Ông chủ thương hiệu Ninomax phân trần về tin đồn phá sản

Thứ bảy, 21/04/2012, 19:00
Giảm giá 80% trong 3 ngày liên tiếp rồi lại nghỉ bán hàng vào ngày tiếp sau khiến giới kinh doanh râm ran đồn thổi: Ninomaxx phá sản. Ông chủ công ty cho biết mọi hoạt động đều nằm trong kế hoạch tái cấu trúc.



Từ ngày 16.4.2012, hàng chục cửa hàng thời trang Maxxstyle và Ninomaxx tại TP.HCM không mở cửa bán hàng. Trước đó, liên tiếp trong ba ngày từ 13 – 15.4, các cửa hàng này đã kéo hàng ngàn khách chen chân mua sắm tấp nập với chương trình giảm giá 80%.

Đến ngày 17.4, một số cửa hàng đã mở cửa bán như bình thường, nhưng lượng hàng trưng bày không ngập kín các quầy kệ, khác hẳn với cách trưng bày hàng hoá luôn đầy ắp trước đây. Và đến chiều 19.4.2012, một số cửa hàng vẫn đóng cửa.

Trước tình hình trên, giới kinh doanh râm ran đồn thổi: Ninomaxx phá sản. Ông Nguyễn Hữu Phụng, chủ tịch HĐQT công ty Thời Trang Việt, cho biết: Tất cả các hoạt động đang diễn ra nằm trong kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp.


Tại sao công ty tiến hành bán giảm giá đến 80%, rồi lại đóng cửa không bán hàng?

Việc giảm giá 80% nhằm thanh lý cho hết hàng cũ. Tất cả được thực hiện nhằm chuẩn bị cho đợt tung sản phẩm mới, nằm trong kế hoạch tái cấu trúc của công ty bao gồm từ sản phẩm, kênh phân phối, nhân sự cho đến cả đối tượng khách hàng…

Sau ba ngày bán giảm giá, suốt cả đêm 15.4 cho đến 16.4, chúng tôi đã tiến hành kiểm kê đồng loạt hàng tồn trong 200 cửa hàng trên toàn quốc, và dọn dẹp tất cả. Chính vì vậy nhiều nhân viên quá mệt, trong ngày 16.4 có cửa hàng mở bán trễ, có nơi đóng cửa.

Từ ngày 17.4, tất cả đã bán hàng trở lại. Riêng tại TP.HCM, công ty sẽ ngưng kinh doanh năm cửa hàng và trả lại mặt bằng với nhiều lý do. Chẳng hạn, cửa hàng ở đường Hai Bà Trưng giá cho thuê quá cao, trong khi giá thuê mặt bằng trên toàn thị trường đã giảm đến 30%, nên tôi thanh lý hợp đồng để thuê chỗ khác; một số cửa hàng khác diện tích quá nhỏ… Từ tháng 5.2012, tôi sẽ khai trương khoảng năm cửa hàng có diện tích khoảng 1.000m2, phù hợp với chiến lược kinh doanh mới.

Ra đời từ năm 1998 với cửa hàng thời trang Ninomaxx trên đường Nguyễn Đình Chiểu, đến nay công ty Thời Trang Việt được xem là doanh nghiệp lớn trong thị trường thời trang Việt Nam, sở hữu ba thương hiệu Ninomaxx, N&M, và Maxxstyle, với hệ thống phân phối khoảng 200 cửa hàng trên toàn quốc
 

Ông bình luận gì về lời đồn công ty Thời Trang Việt phá sản?


Lời đồn đó xuất phát từ đâu mới là điều đáng chú ý. Lời đồn từ đối thủ, hay từ đội ngũ nhân sự đang phải sắp xếp lại theo cấu trúc mới, thì cần xem lại.

Nếu công ty phá sản, phải có biểu hiện bằng mất khả năng trả nợ ngân hàng, mất khả năng thanh toán cho các đối tác, nhà cung cấp nguyên liệu… Hiện nay tất cả các cửa hàng đã bắt đầu trưng bày sản phẩm mới, theo thiết kế mới, với mức giá mới đảm bảo khả năng cạnh tranh với các nhãn hàng khác trên thị trường. Dự kiến đến khoảng giữa tháng 5 thì các mẫu mã chủ lực sẽ được tung ra đầy đủ. Đó chỉ là hoạt động mở đầu cho chuỗi công việc theo lộ trình tái cấu trúc toàn bộ công ty.

 

NINOMAXX là nhãn hiệu thời trang khá quen thuộc với người tiêu dùng.


Ông có nghĩ đến tin đồn sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu?

Tôi chịu trách nhiệm về đời sống của 2.000 nhân viên, tôi hiểu các quyết định của mình sẽ tác động như thế nào đến một tập thể lớn.

Trong bối cảnh này, nếu doanh nghiệp nào không gặp khó khăn thì quả là bất ngờ, điều đáng quan tâm là chọn giải pháp nào để vượt khó. Giảm giá mạnh, chấp nhận bán lỗ, thanh lý hợp đồng thuê nhà chịu mất tiền cọc... là cái giá phải trả để có thể thay da đổi thịt.

Vấn đề là tôi đã có giải pháp để bù đắp cho khoản lỗ trước mắt bằng chiến lược đổi mới hoàn toàn. Tôi tin khi toàn bộ hình ảnh mới của Thời Trang Việt được hiện diện đầy đủ, thì lúc đó mọi người sẽ tin vào điều họ nhìn thấy, hơn là điều tôi nói lúc này.

Có quá mạo hiểm khi tái cấu trúc công ty ngay ở thời điểm sức mua đang giảm?

Lúc sức mua đang xuống thấp nhất, thị trường uể oải và khủng hoảng hàng tồn vì người tiêu dùng đang chán mua sắm, cũng là lúc phải có cái mới đáp ứng chính xác nhu cầu khách hàng, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để công ty có thể tạo nét đột phá.

Tôi đoan chắc chỉ những công ty có nội lực thực sự mới dám đưa ra các quyết định đổi mới vào lúc này. Nội lực ấy thể hiện trong chiến lược, tầm nhìn, vốn, nhân sự… Đơn cử, tính trên mạng lưới 200 cửa hàng của công ty Thời Trang Việt trên toàn quốc, khi bán giảm giá 80% là đã chấp nhận khoản lỗ đáng kể. Lượng hàng mới đưa vào kho chờ bán ở từng cửa hàng cũng ngốn khoản kinh phí lên đến vài chục tỉ đồng. Việc tuyển dụng đội ngũ quản lý, thiết kế mới chuyên nghiệp và có đẳng cấp cũng tốn không ít.


Theo SGTT

Các tin cũ hơn