ngại về tình hình sức khỏe tài chính của châu Âu.

Ngày càng có nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư lo ngại khoản vay của ECB chỉ cho phép các ngân hàng trì hoãn việc thực hiện một quá trình đau đớn nhằm dọn dẹp bảng cân đối kế toán của mình.

Một phần trong quá trình đánh giá, Moody’s sẽ xem xét mức độ phụ thuộc của các ngân hàng vào gói tín dụng của ECB và “khả năng tự đứng vững của các ngân hàng”, một nguồn tin cho biết. Việc vay nợ lớn từ ECB càng làm gia tăng các bài kiểm tra kỹ lưỡng từ Moody’s về sức khỏe tài chính của ngân hàng.

Chi phí đi kèm với việc hạ mức xếp hạng của  Moody’s có thể khá lớn. Việc hạ tín nhiệm có thể khiến những tổ chức tránh rủi ro rút tiền gửi khỏi ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng chắc chắn sẽ phải gia tăng tài sản thế chấp trong các giao dịch phái sinh và trong một số công cụ đầu tư cụ thể, bao gồm cả các tài sản chứng khoán, một khi xếp hạng tín nhiệm của họ bị hạ.

“Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với các ngân hàng châu Âu, đặc biệt tại các quốc gia vùng rìa châu Âu”, một chủ tịch ngân hàng lớn tại châu Âu dự báo sẽ bị hạ tín nhiệm, nhận định.

Ví dụ, trong một báo cáo thường niên gần đây của Deutsche Bank AG, tổ chức này cho biết việc hạ một bậc tín nhiệm có thể khiến ngân hàng này ghi nhận mức thiếu hụt vốn khoảng 45 tỷ EUR. Ngân hàng khổng lồ của Đức này nhấn mạnh rằng sẽ vẫn có vô số nguồn lực để bù đắp cho mức thiếu hụt này ngay cả khi bị hạ xếp hạng.

Ngân hàng Royal Bank of Scotland Group RBS  cảnh báo nếu bị hạ một bậc tín nhiệm, ngân hàng này có thể sẽ phải yêu cầu các tổ chức vay nợ bổ sung thêm 12,5 tỷ GBP tài sản thế chấp. Theo ngân hàng này, việc hạ xếp hạng “có thể gia tăng chi phí vay nợ đáng kể và hạn chế khả năng phát hành của tổ chức này trên thị trường vốn.”

Ngân hàng Lloyds gần đây cũng hé lộ nếu Moody’s hạ hai bậc xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng này, Lloyds có thể sẽ phải bổ sung thêm 28 tỷ GBP tiền ký quỹ gắn với những hợp đồng tài chính. Ngân hàng này cũng cảnh báo việc hạ xếp hạng “có thể kéo theo 11 tỷ GBP tiền mặt bị rút ra khỏi ngân hàng”.

RBS và Lloyds, cả hai ngân hàng có một phần sở hữu thuộc chính phủ Anh, đều có những nguồn tài sản thanh khoản ổn định có thể sử dụng tới nếu nguồn vốn truyền thống của họ cạn kiệt.

Một số ngân hàng trang cãi rằng tác động của việc hạ xếp hạng khó có thể được hạn chế. Họ lưu ý rằng Moody’s đang đi theo những tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối thủ như Standard & Poor’s và Fitch Ratings, vốn đã hạ xếp hạng của nhiều ngân hàng đang chịu đánh giá của Moody’s.


Theo Stox.vn

Các tin cũ hơn