Dự báo “cơn lốc” bão giá hậu tăng giá xăng

Thứ hai, 23/04/2012, 11:19
Hệ quả của tăng giá xăng bao giờ cũng là “bão giá”, đó cũng là nhận định của TS Nguyễn Minh Phong khi ông cho rằng, việc giá xăng trong nước bất ngờ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả một số mặt hàng thiết yếu, vì đây là một yếu tố đầu vào quan trọng của nhiều hoạt động kinh tế và tiêu dùng xã hội.

Tin liên quan
>> “Doanh nghiệp xăng dầu đang được độc quyền kép”
>> Xăng dầu leo thang, cước taxi "rượt đuổi"

Như tin đã đưa, Liên Bộ Tài chính – Công Thương vừa có quyết định chính thức về việc tăng giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít (tương đương 3,93%); điêzen là 500 đồng/lít (2,34%), dầu hỏa 600 đồng/lít (2,88%) và dầu madut là 400 đồng/kg (2,13%).

Nói về việc tăng giá bán xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, kể từ sau ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước gần đây nhất (7/3/2012), giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng và giao động ở mức cao, tiếp tục tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành đã tác động làm cho việc kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn.

 

Hệ quả của tăng giá xăng bao giờ cũng là “bão giá”

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như lùi thuế nhập khẩu về  mức 0% với tất cả các chủng loại xăng dầu trong một thời gian dài để bình ổn giá, Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết, thì việc bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giảm thiểu tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước hiện nay với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia...) khoảng từ 3.662 đồng/lít đến  7.878 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước. Giải pháp cuối cùng, Bộ đã quyết định tăng giá xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục điều chỉnh giá xăng, dầu là để nhằm làm cho giá xăng dầu phản ánh được sự biến động của giá thị trường thế giới; đồng thời để phản ánh đúng giá hàng hoá, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu theo các nguyên tắc tính toán đã được quy định tại Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Xoay quanh vấn đề này, có nhiều chuyên gia đã lên tiếng, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tăng giá xăng là hoàn toàn hợp lý khi giá thế giới tăng cao. Tuy nhiên, động thái điều chỉnh mặt hàng này trong ngày hôm qua, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới.

TS Nguyễn Minh Phong phân tích, xăng dầu có ảnh hưởng mạnh trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát ở Việt Nam, vì đều là “yếu tố đầu vào” của nhiều hoạt động kinh tế và tiêu dùng xã hội. Các động thái từ giá xăng dầu sẽ có ảnh hưởng trước hết và trực tiếp tới chi phí sản xuất của hầu hết các ngành, hoạt động kinh tế có liên quan đến tiêu thụ xăng dầu. Trực tiếp dẫn đến sự điều chỉnh tăng chi phí và giá cả các yếu tố cấu thành hàng hóa-dịch vụ “sản phẩm đầu ra” xã hội, do đó làm tăng giá hầu hết các mặt hàng hóa và dịch vụ xã hội.

Từ những phân tích trên, ông Phong cho rằng: “Mỗi khi giá xăng dầu tăng sẽ trực tiếp và gián tiếp khởi động một vòng xoáy lạm phát đan xen phức tạp, bao gồm cả lạm phát giá cả, lạm phát chi phí và lạm phát tâm lý. Cùng với đó còn bị nhân bội bởi các chiêu tung tin đồn thất thiệt và đầu cơ sẽ bùng phát, với sự gia tăng giá xăng dầu ở Việt Nam”.

Trong khi đó, liên quan đến câu hỏi về những ảnh hưởng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 4, theo TS Nguyễn Minh Phong hiện tại việc tăng giá xăng ngày hôm qua sẽ không tác động đến CPI tháng này, nguyên nhân là số liệu tổng hợp thống kê đã được tổng kết xong. Tuy nhiên, sang tháng sau chỉ số CPI có thể bị ảnh hưởng. Cùng với đó, nhiều mặt hàng thiết yếu theo đó có thể “té nước theo mưa”.


Theo Vnmedia

Các tin cũ hơn