Thị trường BĐS sắp thoát khỏi cảnh "bế tắc"
Chờ giải phóng hàng tồn kho
Theo quyết định mới nhất của NHNN, có tới 50% đối tượng cho vay thuộc diện "không khuyến khích" được loại trừ, từ cho vay tiêu dùng mua nhà ở, vay mua nhà để đầu tư, bán, cho thuê; các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị.... Các đối tượng vay thuộc diện không khuyến khích còn lại vẫn bị NHNN áp tỷ trọng dư nợ cho vay không vượt quá 16% tổng dư nợ cho vay.
Dẫn giải nguyên nhân để nới "room" tín dụng cho lĩnh vực vay BĐS, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng, BĐS là lĩnh vực rất rộng, năm 2011 lĩnh vực kinh doanh được đưa vào diện kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 16% nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Nhưng đến nay khi nguy cơ lạm phát đã được đẩy lùi, thì nới van cho lĩnh vực này là việc cần làm ngay.
"Mở tín dụng BĐS không những giải phóng được lượng hàng tồn kho lớn, mà còn giúp luân chuyển vốn hợp lý, và "cứu" một loạt các lĩnh vực sản xuất kinh doanh "ăn theo" như sản xuất xi măng, sắt thép; cải thiện nợ xấu trong hệ thống NH" – Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Việc mở tới 50% nhóm đối tượng cho vay thuộc lĩnh vực BĐS ra khỏi vùng "cấm" và mở hết đối với đối tượng cho vay tiêu dùng, đồng nghĩa cơ hội vay đối với các đối tượng không được loại trừ thuộc diện không khuyến khích sẽ tăng lên gấp đôi khi tỷ trọng tín dụng vay không khuyến khích vẫn là 16%.
Thông tin từ cơ quan quản lý vừa phát đi ngay lập tức đã nhận được phản hồi tích cực từ thị trường chứng khoán, khi trong phiên giao dịch ngày 12/4 gần như các mã chứng khoán của các công ty BĐS đều tăng "kịch trần" như: ITA kết phiên dư mua trần 1,4 triệu cổ phiếu; LCG, NVT dư mua trần 1 triệu cổ phiếu… Giao dịch cổ phiếu BĐS tăng mạnh khiến tổng khối lượng giao dịch trong ngày 12/4 lên tới 3.000 tỷ đồng.
Thấp thỏm chờ đợi
Van tín dụng BĐS được mở sẽ tạo điều kiện cho các dự án BĐS dễ dàng tiếp cận vốn hơn, nhưng có phải tất cả các đối tượng kinh doanh BĐS đều được vay?
Theo ông Phạm Quang Tùng – Phó tổng giám đốc NH Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), hỗ trợ lĩnh vực kinh doanh BĐS lúc này là hợp lý, vì vốn của doanh nghiệp (DN) BĐS chủ yếu là vốn đi vay từ NH, khi dòng vốn này bị "tắc" khiến đa số các DN BĐS rơi vào cảnh "chết dần chết mòn". Thậm chí, có nhiều DN đã phải chấp nhận chuyển nhượng dự án với giá rẻ cho đối tác có tiềm lực tài chính để duy trì kinh doanh chờ thời cơ.
"Dư nợ cho vay không khuyến khích trong toàn hệ thống NH khoảng trên 11%, còn tỷ lệ này ở BIDV là 8% và trong đó cho vay BDS là 5,6% - là mức thấp hơn so với các NH khác. Vì thế, thời gian tới, BIDV cũng sẽ tăng tỷ trọng vốn vay và cơ chế LS cho vay BĐS cũng sẽ ngang bằng với cho vay thông thường" – ông Tùng nói.
Cùng với đó NHNN đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 13 về quản lý rủi ro tín dụng, theo đó hệ số của BĐS sẽ được giảm từ 250% xuống còn 150% cũng được cho là lực đẩy để kích cầu thị trường trở lại. Động thái nữa từ phía NHNN là cơ quan này yêu cầu các TCTD tự chủ động cơ cấu lại các khoản nợ nhằm tạo điều kiện cho các DN (trong đó có DN lĩnh vực BĐS) có thêm thời gian phục hồi, đảm bảo khả năng trả nợ của DN và giảm nợ xấu trong hệ thống NH.
Lãnh đạo BIDV cho rằng, nghiệp vụ cơ cấu nợ là hoạt động nghiệp vụ bình thường của các TCTD thực hiện từ năm 2005 theo văn bản 783 của NHNN. Do đó, suốt thời gian với những DN khó khăn tạm thời hoặc việc định hạn thời hạn trả nở đối với DN trước đây chưa phù hợp đều được các NH "ngồi lại" với DN để đi đến thống nhất phương án giải quyết có lợi cho cả đôi bên.
Trong bối cảnh sức khỏe của khối DN, nhất là DN BĐS đang "kiệt quệ", một lần nữa vấn đề này lại được đặt ra và trở nên cấp bách hơn. "Chỉ có điều mỗi NH lại có chính sách chiến lược riêng để đảm bảo vừa gỡ khó cho DN BĐS, vừa có lợi cho NH" – ông Tùng nhấn mạnh thêm.
Song, người đứng đầu NHNN khẳng định: "việc cơ cấu lại nợ thuộc thẩm quyền của các NH, NHNN không khuyến khích các NH cơ cấu lại nợ nếu việc cơ cấu đó vi phạm pháp luật và cơ cấu lại nợ chỉ áp dụng với DN khó khăn tạm thời". Đồng nghĩa, không phải tất cả DN BĐS sẽ được "cứu", mà chỉ những DN nào có phương án kinh doanh, chứng minh được hướng đi phát triển sau tái cơ cấu mới được xét duyệt vay.
Nói với PV Infonet, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh ông Lê Hoàng Châu cho rằng, DN BĐS thời gian qua quá khó khăn như trời đang khô hạn, nay gặp nước thì cần phải có thời gian để hấp thụ. Ông Châu hy vọng, khi chính sách đã "mở" thì các NH cũng mở rộng cửa cho các DN BĐS.
Còn ông Nguyễn Giang – Giám đốc Công ty xây dựng L.G cho rằng, việc dỡ bỏ cho vay BĐS ra khỏi đối tượng không khuyến khích và hạ thêm trần lãi suất xuống 12%/năm là một tín hiệu tốt từ chính sách. Điều này sẽ giúp cho công ty có khả năng vay được vốn dễ dàng hơn trước do dòng vốn bị "trói chặt" từ phía NH, để hoàn thiện các dự án đang thi công dở dang và một phần trang trải nợ cho đối tác. Vậy nhưng, vị giám đốc này vẫn băn khoăn về độ trễ của chính sách. "Nói giảm lãi suất nhưng chính sách bao giờ cũng có độ trễ nhất định, mong là đừng trễ quá, DN lại được phen mừng hụt thì khổ" – ông Giang bày tỏ.
Theo infonet