Tin liên quan
>>Bất động sản giá rẻ sắp 'sống khỏe'?
>>BĐS muốn thoát chết chỉ còn nước giảm giá
Thị trường nhà đất TPHCM đang hứa hẹn một cuộc đua giảm giá bán - Ảnh: Tấn Thạnh. |
Sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa lãi suất huy động xuống còn 12%, dòng tiền bắt đầu chảy trở ra cho các khách hàng. Điều đáng ghi nhận là nguồn vốn có lãi suất tương đối thấp này chỉ đến trực tiếp với những người có nhu cầu và dự án tốt, chứ không phải đến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh địa ốc thiếu năng lực hoặc dự án kém vốn đang nợ đầm đìa.
Doanh nghiệp: Hãy đợi đấy!
Sau khi Ngân hàng Nhà nước có Văn bản 2056/NHNN-CSTT (ngày 11-4) công bố hạ lãi suất huy động xuống 12%/năm và định hướng giảm lãi suất cho vay về khoảng 14%-16%, khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng đã mở ra cho các DN bất động sản (BĐS), nhà đầu tư thứ cấp và người tiêu dùng mua nhà để ở.
Đặc biệt, với giải pháp cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ cũ, DN có điều kiện tiếp cận khoản tín dụng với lãi suất mới. Tuy nhiên, hiện các DN chưa thể tiếp cận được nguồn vốn mới, bởi đa phần vẫn còn “đủng đỉnh” xem xét lại từng khoản vay.
Có lẽ chính vì vậy mà trong văn bản mới nhất gửi các cơ quan chức năng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea), kiến nghị cần thực hiện ngay chủ trương của Chính phủ và Văn bản 2056/NHNN-CSTT là giảm lãi suất cho vay đối với DN về mức 14%-16%/năm; đồng thời có lộ trình cụ thể đưa lãi suất cho vay trở về mức 11%-12%/năm như trước đây để nền kinh tế và thị trường BĐS phát triển bình thường, ổn định.
Horea cũng kiến nghị DN BĐS được vay tín dụng để thực hiện dự án, thi công xây dựng công trình; nhà đầu tư được vay mua nhà để bán hoặc cho thuê; cho người tiêu dùng vay mua nhà để ở; các ngân hàng được cơ cấu lại nợ cũ; DN được gia hạn nợ hoặc được đảo nợ đến hạn để cầm cự trong giai đoạn khó khăn này…
Ông Châu bức xúc: “Có một điều rất vô lý là trước đây, khi lãi suất huy động tăng lên thì ngân hàng ngay lập tức yêu cầu DN điều chỉnh tăng lãi suất vay nhưng nay, khi lãi suất huy động giảm thì ngân hàng lại cho rằng phải có thời gian, phải có độ “trễ” mới giảm lãi suất cho vay được!”. Trong tình hình hiện nay, Horea kiến nghị cần quy định trần lãi suất cho vay. Cụ thể là lấy trần lãi suất huy động cộng với biên độ dao động tối đa 2,5%-3%, như vậy lãi suất DN được vay chỉ còn nằm ở mức 14,5%-15%/năm.
Xuất hiện “kẻ phá bĩnh”
Trước tình hình như vậy, nhiều DN đang lên kế hoạch giảm giá để đẩy mạnh bán hàng. Thậm chí, có DN còn chấp nhận làm “tội đồ” khi bị các DN khác lên án là “kẻ phá giá” nhà đất.
Tại đại hội cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) năm 2012 tổ chức ngày 19-4, có người đã đặt vấn đề liệu với chính sách bán hàng mới của mình, HAGL có bị xem là phá giá nhà đất hay không? Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, khẳng định ông chấp nhận các DN khác xem HAGL là “kẻ phá giá”, “kẻ phá bĩnh”… hay đại loại như vậy, bởi mục đích sống còn và vì chiến lược phát triển của DN. Ông Đức giải thích: “Năm 2009, HAGL giảm giá căn hộ 40%, năm 2011 giảm 20% và trong thời gian tới sẽ có sản phẩm được bán với giá bằng 50% sản phẩm cùng vị trí trên thị trường”.
Hai sản phẩm mà ông Đức liệt kê là dự án căn hộ Thanh Bình (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 - TPHCM) với giá bán khoảng 22 triệu đồng/m2 trở lên cho loại nhà diện tích 70 - 90 m2 và căn hộ Phúc Bảo Minh (đường Lương Minh Nguyệt, quận Tân Phú – TPHCM) với giá bán 12,5 triệu đồng/m2, cho loại nhà diện tích 60 - 80 m2.
Bình luận về việc này, nhiều DN địa ốc tỏ ra lo lắng, bởi HAGL đã từng đi tiên phong trong cuộc “cách mạng” về việc giảm giá căn hộ tại TP, kéo theo hệ lụy là hầu hết các dự án đang bán giá “trên trời” tự rớt xuống 20%-40%, thậm chí có dự án còn xuống 50% so với giá bán trước đó. Điều này cho thấy đang có những đợt “sóng ngầm” trên thị trường nhà đất TP, bởi nếu tất cả các chủ đầu tư đều cùng phải giảm giá mạnh để cạnh tranh thì chắc chắn giao dịch sẽ bùng nổ.
Theo Người Lao Động