Ông Nguyễn Trí Hiếu
Tại cuộc họp báo của NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết không loại trừ bất kỳ phương án nào để thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, ngay cả phương án sử dụng ngân hàng tiếp quản tạm thời.
Tuy nhiên Thống đốc cũng cho biết sẽ không thành lập ngân hàng mới để phục vụ tiếp quản mà nếu cần sẽ sử dụng ngân hàng thương mại đang hoạt động.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, người có nhiều năm hoạt động lĩnh vực ngân hàng tại Hoa Kỳ, về kinh nghiệm của hoạt động tiếp quản ngân hàng tạm thời.
Thưa ông, ông có thể chia sẻ một số nét chính về hoạt động tiếp quản ngân hàng tạm thời tại Hoa Kỳ?
Mô hình ngân hàng tiếp quản tạm thời được nhiều nước áp dụng, tại Hoa Kỳ là FDIC – Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang. Cơ quan này được Quốc hội cấp vốn hằng năm để hoạt động.
FDIC là cơ quan quản lý các ngân hàng từ cấp liên bang đến cấp tiểu bang do tất cả các ngân hàng đều phải đóng phí bảo hiểm tiền gửi. Chính vì vậy khi có ngân hàng gặp khó khăn phải phá sản, sáp nhập hay thanh lý tài sản thì FDIC được chỉ định là cơ quan tiếp quản tạm thời.
Khi đó FDIC sẽ đánh giá chất lượng các ngân hàng thông qua chỉ số an toàn vốn CAR và bộ tiêu chuẩn CAMELS. Nếu CAR dưới 3% thì ngân hàng đó sẽ bị FDIC cảnh cáo, nếu không có cải thiện và CAR xuống dưới 2% thì FDIC sẽ vào tiếp quản bất kỳ thời điểm nào.
Thông thường vào thứ 6 sẽ là ngày FDIC đến tiếp quản ngân hàng và tận dụng những ngày cuối tuần để rà soát sổ sách, chứng từ để thứ 2 có thể mở cửa giao dịch bình thường dưới sự tiếp quản của FDIC.
Theo quy định thì tất cả các khoản tiền gửi có trả lãi từ 250 ngàn USD trở xuống sẽ được FDIC đảm bảo thanh toán bất cứ lúc nào và vô điều kiện. Những tài khoản thanh toán không trả lãi được FDIC bảo hiểm vô giới hạn.
Với tiền gửi có trả lãi trên 250 ngàn USD thì FDIC thông báo sẽ thanh lý tài sản ngân hàng để thanh toán cho người gửi tiền trên 250 ngàn USD. Khách hàng nhận được bao nhiêu tiền từ khoản trên 2500 ngàn USD phụ thuộc vào việc thanh lý tài sản ngân hàng bởi FDIC.
Số tiền sau thanh lý sẽ được trước nhất trả thuế cho chính phủ liên bang và tiểu bang, tiếp đến là trả lương cho nhân viên, trả tiền gửi, sau đó mới đếntiếp đến là cho các con nợ khác và cuối cùng là cổ đông ngân hàng.
Quá trình thanh lý ngân hàng sẽ diễn ra như thế nào thưa ông?
FDIC thường áp dụng 3 cách thanh lý ngân hàng. Cách thứ nhất là bán toàn bộ tài sản có và tài sản nợ cho ngân hàng khác tùy theo chất lượng tài sản mà giá trị nhận được sẽ nhiều hơn hay ít hơn giá sổ sách của ngân hàng bị thanh lý.
Hoặc FDIC có thể bán từng phần đối với tài sản có và tài sản nợ và cách thứ 3 là sáp nhập ngân hàng đó vào ngân hàng khác.
Tại Việt Nam, Thống đốc NHNN cho rằng sẽ sử dụng một ngân hàng đang hoạt động để tiếp quản ngân hàng yếu kém khi cần thiết. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ở Việt Nam với đề xuất nếu có sử dụng ngân hàng tiếp quản tạm thời thì sẽ là ngân hàng thương mại, tôi cho rằng không nên. Bởi khi bán thanh lý, sáp nhập thì có thể dùng ngân hàng đang hoạt động còn đây là tiếp quản tạm thời thì nên là cơ quan độc lập dưới sự chỉ đạo của NHNN.
Sau khi tiếp quản cơ quan đó có thể định giá lại tài sản của ngân hàng một cách khách quan để sau đó thanh lý sẽ được giá hợp lý hơn là một ngân hàng đang hoạt động trên thị trường.
Nếu đơn vị tiếp quản là ngân hàng đang hoạt động thì có thể đó là ngân hàng đối thủ cạnh tranh hoặc một ngân hàng thân hữu với ngân hàng bị tiếp quản. Như thế thì việc thanh lý và định giá tài sản sẽ thiếu khách quan.
Theo tôi ở đây cần hiểu cơ quan tiếp quản ngân hàng tạm thời phải là cơ quan độc lập, không phục vụ cho nhóm lợi ích nào mà là phục vụ cho lợi ích quốc gia. Còn ngân hàng thương mại đương nhiên sẽ phải phục vụ cho lợi ích của cổ đông, của khách hàng ngân hàng đó.
Tuy nhiên tôi cũng hiểu hiện tại ở Việt Nam chưa có cơ quan nào tương đương như FDIC nhưng có lẽ chúng ta vẫn còn thời gian đủ để thành lập cơ quan độc lập trực thuộc NHNN để làm việc này
Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Việt Nam – DIV liệu có thể đóng vai trò là cơ quan tiếp quản ngân hàng như FDIC không?
DIV cũng có chức năng tương tự như FDIC tại Hoa Kỳ tuy nhiên DIV chưa có năng lực cũng như quy mô hoạt động rộng lớn như FDIC.
Hơn nữa trong hoạt động của ngân hàng thì FDIC có sự giám sát rất sâu đối với các ngân hàng trong khi tại Việt Nam DIV chưa có chức năng này. Vì thế để DIV có thể đóng vai trò là cơ quan tiếp quản ngân hàng tạm thời còn quá sớm.
Việc tiếp quản ngân hàng là khối lượng công việc khổng lồ và rất phức tạp đòi hỏi lượng nhân viên lớn nắm vững nghiệp vụ ngân hàng từ hoạt động tín dụng đến đầu tư, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin – core banking của ngân hàng.
Nhiều người cho rằng việc tiếp quản tuy là tạm thời nhưng vấn đề nhân sự cũng rất quan trọng. Nếu ngân hàng bị tiếp quản vẫn được lãnh đạo bởi những người gây ra hậu quả hoặc những nhân sự đó vẫn giữ vị trí lãnh đạo sau sáp nhập thì sẽ không có hiệu quả?
Đối với vấn đề nhân sự thì có thể thấy rằng một số vị trí cao cấp nhất của những ngân hàng yếu kém bị tiếp quản có thể thay thế ngay bởi đó là những người đã gây ra hậu quả cho ngân hàng.
Còn những thành phần khác của ban điều hành cấp trung và cấp thấp thì vẫn có thể giữ lại từng phần, hay toàn phần tùy vào quá trình tiếp quản và giải quyết hậu quả của ngân hàng bị tiếp quản.
Theo Cafef