Các tin khác
>>Nên cứu hay để DN bất động sản “chết” hẳn?
>>“Bây giờ có tiền cũng không bỏ vào bất động sản”
>>Bầu Đức sắp phá giá bất động sản tại TP HCM
Thị trường BĐS vẫn loay hoay chưa tìm được lối ra.
“Thị trường bất động sản hiện đang lâm vào tình thế vòng xoáy,” Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, phát biểu tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp bất động sản và các thành viên Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia do Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tổ chức tuần qua tại TPHCM. Vòng xoáy đó khiến người ta phải lựa chọn được cái này sẽ mất cái kia, và nhiều khi lẫn lộn giữa biện pháp dài hạn và cấp cứu thị trường.
Cũng có ý kiến phản biện cho rằng mặc dù thị trường bất động sản hiện nay khó khăn nhưng mức độ cũng vừa phải, chưa tới mức phải cứu. Bởi lâu nay các nhà đầu tư bất động sản có thuận lợi trong khuôn khổ luật pháp khi được phép thu tiền của người mua từ khá sớm, nên chưa phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng nhiều. Hơn nữa, lợi nhuận của lãnh vực bất động sản khá cao, và thời gian vừa qua giá bất động sản có giảm nhưng cũng chỉ ở mức vừa phải, chưa tới mức làm cho nhà đầu tư nguy hiểm.
Tuy nhiên, thị trường khó khăn kéo dài từ năm 2008 đến nay đang khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc lao đao thực sự. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, “bài toán lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là tính thanh khoản trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp vay phát triển dự án với lãi suất cao, trong khi đó đầu ra không bán được”.
Giống như nhiều doanh nghiệp địa ốc khác, ông Vũ Anh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài Nguyên, cho rằng thị trường bất động sản suy giảm nghiêm trọng trong khoảng bốn năm qua khi chuyển động thị trường gần như bằng phẳng ở các phân khúc căn hộ, khiến nhiều doanh nghiệp đang lao đao trên đống tài sản của mình vì không thể tìm được đầu ra cho sản phẩm. Các doanh nghiệp địa ốc không còn khả năng đóng góp cho nền kinhtế, không tạo ra được việc làm và đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo ông Tâm, thị trường không có tính thanh khoản nên không ngân hàng nào dám cho vay. Càng như vậy thì các doanh nghiệp càng bế tắc. Hơn nữa, không có một thị trường nào phát triển với lãi suất cho vay như hiện nay.
“Đó là một vòng luẩn quẩn, và doanh nghiệp địa ốc đang ăn mòn vào tài sản của mình trong bốn năm qua,” ông Tâm phát biểu, và cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là tạo ra thị trường có người mua nhà, và một khi doanh nghiệp địa ốc bán được hàng sẽ tạo ra việc làm cho ngành xây dựng, xi măng, sắt thép. Do vậy Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà như nhiều quốc gia đang làm.
Ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Thanh Bình, cũng đồng quan điểm trên, cho rằng thay vì bơm vốn cho doanh nghiệp, nên tài trợ trực tiếp cho người mua nhà, như vậy tính thanh khoản của thị trường sẽ tăng lên, doanh nghiệp cũng bớt khó khăn và người dân có nhà để ở.
Ông Thiên cũng cho rằng nên tập trung nhiều hơn cho đầu ra để giúp doanh nghiệp tháo gỡ bế tắc. Nếu thực hiện thì đây là cả nghệ thuật vì phải làm sao dùng lượng tiền vừa đủ để kích thị trường mà không chảy vào giới đầu cơ.
Người dân chưa mặn mà vay tiền mua nhà
Sau khi NHNN công bố việc giảm lãi suất và nới lỏng tín dụng cho bất động sản, nhiều ngân hàng như ACB, ANZ, BIDV, HSBC… đã công bố các gói cho vay ưu đãi lãi suất, chủ yếu tập trung cho người mua nhà. Tuy vậy, chính các ngân hàng cho biết không dễ tìm được người vay trong thời gian này.
Nhân viên tín dụng một chi nhánh của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết từ đầu năm đến nay, có rất ít cá nhân đến liên hệ vay tiền mua nhà, và dù ngân hàng đã giảm lãi suất khoảng 2 điểm phần trăm nhưng vẫn không tìm được đối tượng vay mua nhà. Hiện tại, chỉ có một số cuộc điện thoại gọi hỏi thông tin, nhưng mang tính chất thăm dò là nhiều.
Tại một ngân hàng nhỏ hơn, nhân viên tín dụng chào lãi suất 20%/năm cho khoản vay mua nhà có thời gian trả nợ là 15 năm. Tuy vậy, nhân viên này cũng cho biết đa phần các cuộc đối thoại về chuyện cho vay mua nhà của anh đều không đi đến đâu. Như từ đầu tháng 4 đến nay, chi nhánh của anh không giải ngân được cho đối tượng nào.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, người dân vẫn còn tâm lý chờ đợi. Một là chờ cho lãi suất hạ, hai là chờ cho giá bất động sản giảm thêm nữa, ba là chờ thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên. Hiện người dân chưa tin vào sự hồi phục của thị trường nên chưa nghĩ đến việc vay vốn. Ông cũng cho biết tại Nam Á, dù ngân hàng cũng có những chính sách ưu đãi nhưng nhu cầu vay mua nhà không nhiều.
Nợ xấu tại các ngân hàng tăng cao cũng khiến cho các điều kiện cho vay khắt khe hơn trước, nên nhiều người mua nản lòng. Phó giám đốc một ngân hàng nhỏ khẳng định không phải ai có tài sản thế chấp đều được vay tiền mua nhà.
Hiện tại, ở hầu hết các ngân hàng, việc chứng minh thu nhập được đặt lên hàng đầu. Ví dụ, một cá nhân có thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, dù thế chấp một căn nhà được định giá 10 tỉ đồng thì cũng chỉ được vay 600 triệu đồng. Theo vị này, vấn đề hiện tại của ngân hàng là đòi được nợ, còn việc phát mãi tài sản của khách hàng là điều không mong muốn vì không dễ thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Ngân hàng cũng sợ nợ xấu tăng thêm.
Hiện tại, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng đã công bố dành 1.000 tỉ đồng cho vay mua nhà, với hạn mức vay trên 70% giá trị tài sản đảm bảo. Lãi suất cho cá nhân vay mua nhà tại ACB là từ 18-19%/năm. Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho biết gói cho vay này nhằm đón đầu việc lãi suất đang trên đà giảm đến mức hợp lý với người vay và giá nhà đất đang xuống mức hấp dẫn. Khi cả hai yếu tố này chín muồi và gặp nhau thì nhu cầu vay mua nhà để ở chắc chắn sẽ tăng lên do nhu cầu nhà ở trong dân cư còn rất lớn.
Ông Hải cũng khẳng định so với khả năng trả nợ thực tế thì lãi suất cho vay mua nhà vẫn còn cao, nhưng lãi suất cũng đang dần trở về mức mà người mua có thể nghĩ đến chuyện vay tiền.
Theo TBKTSG