>>Cà Mau: Nóng lòng thả tôm nuôi, nguy cơ mất trắng bạc tỷ
>>ĐBSCL: Doanh nghiệp tôm lo xuất khẩu bị giảm
>>Khánh Hòa, Phú Yên: Tôm chết lan rộng
Chiều ngày 20/4, UBND tỉnh Trà Vinh chính chức công bố dịch bệnh thủy sản với hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm sú ở huyện Cầu Ngang. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, địa phương vừa công bố dịch bệnh thủy sản có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại lên gần 2.000 ha. Riêng xã Mỹ Long Nam có trên 90% diện tích tôm nuôi bị chết, với trên 125 triệu con giống, ước thiệt hại lên đến 350 tỷ đồng.
Tôm chết ở miền Tây vì hội chứng hoại tử gan tụy
Trong khi đó, con số báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho thấy trong tổng số 1,5 tỷ con tôm sú được thả nuôi trên diện tích 19.400 ha từ đầu năm đến nay đã có hơn 400 triệu con giống (3.500 ha) tại các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành bị chết với thiệt hại trên 400 tỷ đồng, tăng thêm 100 tỷ đồng so với vài ngày trước.
Như vậy, Trà Vinh là địa phương thứ hai công bố dịch bệnh trên tôm sú vì nửa năm trước Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam công bố dịch thủy sản với hội chứng hoại tử chức năng gan, tụy ở tôm nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là động thái để ngành chức năng có biện pháp phòng chống dịch bệnh hữu hiệu, tránh lây lan ra diện rộng.
Theo ngành chức năng, hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm chưa xác định rõ được tác nhân gây ra. Bệnh xuất hiện nhiều ở tôm sú ở giai đoạn 20-30 ngày sau khi thả nuôi, còn ở tôm thẻ chân trắng xuất hiện bệnh này sau khi thả 30-35 ngày.
Cải tạo ao tôm bị thiệt hại để chờ thả nuôi vụ mới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tháng 4/2011 hội chứng hoại tử gan tụy diễn ra nghiệm trọng trên nhiều đồng tôm tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó Sóc Trăng là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất với trên 19.800 ha tôm chết (chiếm 76% diện tích thả nuôi), Bạc Liêu thiệt hại 8.586 ha (7,6%), Trà Vinh 6.546 ha (30%).
Đặc điểm của bệnh này vào giai đoạn đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng nhưng làm tôm chậm lớn, thường chết ở đáy ao (đầm, vuông). Giai đoạn tiếp theo, tôm bệnh có hiện tượng vỏ mềm, biến màu. Giải phẫu thấy gan mềm, sưng to hoặc gan tụy bị teo. Kiểm tra mô bệnh học phát hiện có các đốm đen trên gan tụy hoại tử, có vi khuẩn trong nguyên sinh chất và mô liên kết của các tế bào.
Từ những triệu chứng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định hội chứng hoại tử gan tụy là một trong tám bệnh nguy hiểm gây chết hàng loạt, lây lan trên diện rộng ở tôm nuôi. Các bệnh nguy hiểm còn lại là đốm trắng, đầu vàng, hội chứng Taura, hoại tử dưới vỏ với cơ quan tạo máu ở tôm, bệnh virus gan tụy, vi khuẩn gây hoại tử gan tụy và hoại tử cơ hay còn gọi là bệnh đục cơ do virus.
Bên cạnh đó ngành nông nghiệp còn xác định một số bệnh mới khác trên tôm nhưng chưa xác định được tác nhân gây bệnh mà có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tổ chức, cá nhân nuôi tôm.
Theo Zing